Báo Singapore dẫn giới truyền thông Trung Quốc nêu Trung Quốc đã đóng tàu "quái vật" để tuần tra biển Đông, tăng cường sự hiện diện ở vùng biển này.
Tờ The Straits Times cho biết tàu tuần duyên (CCG) “siêu khủng” thứ hai này sẽ được triển khai ở biển Đông, cùng chiếc CCG 2901 có độ choán nước 10.000 tấn - đã đóng xong năm ngoái - là những tàu tuần duyên lớn nhất thế giới.
Chiếc CCG 2901 đang tuần tra ở biển Hoa Đông, nơi TQ tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản.
Trang tin điện tử Guancha (ở Bắc Kinh) nói “quái vật” CCG 3901 có độ choán nước 12.000 tấn và tốc độ tối đa 12 hải lý. Nó được lắp 1 ổ súng chính 76 ly, hai súng dự phòng và hai ụ súng khòng không, có một bãi đáp trực thăng. Mẫu mã chiếc này y hệt chiếc CCG 2901.
Chuyên gia quân sự Song Zhongping nói: Trung Quốc đóng tàu "quái vật" để tuần tra biển Đông, lớn hơn biển Hoa Đông. Tàu lớn hơn có thể hoạt động trên biển lâu hơn, có nhiều thủy thủ và chở nhiều hàng tiếp liệu hơn. Nó cũng hiệu quả nếu xảy ra đánh nhau với tàu khác. Các chiếc CCG khác thường chỉ có độ choán nước 4.000 tấn.
Tờ báo cũng nêu rằng Trung Quốc đóng tàu lớn để tăng cường sự hiện diện ở biển Đông, vài ngày sau khi Xu Guangyu cựu thượng tướng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tuyên bố hôm 8.1 với báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng rằng: PLA sẽ sớm tiến hành thêm nhiều chuyến bay thử nghiệm từ một sân bay gây tranh cãi mà Trung Quốc (TQ) xây trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đó là đường băng 3.000m trên Bãi Đá Chữ Thập ở Trường Sa.
Xu nói máy bay quân sự TQ có thể hạ cánh thử nghiệm ở bãi này từ tháng 6.2016 tới. Tuần qua, TQ đã cho 3 máy bay dân sự bay thử nghiệm ở Bãi Đá Chữ Thập ở Trường Sa.
Theo The Straits Times, PLA hồi tháng 12.2015 cũng đưa thêm một tàu khu trục mang tên lửa hiện đại vào Hạm đội Nam Hải đang hoạt động ở biển Đông. Đó là chiếc khu trục thứ ba được triển khai ở vùng biển này trong hai năm qua.
Thông tin này công bố vào lúc Nhật Bản quyết định rút tàu tuần tra biển P-3C, từ hoạt động chống hải tặc ở bờ biển Somalie về nước, sẽ có thể hạ cánh ở Philippines và Việt Nam, theo báo Yomiuri Shimbun.
Giới truyền thông TQ nêu việc đóng xong chiếc CCG “quái vật” thứ hai và triển khai nó sẽ là “một cộc mốc trong cuộc tăng cường sức mạnh hàng hải quốc gia”.
Những tàu “quái vật” này thuộc kế hoạch đóng tàu rầm rộ của TQ. Các chuyên gia nói TQ đang nhanh chóng phát triển đội tàu CCG, trong kế hoạch nâng cao khả năng hải quân, nhất là vào lúc TQ quyết độc chiếm 90 % Biển Đông, khiến có sự tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Các chuyên gia nói kế hoạch tăng số tàu CCG sẽ được tiếp tục song “một chiếc 10.000 tấn thì chưa đủ ở biển Đông. Chúng ta có thể chờ TQ sẽ đóng thêm nhiều chiếc khác”.
Bảo Vĩnh (theo The Straits Times)