Bắc Kinh đã từng ủng hộ các tranh chấp của Mỹ với Tokyo và Brussels nhưng bây giờ phải đối mặt với sự cô lập khi các đồng minh G7 bắt đầu điều phối chính sách.

Trung Quốc đối mặt với sự cô lập của các ‘đồng minh’ G7

Anh Đủ | 13/09/2018, 05:52

Bắc Kinh đã từng ủng hộ các tranh chấp của Mỹ với Tokyo và Brussels nhưng bây giờ phải đối mặt với sự cô lập khi các đồng minh G7 bắt đầu điều phối chính sách.

Lại một cuộc hội đàm không mang lại kết quả trong việc ngăn chặn chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã diễn ra tại Washington vào ngày 23/8. Các quan chức nước ngoài đã đến thủ đô Hoa Kỳ để tham dự một sự kiện khác phát sinh vào ngày hôm sau. Đó là cuộc họp bất thường ba bên giữa các quan chức thương mại từ Mỹ, EU và Nhật Bản.

Nhiệm vụ của họ: chống lại các hành vi kinh doanh bị cáo buộc không công bằng bởi “các nước thứ ba” không xác định.

Khi đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và những người đồng nhiệm từ EU và Nhật Bản thông báo sáng kiến ​​của họ bên lề cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới tháng 12 năm ngoái tại Buenos Aires, họ đã không chỉ cụ thể ra một quốc gia nào đã hậu thuẫn cho “các điều kiện cạnh tranh không lành mạnh được tạo ra bởi trợ cấp gây tác động xấu đến thị trường và doanh nghiệp nhà nước, buộc chuyển giao công nghệ và các yêu cầu địa phương hoá khác”.

Tuy nhiên, có rất ít nghi ngờ về danh tính của quốc gia được đề cập. Như ủy viên thương mại EU Cecilia Malmstrom cho biết vào thời điểm đó: “Không có gì bí mật cả, chúng tôi nghĩ rằng đó là Trung Quốc”.

Việc ba bên ngồi lại với nhau cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh. Trung Quốc luôn tự tin rằng họ có thể đối phó với một cuộc chiến thương mại toàn diện với Mỹ, mà bỏ qua những yếu tố cần thiết khác.

Hôm thứ bảy, các quan chức Trung Quốc đã giật mình trước sự đe dọa của Tổng thống Donald Trump về việc đánh thuế tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ – trị giá hơn 500 tỷ đôla năm ngoái – trong vòng vài tháng nữa. Vào ngày chủ nhật, lời đe doạ đó đã được củng cố bởi dòng tweet của tổng thống khuyên Apple mang chuỗi cung ứng tại Trung Quốc về Mỹ.

Cần cẩu sản xuất tại Trung Quốc được kiểm tra trước khi xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, những gì thực sự khiến Trung Quốc lo lắng, là một cuộc tấn công phối hợp giữa chính quyền Trump, EU và Nhật Bản lên mô hình độc nhất của Trung Quốc về “chủ nghĩa tư bản nhà nước” đã góp phần không nhỏ vào thành tựu kinh tế của đất nước trong 40 năm qua.

Trong những tháng gần đây, EU và Nhật Bản đã hợp tác với Hoa Kỳ trong các khiếu nại của WTO về “ép buộc chuyển giao công nghệ” ở Trung Quốc thông qua các hình thức liên doanh bắt buộc với các đối tác địa phương.

“Không có quốc gia nào yêu cầu hoặc gây áp lực chuyển giao công nghệ từ các công ty nước ngoài cho các công ty trong nước thông qua việc bắt buộc thành lập liên doanh, hạn chế vốn nước ngoài, quy trình xem xét hành chính và cấp phép”, ông Lighthizer, bà Malmstrom và ông Hiroshige Seko, bộ trưởng kinh tế, thương mại và công nghiệp của Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố chung vào tháng 5.

Sau một thời gian khi ông Trump thể hiện thái độ sẵn sàng chiến tranh thương mại với bất kỳ quốc gia nào, thì Bắc Kinh lo ngại rằng về bản chất ông đang theo đuổi chiến lược thương mại hiệu quả hơn liên quan đến việc cô lập Trung Quốc.

Eswar Prasad, cựu giám đốc bộ phận Trung Quốc của IMF, hiện đang giảng dạy tại Đại học Cornell cho biết: “Những động thái này làm người Trung Quốc rất lo lắng”.

Trong các cuộc trao đổi riêng, các quan chức Bắc Kinh nói rằng họ không thể tin vào vận may của mình khi Tổng thống Mỹ trong năm nay đồng thời khởi xướng các hành động thương mại chống lại Trung Quốc, EU, Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cách tiếp cận ban đầu của ông Trump đã giảm nhiệt Bắc Kinh, vốn nhận được sự ủng hộ từ Brussels và Tokyo trong một vụ kiện của WTO về các mức thuế quan của Mỹ đối với thép và nhôm nhập khẩu.

Nhưng kể từ khi bức ảnh nổi tiếng của ông Trump đứng chống lại các đồng minh G7 tại hội nghị thượng đỉnh tháng 6 tại Ottawa, đã có dấu hiệu cho thấy ba trong số bốn cường quốc thương mại lớn nhất thế giới thực sự có thể kết hợp để gây áp lực cho Trung Quốc.

Ngoài các cuộc hội đàm của ông Lighthizer với Brussels và Tokyo, chính quyền Trump đang làm việc để củng cố các thoả thuận thương mại gần đây của mình với EU và Mexico, và đồng ý về hiệp ước Nafta cải cách với Canada.

Wei Jianjun, chủ tịch của Great Wall Motor Co, cũng đang đánh giá lại kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Nhiều người hoài nghi rằng tổng thống Mỹ sẽ thành công trong việc cô lập Trung Quốc. “Để điều đó xảy ra, ông Trump sẽ phải hành xử theo một cách rất khác”, một chủ ngân hàng cao cấp của châu Âu nói. “Những người châu Âu không tin tưởng ông ấy – và họ cũng không nên tin ông ấy.”

Ông này nói thêm, mối đe dọa gần đây của ông Trump về việc rời khỏi WTO là một ví dụ về loại hành vi thất thường có thể phá vỡ bất kỳ hình thức liên minh nào với EU và Nhật Bản, vốn ủng hộ các kênh làm việc thông qua cơ quan thương mại đa phương.

Những cuộc hội đàm thương mại vào mùa hè vừa qua của ông Trump với EU, Trung Quốc, Mexico và Canada vẫn đang tiếp tục gây thêm áp lực cho Chủ tịch Tập Cận Bình, người mà một năm trước đây đã khẳng định vị thế nhà lãnh đạo quyền lực nhất đất nước của mình.

“Vào năm 2017, tình hình ở Bắc Kinh là “mọi thứ đang diễn ra tuyệt vời “, một người đã từng gặp Lưu Hạc [Liu He], ngôi sao về kinh tế của ông Tập, và các quan chức hàng đầu Trung Quốc khác trong những tuần gần đây cho biết.

“Mùa xuân này họ nghĩ rằng các mối đe dọa thuế quan của ông Trump chỉ là một sự việc nhỏ. Giờ đây họ biết nó không phải vậy và thậm chí nếu ông Trump có chết vào ngày mai, thì vấn đề này sẽ không biến mất. Họ cũng nhận ra họ có nhiều vấn đề thương mại với châu Âu.”

Khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tới Bắc Kinh để dự hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7, ông thẳng thừng nói với thủ tướng Lý Khắc Cường rằng ông chia sẻ nhiều quan ngại của ông Trump và ông Lighthizer về chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc.

“Thông điệp của ông gửi cho ông Lý là chúng ta không nhất thiết phải thích phương pháp của ông Trump, nhưng cũng không giống như tưởng tượng của ông ấy”, một thành viên tham dự hội nghị thượng đỉnh nói trên cho biết.

Về phần mình, Tokyo đã rất ngạc nhiên bởi một sự khởi đầu lại ở Bắc Kinh trong năm qua. Theo một quan chức Nhật Bản, một loạt thắng lợi của Trung Quốc gần đây tất cả đều là “nhờ Trump”. Các quan chức cho biết thêm: “Chính sách thương mại của ông Trump đã ảnh hưởng đến quan điểm ngoại giao của Trung Quốc.”

Nhưng trong khi thủ tướng Shinzo Abe sẵn lòng nắm bắt mọi cơ hội để giảm bớt căng thẳng với Bắc Kinh, ông cũng đồng thời quan tâm nhiều hơn đến việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với đồng minh quân sự Mỹ.

“Trung Quốc muốn chúng tôi ủng hộ những lời chỉ trích của họ đối với các chính sách thương mại của ông Trump, điều mà tất nhiên chúng tôi rất quan tâm”, vị quan chức này cho biết thêm. “Nhưng chúng tôi về cơ bản cũng ủng hộ quan điểm của ông Trump về tiếp cận thị trường và các vấn đề [thương mại và đầu tư] khác ở Trung Quốc.”

Các sản phẩm trái cây được chế biến để xuất khẩu từ tỉnh An Huy. Ảnh: AP

Liệu lãnh đạo Trung Quốc cuối cùng cũng phải đối mặt với Mỹ, hay với liên minh Mỹ, EU và Nhật Bản hay không là quan trọng đối với Bắc Kinh, đặc biệt khi đất nước này tiếp tục chiến dịch chống lại các thực tiễn tài chính rủi ro đã làm chậm đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, người Trung Quốc cũng đã bắt đầu kết luận rằng mối đe dọa thương mại của ông Trump còn nhiều hơn cả những lời khoe khoang trống rỗng.

Ông Tập và ông Lý đã bị ru ngủ. Sau hơn một năm tưởng đã dẹp yên những rủi ro, hai nhà lãnh đạo này cuối cùng đã thức tỉnh vào tháng 5 trước thực tế là các mối đe dọa lặp đi lặp lại của ông Trump nhằm trừng phạt Trung Quốc trộm cắp tài sản trí tuệ và các hành vi thương mại không công bằng khác không phải là một vở kịch. Tháng đó, Tổng thống Mỹ đã phản ứng với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, người đã nói rằng một cuộc chiến thương mại giữa hai nước đang bị “treo”, bằng cách tuyên bố quyết định áp mức thuế trừng phạt trị giá 34 tỷ USD hàng công nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc vào đầu tháng 7.

Ông Trump hiện đang sẵn sàng cho phép lệnh trừng phạt thuế quan lần thứ ba sẽ đưa tổng giá trị hàng hóa bị ảnh hưởng của Trung Quốc lên 250 tỷ đôla – chiếm khoảng một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Bắc Kinh tới Hoa Kỳ.

“Người Trung Quốc nên lo lắng về ông Trump,” Steve Bannon, cựu cố vấn chính trị của ông Trump nói. “Họ chưa bao giờ phải đương đầu với bất cứ thứ gì như thế này.”

Ngày càng có nhiều quan chức và nhà phân tích ở Bắc Kinh đồng ý với ông Bannon khi chứng kiến cuộc chiến thương mại leo thang giống như lợi thế vượt trội của Mỹ trong việc “kìm hãm” Trung Quốc.

“Rủi ro về việc Trung Quốc và Mỹ rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới đang gia tăng”, ông Tu Xinquan, một giáo sư tại Đại học Kinh tế và Thương mại Quốc tế của Bắc Kinh nói. “Đó sẽ là một cơn ác mộng đối với Trung Quốc, Mỹ và thế giới.”

Ông Wang Chong của Viện Nghiên cứu Charhar tại Bắc Kinh, nói rằng vấn đề hiện tại của Trung Quốc với Mỹ không chỉ liên quan đến ông Trump: “Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đạt được sự đồng thuận rằng họ nên cố gắng kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. ”

Cựu cố vấn chính sách Nhà Trắng Steve Bannon: “Ông Trump rất linh hoạt trong mọi chuyện, nhưng chuyện mà ông ấy sẵn sàng đi đến cùng chính là Trung Quốc”. Ảnh: Reuters

Trong một loạt các bài báo của các ấn phẩm của nhà nước, các quan chức Trung Quốc gần đây đã cảnh báo rằng đất nước phải đối mặt với một kỷ nguyên mới của “sự ngăn chặn mang tính chiến lược” do Hoa Kỳ dàn dựng.

“Trong bối cảnh Mỹ xác định Trung Quốc là “đối thủ chiến lược”, quan hệ Trung-Mỹ sẽ trải qua một sự điều chỉnh sâu sắc,” Long Guoqiang, phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước đã viết trong một bài báo ngày 29/8 đăng tại nhật báoNhân Dân.

“Trong quá khứ, Liên Xô và Nhật Bản đã từng bị cản trở bởi Hoa Kỳ. Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc và sức mạnh quốc gia toàn diện, Mỹ đã hoàn toàn hướng sự chú ý sang Trung Quốc. ”

Shi Yinhong, chuyên gia ngoại giao tại Đại học Renmin, Bắc Kinh cho biết: “Ngày càng có thể thấy rõ rằng chính quyền Trump quyết tâm kìm hãm Trung Quốc. Tôi nghĩ vòng áp thuế tiếp theo là không thể tránh khỏi. Chiến tranh thương mại sẽ kéo dài trong một thời gian dài. ”

Lưu Hạc, phó thủ tướng kinh tế của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Một vài ngày sau khi bài viết của ông Long được đăng tải, đã xuất hiện một bài bình luận ẩn danh đăng trênQiu Shi, một tạp chí của đảng Cộng sản có tựa đề làTìm kiếm Chân lý, cũng cáo buộc Hoa Kỳ đang tìm cách “kiềm chế sự phát triển của các nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc”.

Ngay cả những người chỉ trích các chính sách thương mại và kinh tế của Trung Quốc đều đồng ý rằng những diễn giải chính thức như vậy về mục tiêu cuối cùng của ông Trump có lẽ là chính xác.

Họ nói rằng thỏa thuận thương mại duy nhất ông chấp nhận từ Trung Quốc là điều mà ông Tập không thể chấp nhận, bởi vì nó sẽ bao gồm các nhượng bộ về cách Trung Quốc đang quản lý mọi thứ từ chính sách công nghiệp cho đến các doanh nghiệp nhà nước và đồng nhân dân tệ.

Những người khác cho rằng, thật ra ông Trump chỉ muốn thông qua việc trừng phạt thực hiện thuế quan dài hạn đối với tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ để nhằm nỗ lực cải thiện các chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Các quan chức trong chính quyền hiểu rằng ông Trump rất linh hoạt trong mọi chuyện, nhưng chuyện mà ông ấy sẵn sàng đi đến cùng chính là Trung Quốc,” ông Bannon nói. “Trọng tâm của ông Trump là dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.”

Đã xuất hiện tín hiệu cho thấy chiến lược này đang hoạt động hiệu quả, vào ngày 31/8, Ford thông báo rằng họ đã hủy bỏ kế hoạch xuất khẩu các xe Focus được sản xuất tại Trung Quốc sang Mỹ từ năm sau. Những chiếc xe này sẽ phải chịu mức thuế 25% đối với mặt hàng xe hơi xuất khẩu của Trung Quốc do chính quyền ông Trump ban hành vào tháng 8. Great Wall, nhà sản xuất SUV nội địa thành công nhất của Trung Quốc, cũng đang đánh giá lại các kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ của mình.

“Hệ thống an ninh quốc gia Mỹ đã xác định đúng Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược”, một nguồn tin thân cận với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho biết. “Chiến lược của họ là kìm hãm Trung Quốc thông qua thương mại.”

Ngày càng nhiều các quan chức cho rằng, ít nhất là trong ngắn hạn, một cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ là điều không mong muốn nhưng cũng không thể tránh khỏi.

Trong thời gian này, họ tin rằng tất cả những gì họ có thể làm là cố gắng hạn chế thiệt hại không thể tránh khỏi. Giáo sư Tu nói: “Chúng tôi đã hy vọng rằng cuộc chiến thương mại leo thang sẽ buộc các công ty Mỹ phản đối ông Trump nhưng điều đó đã không xảy ra. Vì vậy, chúng tôi cần xem xét lại các biện pháp trả đũa của chúng tôi, các biện pháp này không nên quá hung hăng. Nếu ông Trump muốn trở thành một người điên, thì cứ kệ ông ấy đi.”

Ngân Giang(theo FT)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc đối mặt với sự cô lập của các ‘đồng minh’ G7