Đầu tư mạnh mẽ và cách tiếp cận mã nguồn mở đã đưa Trung Quốc lên vị trí hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng việc thiếu hụt chip tiên tiến có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Nhịp đập khoa học

Trung Quốc bứt phá nhanh ở cuộc đua AI, nhưng có thể lại bị Mỹ bỏ xa do thiếu chip tiên tiến

Sơn Vân 28/12/2024 13:12

Đầu tư mạnh mẽ và cách tiếp cận mã nguồn mở đã đưa Trung Quốc lên vị trí hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng việc thiếu hụt chip tiên tiến có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Shi Yuxiang háo hức muốn tìm hiểu công nghệ AI mới nhất có thể mang lại điều gì trong việc tạo video. Trước khi mô hình tạo video từ văn bản Sora được OpenAI phát hành đầu tháng 12, chuyên gia 34 tuổi trong ngành giải trí đến từ Bắc Kinh đã thử nghiệm nhiều giải pháp thay thế của Trung Quốc.

"Bất cứ khi nào có sản phẩm mới ra mắt, tôi sẽ thử", Shi Yuxiang nói. Nếu một công cụ nào đó gây ấn tượng với Shi Yuxiang, anh sẽ trả tiền để đăng ký.

Shi Yuxiang là một trong số nhiều người dùng Trung Quốc được hưởng lợi bởi vô số dịch vụ AI tạo sinh trong nước, khi các gã khổng lồ công nghệ và công ty khởi nghiệp giàu có tranh giành khách hàng trong một thị trường đang phát triển nhanh chóng. Tính đến tháng 11, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã phê duyệt 252 dịch vụ AI tạo sinh để phát hành công khai tại quốc gia này.

Các công ty Trung Quốc đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống mà những hãng AI hàng đầu Mỹ để lại, từ OpenAI đến Google, khi các dịch vụ AI tạo sinh của họ vẫn chưa chính thức có mặt tại nơi có nhiều người sử dụng internet nhất thế giới.

Dù ban đầu tụt hậu so với các đối thủ phương Tây ở cuộc đua về AI do OpenAI kích hoạt khi phát hành ChatGPT cuối năm 2022, các công ty Trung Quốc đã nhanh chóng tiến lên trong năm nay.

Khi OpenAI giới thiệu Sora vào đầu tháng 2 và cung cấp quyền truy cập hạn chế cho một nhóm người thử nghiệm, những công ty AI Trung Quốc (vốn đã bị cản trở bởi các lệnh hạn chế chip ngày càng tăng từ Mỹ) đang tụt hậu.

Zhou Hongyi, người sáng lập công ty bảo mật internet 360 Security Technology (Trung Quốc), cho biết sự xuất hiện của Sora giống "thùng nước lạnh đổ lên đầu người Trung Quốc". Thế nhưng, các công ty Trung Quốc nhanh chóng đưa ra các đối thủ cạnh tranh với Sora trong vòng vài tháng.

Bắt kịp

Kuaishou Technologies đã mở dịch vụ Kling cho dùng thử có giới hạn vào tháng 6 và mở rộng thử nghiệm cho người dùng toàn cầu trong tháng 7. Kuaishou Technologies là đối thủ của ByteDance (chủ sở hữu TikTok) và là một trong những công ty đầu tiên phát hành công cụ video tạo sinh tại Trung Quốc.

Kuaishou Technologies đã hợp tác với 9 đạo diễn phim Trung Quốc, gồm cả Jia Zhangke - người chiến thắng giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice năm 2006, để tạo ra những bộ phim ngắn bằng Kling.

Những tháng tiếp theo, nhóm các công ty địa phương gồm Zhipu AI, Shengshu AI, ByteDance và Tencent Holdings đã giới thiệu các công cụ tương tự, quảng cáo chất lượng video được cải thiện, hình ảnh sống động hơn và thời lượng dài hơn.

Các nhà phân tích cho rằng sự phát triển nhanh chóng của những sản phẩm AI tại Trung Quốc là do kết hợp nhiều yếu tố.

Theo nhà phân tích Ray Wang, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã đưa AI trở thành ưu tiên quốc gia, thúc đẩy các khoản đầu tư công và tư đáng kể vào lĩnh vực này. Ray Wang là nhà phân tích độc lập tại Washington tập trung vào các mối quan hệ và chiến lược kinh tế và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cùng với nguồn nhân tài dồi dào trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, "hai yếu tố này đã nuôi dưỡng cả các công ty khởi nghiệp AI và hãng công nghệ lớn, cho phép họ thúc đẩy phát triển AI", Ray Wang cho hay.

OpenAI vào giữa tháng 9 phát hành bản xem trước mô hình lý luận o1 được thiết kế để "suy nghĩ và phản ánh" trước khi đưa ra phản hồi. Sau đó không lâu, các công ty Trung Quốc đã giới thiệu mô hình lý luận tương tự o1, chẳng hạn InternThinker từ Phòng thí nghiệm AI Thượng Hải và Skywork o1 từ Kunlun Tech (chủ sở hữu trình duyệt Opera).

Ngoài công cụ video, các công ty Trung Quốc tung ra hàng loạt mô hình lý luận mà họ tuyên bố có thể sánh ngang hoặc thậm chí vượt trội o1 của OpenAI ở một số lĩnh vực.

Sản phẩm mới nhất đến từ nhóm Qwen của Alibaba. Qwen đã công bố mô hình lý luận trực quan nguồn mở QwQ của mình hôm 25.12, gọi đó là "món quà ngày lễ". Qwen cho biết QwQ đang "thu hẹp khoảng cách" với o1 của OpenAI.

Đầu tháng 12, ByteDance và Moonshot AI đã phát hành mô hình lý luận của họ, có khả năng nhận thức hình ảnh, cho phép chúng "nhìn và suy nghĩ".

Tháng 11, DeepSeek trình làng mô hình R1, cho biết nó vượt trội phiên bản xem trước o1 ở một nửa trong số 6 điểm chuẩn do công ty khởi nghiệp này thử nghiệm gồm toán học, lập trình, khám phá khoa học.

Theo Adina Yakefu - nhà nghiên cứu AI tại cộng đồng học máy Hugging Face (Mỹ), tốc độ phát hành mô hình AI nhanh chóng làm nổi bật sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty Trung Quốc trong khu vực.

Trung Quốc có một thị trường khổng lồ với nhiều kịch bản ứng dụng khác nhau, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy AI, bà Adina Yakefu nói thêm.

trung-quoc-but-pha-nhanh-o-cuoc-dua-ai-nhung-co-the-lai-bi-my-bo-xa-do-thieu-chip-tien-tien.jpg
Cuộc triển lãm tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: AFP

Phương pháp tiếp cận nguồn mở

Các mô hình AI của Trung Quốc cũng bắt đầu tạo dấu ấn bên ngoài thị trường nội địa.

Các mô hình nguồn mở từ Deepseek và nhóm Qwen của Alibaba, có thể truy cập được với cộng đồng AI toàn cầu trên nền tảng như Hugging Face, đang thu hút được sự chú ý, theo James Wong – lãnh đạo công ty đầu tư mạo hiểm Creative Ventures (Mỹ).

Trong mục thịnh hành của Hugging Face, nơi liệt kê các mô hình phổ biến nhất 7 ngày qua, các sản phẩm được tạo ra hoặc chỉnh sửa từ mô hình do các công ty Trung Quốc phát triển chiếm 1/2 trong top 10 tuần trước.

Mô hình được tải xuống nhiều nhất trên Hugging Face trong năm nay, chiếm hơn 25% tổng số lượt tải, là Qwen 2.5 của Alibaba.

Bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận nguồn mở, các công ty Trung Quốc đã thực hiện "một hướng đi thông minh", James Wong cho biết. Vì không bắt đầu ở vị trí dẫn đầu như OpenAI hay Google, việc họ làm cho một số sản phẩm của mình dễ tiếp cận hơn để thu hút người dùng là điều hợp lý.

"Bạn cần một số ưu đãi để các công ty sử dụng sản phẩm của mình", James Wong nói.

Tính đến giữa tháng 9, hơn 50.000 biến thể mô hình nguồn mở đã được xây dựng trên Qwen, khiến nó trở thành hệ sinh thái mô hình AI lớn thứ hai thế giới sau Llama của Meta Platforms, theo Alibaba Cloud.

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Meta Platforms và Đại học Stanford (Mỹ) đã sử dụng Qwen 2.5 "ở nhiều quy mô khác nhau để làm nền tảng" cho Apollo - mô hình đa phương thức mới có khả năng tạo video, theo bài báo được công bố đầu tháng 12.

Apollo đã thể hiện hiệu suất xuất sắc ở nhiều kích thước mô hình, thường vượt trội các mô hình có kích thước lớn gấp hai đến ba lần, nhóm nghiên cứu cho biết.

"Trung Quốc sẽ bắt đầu dẫn đầu cuộc đua AI do đang đứng đầu cuộc đua AI nguồn mở", Clem Delangue, đồng sáng lập kiêm Gám đốc điều hành Hugging Face, cho biết trong một bài đăng gần đây trên tài khoản LinkedIn.

Hiện tại, các mô hình AI hàng đầu thế giới vẫn chủ yếu là nguồn đóng, gồm Gemini 2.0 mới nhất của Google, GPT-4o và o1 của OpenAI, theo Chatbot Arena - nền tảng đánh giá chuẩn AI do các nhà nghiên cứu của Đại học California (Mỹ) phát triển.

Tuy nhiên, các mô hình mã nguồn mở tiên tiến từ DeepSeek và Qwen đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với top 5 mô hình mã nguồn đóng hàng đầu thế giới về hiệu suất trung bình, theo báo cáo từ bài kiểm tra SuperClue được công bố vào tháng 11.

Theo Liang Wenfeng – Giám đốc điều hành DeepSeek, các công ty Trung Quốc tin rằng việc mở mã nguồn các mô hình có thể giúp họ xây dựng một hệ sinh thái mạnh mẽ hơn.

"Chúng tôi sẽ không chuyển sang mã đóng. Chúng tôi tin rằng việc có một hệ sinh thái công nghệ mạnh mẽ quan trọng hơn", Liang Wenfeng nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin công nghệ 36Kr.

Áp lực từ các hạn chế của Mỹ

Dù Trung Quốc đã đạt được tiến bộ nhanh chóng, các nhà phân tích cảnh báo rằng các hạn chế thương mại từ Mỹ với những chip tiên tiến, chẳng hạn bộ xử lý đồ họa (GPU) cao cấp của Nvidia vốn đã trở thành lựa chọn hàng đầu để đào tạo và chạy các mô hình AI, có thể là gót chân Achilles với tham vọng AI của Trung Quốc.

Theo nhà phân tích Ray Wang, hiện các hãng công nghệ Trung Quốc vẫn có thể đào tạo mô hình dựa trên các GPU Nvidia được tích trữ trước khi lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ có hiệu lực, chẳng hạn A100.

Ngoài các nguồn cung đó, một số thực thể Trung Quốc mua chip từ quốc gia khác hoặc thông qua hoạt động buôn lậu. Đây là các lỗ hổng mà Mỹ đang tìm cách bịt kín bằng cách giới hạn các lô hàng GPU đến các địa điểm cụ thể và triển khai hệ thống cấp phép trên toàn thế giới, theo trang SCMP.

“Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc cuối cùng sẽ cần phần cứng mới vài năm tới và do đó sẽ phải đối mặt với ‘điểm nghẽn phần cứng AI’ vì không thể mua được chip AI tiên tiến hơn những gì đang sở hữu”, Ray Wang cho hay.

Việc thiếu chip AI tiên tiến cuối cùng có thể “làm gia tăng khoảng cách hiệu suất giữa Trung Quốc và Mỹ trong phát triển AI”, ông nhận định.

Bài liên quan
OpenAI giới thiệu mô hình suy luận tiên tiến o3 vào ngày kết thúc chiến dịch Shipmas
OpenAI đã kết thúc chiến dịch 12 ngày Shipmas bằng việc trình làng o3, phiên bản nâng cấp của mô hình suy luận o1. Công ty đã lần đầu giới thiệu o1 vào tháng 9, quảng bá khả năng "lý luận nâng cao" của nó.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc
3 giờ trước Sự kiện
Tổng Bí thư dâng hương, đặt vòng hoa tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc và khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc bứt phá nhanh ở cuộc đua AI, nhưng có thể lại bị Mỹ bỏ xa do thiếu chip tiên tiến