Nga đang có cơ hội xuất khẩu đầu tiên đối với “xe tăng bay” Sukhoi Su-34 ( tên ký hiệu của NATO là Fullback-Hậu vệ và phiên bản xuất khẩu được gọi là Su-32) cho Algeria.
Can thiệp quân sự của Nga tại Syria không chỉ nhằm mục đích cảnh cáo phương Tây về sức mạnh quân sự của Moscow, mà còn cho thấy những bước tiến trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự của quốc gia này sau khi Liên Xô sụp đổ. Từ đó tạo ra những cơ hội quảng bá và xuất khẩu vũ khí đến các nước đối tác, trong đó Algeria có khả năng trở thành khách hàng đầu tiên sở hữu máy bay chiến đấu Sukhoi Su-34.
Ấn tượng với khả năng của máy bay chiến đấu-ném bom và tấn công Su-34 trong các cuộc không kích ở Syria, Algeria đã yêu cầu Moscow cung cấp phiên bản xuất khẩu là máy bay ném bom hiện đại Su-32. Quốc gia Bắc Phi này hiện cũng sở hữu một số máy bay tiêm kích đa năng Su-30MKA có những tính năng tương tự, tuy nhiên phiên bản của Fullback tích hợp thêm khả năng tấn công chuyên dụng.
Ông Sergey Smirnov, Tổng giám đốc của Hiệp hội Sản xuất máy bay Novosibirsk (NAPO) tiết lộ cho tờ báo Vedomosti rằng: “Chúng tôi đã nối lại các cuộc đàm phán về kế hoạch xuất khẩu máy bay ném bom tối tân Su-32 với Algeria. Các bên đã có những cuộc hội đàm trong 8 năm qua, nhưng phía Algeria không cho thấy bất cứ bước tiến nào. Tuy nhiên, gần đây Tổng công ty Rosoboronexport nhận được một đề nghị chính thức từ Algiers cho thỏa thuận mua bán các máy bay”.
Hoạt động sản xuất Su-34 trong nước của Nga tiếp tục được duy trì ở tốc độ ổn định với khoảng 18 máy bay mỗi năm cho đến năm 2020. Theo ông Smirnov, Su-34 vẫn chưa hoàn toàn hoàn thiện và sẽ tiếp tục cải thiện dựa trên quá trình chiến đấu để mở rộng khả năng. Những thay đổi có thể bao gồm việc tích hợp hệ thống tác chiến điện tử (EW) bổ sung, khả năng tình báo, giám sát, trinh sát (ISR), cùng nhiều tính năng khác.
Su-34 sẽ thay thế các phi đội bay Su-24 Fencer lạc hậu của Nga từ thời Chiến tranh lạnh. Không giống như Fencer, Su-34 tích hợp đầy đủ các ưu điểm của Flanker và có khả năng tự vệ hoàn hảo với tên lửa không đối không R-73 hay R-77.
Ngoài khả năng tác chiến tầm gần với tên lửa R-73, Su-34 còn sử dụng các radar dẫn đường cho tên lửa không đối không tầm trung R-77. Thiết kế này khá giống với máy bay tiêm kích F-15E Strike Eagle của Mỹ, với khả năng “tự hộ tống” trong quá trình tiến hành nhiệm vụ. Hơn nữa, Su-34 còn có một radar theo dõi, giám sát và dẫn đường ở phía sau, nhằm cảnh báo và bắn hạ các máy bay đối phương tiếp cận từ nhiều phía.
Su-34 có phạm vi chiến đấu khoảng 1.120km với nhiên liệu mang theo và có thể bay liền một mạch 4.000km mà không cần tiếp nhiên liệu. Do các máy bay tiêm kích phải liên tục ở trên không trung trong nhiều giờ liền, “xe tăng bay” Su-34 được thiết kế tạo sự thoải mái cho các phi công. Cabin khá cao cho phép các phi công có thể đứng và thậm chí di chuyển ở một mức độ nhất định.
Hàn Giang (Theo The National Interest)