Báo Nikkei Asian Review ngày 3.4 đăng bài viết của ông Richard Heydarian, Giáo sư khoa chính trị Đại học De La Salle (Philippines), khẳng định nỗ lực hợp tác với Bắc Kinh của Tổng thống Rodigro Duterte có nguy cơ Philippines không nhận được một xu đầu tư nào từ phía Trung Quốc.

Trung Quốc chỉ hứa suông với Tổng thống Philippines

04/04/2018, 06:20

Báo Nikkei Asian Review ngày 3.4 đăng bài viết của ông Richard Heydarian, Giáo sư khoa chính trị Đại học De La Salle (Philippines), khẳng định nỗ lực hợp tác với Bắc Kinh của Tổng thống Rodigro Duterte có nguy cơ Philippines không nhận được một xu đầu tư nào từ phía Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tận Cận Bình khi tiếp Tổng thống Duterte thăm Bắc Kinh - Ảnh : Bưu điện Hoa nam buổi sáng

Từ khi Tổng thống Duterte nắm quyền lực ở Philippines hồi tháng 7.2016, nước này xôn xao trước khả năng Trung Quốc đầu tư lớn. Và dấu hiệu của nỗ lực thu hút nguồn tiền của Trung Quốc, Philippines mở cửa lĩnh vực viễn thông để mời gọi các nhà đầu tư Trung Quốc.

Dự báo là China Telecom sẽ thách thức sự thống trị nhiều năm nay của Globe Telecom (một nhánh của Singapore Telecommunications) và của PLDT vốn có sự ủng hộ của Nippon Telegraph & Telephone (NTT, Nhật Bản) và Tập đoàn Salim (Indonesia).

Quan hệ Philippines-Trung Quốc trong “thời kỳ vàng son”

Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi cuối tháng 3, Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano của Philippines ca ngợi quan hệ hai nước đang trong “thời kỳ vàng son”, và ông nói một sẽ đạt được một thỏa thuận đồng phát triển (JDA) để khai thác dầu-khí ở Biển Đông “với một khung pháp lý thích hợp”.

Hai bên tránh đề cập vấn nạn duy nhất và lớn nhất trong quan hệ này: tranh chấp Biển Đông, vùng biển mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền, bất kể Manila phản đối. Ngoại trưởng Vương Nghị nói Trung Quốc và Philippines sẽ “hành động cẩn trọng và kiên trì” để “thúc đẩy hợp tác trong việc khai thác dầu khí xa bờ”.

Giáo sư Heydarian nhấn mạnh: “Vậy là quan hệ song phương từng nguy hiểm xem ra đang trở thành quan hệ ấm nồng với những lời hứa đầu tư của Trung Quốc. Nhưng Philippines có nguy cơ chẳng nhận được một xu nào, khi quyết định hợp tác với Trung Quốc theo các điều kiện của Bắc Kinh”.

Nhà phân tích còn lưu ý rằng Tổng thống Duterte không hề thúc đẩy thực hiện phán quyết hồi tháng 7.2016 của Tòa trọng tài thường trực (ở Hà Lan) vốn tuyên hoàn toàn không có cơ sở pháp lý đối với tuyên bố chủ quyền Biển Đông với chứng cứ là bản đồ 9 đoạn “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc “tự vẽ”. Phán quyết còn kết luận Trung Quốc đã vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển 1982, khi Bắc tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Tuy Tổng thống Duterte nhấn mạnh ông không từ bỏ quyền của Philippines, nhưng ông nói sẽ tránh nguy cơ “chiến tranh” với Trung Quốc, và thay vào đó sẽ chú tâm tạo quan hệ ấm nồng giữa Philippines với Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 2016, ông Duterte nhận được lời hứa sẽ đầu tư 24 tỉ USD và tăng cường quan hệ thương mại. Nhưng không hề có dấu hiệu bảo đảm nào lời “hứa thưởng” của Trung Quốc sẽ được chuyển thành hiện thực, trong khi Mỹ, Nhật Bản và EU-các đối tác kinh tế truyền thống của Manila-vẫn thống trị làn sóng đầu tư vào Philippines.

Giáo sư Heydarian lưu ý khoản đầu tư của Trung Quốc quá nhỏ, khi so sánh trong năm đầu tiên ông Duterte làm Tổng thống: khoản đầu tư của Nhật-Mỹ là 490 và 160 triệu USD, trong khi Bắc Kinh chỉ rót 27 triệu USD.

Cho đến nay, Nhật vẫn là nước ngoài đầu tư lớn nhất về cơ sở hạ tầng, còn Trung Quốc chỉ nhắm vào sòng bạc, du lịch, nhà đất và tài nguyên mỏ, và những dự án lớn do Bắc Kinh tuyên bố “hoành tráng” đều chưa thành hiện thực.

Tạm chưa nói đến một hành động phản quốc đáng bị luận tội

Vậy mà ông Duterte vẫn sốt ruột và không như các đối tác phương Tây, chính phủ Philippines hầu như quên mất sự lo ngại an ninh từ việc Trung Quốc đầu tư vào các mảng nhạy cảm như viễn thông, điện.

Theo Giáo sư Heydarian, vì bám lấy lời hứa không tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, Tổng thống Duterte đã liên tục nêu viễn cảnh cùng với Bắc Kinh chia sẻ nguồn tài nguyên tự nhiên dưới Biển Đông.

Ông Heydarian viết rằng Tổng thống Philippines hy vọng hai nước có thể tập trung vào mối quan hệ đối tác kinh tế mà đôi bên cùng có lợi. Nhưng đường lối của ông Duterte lại tạo ra sự lo lắng và lạc quan nhưng cẩn trọng, đồng thời gây chia rẽ trong giới chính trị Philippines

Cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo, một đồng minh thân cận và là cố vấn chính sách đối ngoại của ông Duterte. Bà cũng thuộc nhóm ủng hộ lập quan hệ ấm nồng với Trung Quốc. Gần đây bà trả lời phỏng vấn, nói “Chính sách hiện nay của Tổng thống rất giống đường lối của tôi, là xem Trung Quốc như một thị trường, một nhà đầu tư và là một mạnh thường quân, chứ không xem Trung Quốc là đối thủ”.

Dưới thời Tổng thống Arroyo (2001-2010), quan hệ Philippines-Trung Quốc bùng nổ, nhưng cũng xảy ra nhiều vụ bê bối tham nhũng, và sự lo ngại việc bà Arroyo ngầm chấp nhận Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông.

Trong khi đó, những nhân vật có ảnh hưởng khác, như Chánh án tạm quyền của Tòa án tối cao, ông Antonio Carpio đã công khai phản đối thỏa thuận chia sẻ nguồn tài nguyên với Trung Quốc. Ông nói thỏa thuận này là vi hiến, và ông còn chưa nói rằng đó là một hành động phản quốc đáng bị luận tội.

Trong khi đó, quân đội Philippines dưới quyền Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đã liên tục báo động Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự trên lãnh hải Philippines ở Biển Đông, cũng như ở vùng biển Benham Rise rộng khoảng 13 triệu hectare ở phía đông Philippines và đã được LHQ xác định là thềm lục địa nước này.

Hồi tháng 5.2017, chính Tổng thống Durterte ký sắc lệnh đổi tên Benham Rise thành Philippines, để củng cố chủ quyền đối với dải đất ngầm này (ảnh).

Lời cảnh báo JDA giúp Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông

Nhưng Ngoại trưởng Cayetano vẫn hy vọng “tranh chấp Biển Đông” sẽ không còn cản trở sự phát triển quan hệ song phương”, và thay vào đó “sẽ chuyển thành nguồn suối hữu nghị-hợp tác giữa hai nước chúng ta”.

Theo Giáo sư Heydarian, những lời lẽ này vẫn chỉ dẫn đến những lời hứa suông rằng Trung Quốc sẽ đầu tư mạnh. Trước tiên vì hai bên không hề có thỏa thuận rõ ràng nào hợp tác hàng hải. Một thỏa thuận JDA vẫn đang phải đối mặt với đấu đá chính trị-và pháp lý, vì có liên quan UNCLOS.

Hiến pháp Philippines cấm chia sẻ với một nước khác có chủ quyền về nguồn tài nguyên quốc gia trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phillippines.

Trong phán quyết tháng 7.2016 bác tuyên bố chủ quyền Biển Đông vô lý của Trung Quốc, Tòa án trọng tài thường trực cũng tuyên Philippines và Trung Quốc không có vùng EEZ chồng lấn, một điều kiện tiên quyết cho bất kỳ JDA nào trong luật quốc tế.

Hơn nữa, bất kỳ JDA nào cũng có nguy cơ hợp thức hóa các chính sách bành trướng của Trung Quốc, gây thiệt hại cho các nước Đông Nam Á khác gồm Việt Nam và Malaysia vốn đều phản đối tuyên bố chủ quyền Biển Đông vô lý của Bắc Kinh.

Và trên hết, một JDA trong bối cảnh đang tranh chấp lãnh thổ sẽ càng khiến Trung Quốc nghi ngờ Philippines, đồng thời gây sự bất mãn nơi người dân Philippines.

Giáo sư Heydarian cho rằng có một cách hợp tác thực tiễn về tranh chấp Biển Đông, chính là chính phủ Philippines thuê một công ty Trung Quốc khai thác-sản xuất nguồn tài nguyên năng lượng trong EEZ của Philippines.

Với cách này, hai bên có thể “lách” vấn đề chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời “lách” các rào chắn hiến pháp và pháp lý đối với một dự án khai thác chung.

Hiện đang có đề xuất Công ty dầu khí quốc gia Philippine National Oil Co. (PNOC) nhận dự án trên với Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) ở vùng đảo Palawan.

Nhưng Giáo sư Heydarian lưu ý: các đề xuất này đều sẽ cho phép Trung Quốc “bịt mồm” Philippines, cả khi Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi hoạt động xây dựng-quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, cụ thể là trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều của Việt Nam.

Vĩnh Thụy (theo Nikkei Asian Review)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
17 phút trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc chỉ hứa suông với Tổng thống Philippines