Hãng Reuters cho biết vì tất cả cơ sở lọc dầu lớn của Nga đều sử dụng công nghệ lẫn phần mềm phương Tây nên loạt trừng phạt Mỹ đang áp đặt đối với Nga khiến việc sửa chữa gặp khó khăn.
Quốc tế

Trừng phạt của Mỹ khiến Nga khó sửa chữa cơ sở lọc dầu

Cẩm Bình 05/04/2024 11:14

Hãng Reuters cho biết vì tất cả cơ sở lọc dầu lớn của Nga đều sử dụng công nghệ lẫn phần mềm phương Tây nên loạt trừng phạt Mỹ đang áp đặt đối với Nga khiến việc sửa chữa gặp khó khăn.

trung.jpg
Cơ sở lọc dầu Nga bị Ukraine nhắm đến - Ảnh: Reuters

Khi phát hiện một tua bin tại cơ sở lọc dầu NORSI nằm gần thành phố Nizhny Novgorod bị hỏng vào ngày 4.1, đội ngũ kỹ sư công ty dầu mỏ Lukoil nhanh chóng nhận ra vấn đề không hề tầm thường. Chỉ một đơn vị biết cách sửa là công ty kỹ thuật dầu khí Mỹ UOP, nhưng họ đã rời khỏi Nga sau khi cuộc chiến nổ ra.

Theo một nguồn tin giấu tên, “Đội ngũ kỹ sư vội vã đi khắp nơi tìm phụ tùng thay thế, kết quả chẳng tìm thấy gì cả. Cả tổ máy đành dừng hoạt động”.

Bốn nguồn tin khác cho biết không rõ lúc nào tua bin có thể được sửa chữa vì ở Nga thiếu nhân lực chuyên môn. Đây là một trong 2 tổ máy chuyển đổi hydrocarbon nặng thành xăng của NORSI. Sự hư hỏng làm cơ sở này giảm 40% sản lượng.

Một số công ty dầu mỏ khác cũng khó sửa chữa cơ sở lọc dầu vốn được đối tác kỹ thuật Mỹ hoặc châu Âu giúp đỡ xây dựng do Nga đang hứng chịu lệnh trừng phạt. Khó khăn càng thêm trầm trọng khi Ukraine dùng máy bay không người lái (UAV) tập kích hàng chục hạ tầng năng lượng Nga gồm cơ sở lọc dầu, trạm vận chuyển, kho chứa. Reuters ước tính hoạt động tập kích khiến các cơ sở lọc dầu cắt giảm 14% công suất trong quý 1 năm nay.

Chuyên gia Sergey Vakulenko (Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie) cảnh báo: “Nếu tập kích tiếp tục diễn ra thường xuyên và hệ thống phòng không Nga chẳng cải thiện, Ukraine có thể làm gián đoạn hoạt động lọc dầu của Nga nhanh hơn tốc độ Nga sửa chữa cơ sở lọc dầu”.

Tuần trước, Phó thủ tướng Alexander Novak tuyên bố loạt cơ sở NORSI bị hư hại có thể hoạt động trở lại trong 1 - 2 tháng tới, công ty nội địa đang nỗ lực sản xuất phụ tùng thay thế cần thiết. Các cơ sở lọc dầu khác đã tăng sản lượng nên thị trường nhiên liệu Nga không hề thiếu hụt. Bộ trưởng Năng lượng Nikolai Shulginov ngày 3.4 cho biết tất cả cơ sở sẽ được sửa chữa vào tháng 6.

Sản lượng của cơ sở NORSI nằm gần thành phố Nizhny Novgorod vào khoảng 405.000 tấn xăng mỗi tháng (tương đương 11% tổng sản lượng cả nước). Dựa trên giá xăng trung bình tại Nga là 587 USD/tấn, Reuters tính toán tình trạng dừng hoạt động làm mỗi tháng Lukoil mất gần 100 triệu USD doanh thu.

Honeywell - tập đoàn mẹ của UOP - tuyên bố từ tháng 2.2022 đến nay họ không cung cấp bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào cho cơ sở NORSI lẫn cơ sở Slavyansk (bị trúng UAV Ukraine vào ngày 18.3). Tập đoàn cũng tích cực làm việc để xác định và ngăn chặn mọi hành vi chuyển sản phẩm của mình sang Nga thông qua bên thứ ba.

Theo nhiều nguồn tin, trong hai thập niên qua hàng loạt đơn vị phương Tây như UOP hay ABB (Thụy Sĩ) đã cung cấp công nghệ lẫn phần mềm cho tất cả 40 cơ sở lọc dầu lớn của Nga. Mỗi cơ sở đều sử dụng kết hợp thiết bị Nga với thiết bị nước ngoài. ABB xác nhận ngừng nhận đơn hàng mới từ Nga kể từ tháng 2.2022, đồng thời tuyên bố không có kế hoạch quay lại sau khi hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hiện hành.

Mỹ nhiều lần kêu gọi Ukraine ngừng tập kích hạ tầng năng lượng Nga vì lo ngại làm vậy đẩy giá dầu toàn cầu lên cao và Moscow trả đũa bằng cách nhắm vào hạ tầng năng lượng mà phương Tây phụ thuộc, chẳng hạn như đường ống CPC vận chuyển dầu từ Kazakhstan qua Nga đến các quốc gia khác.

Nga hiện vẫn là quốc gia xuất khẩu dầu khí hàng đầu thế giới bất chấp phương Tây áp đặt sự trừng phạt. Năm nay giá dầu đã tăng khoảng 15%, lên 85 USD/thùng, dẫn đến chi phí nhiên liệu tăng theo ngay khi Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chiến dịch tái tranh cử.

Bài liên quan
Nga và Iran tăng cường hợp tác quốc phòng
Reuters đưa tin ngày 17.1, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian vừa ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược kéo dài 20 năm, qua đó tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trừng phạt của Mỹ khiến Nga khó sửa chữa cơ sở lọc dầu