Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đang tích cực nâng cao năng lực công nghệ của sứ mệnh Hằng Nga 8 thông qua nỗ lực hợp tác sâu rộng.
Để đạt được mục tiêu này, CNSA đang tìm kiếm quan hệ đối tác với nhiều viện nghiên cứu và công ty khác nhau để phát triển các công cụ tiên tiến. Sứ mệnh thăm dò Mặt trăng Hằng Nga 8 có mốc thời gian khởi động là năm 2028, bao gồm tàu đổ bộ, tàu thám hiểm và robot đa nhiệm.
Sứ mệnh dự kiến sẽ trang bị 14 công cụ khoa học để tiến hành quan sát sâu rộng và thu thập dữ liệu quan trọng về bề mặt Mặt trăng, giúp ích cho việc khám phá vệ tinh tự nhiên này trong tương lai.
“Cơ hội hợp tác đang mở ra cho cộng đồng quốc tế. Các đối tác được hoan nghênh thực hiện các dự án hợp tác cấp nhiệm vụ, cấp hệ thống và cấp tải trọng trong sứ mệnh Hằng Nga 8”, theo thông báo của CNSA đăng tải trên trang web chính thức.
Robot thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau
Theo South China Morning Post, CNSA hiện đang chấp nhận các đề xuất phát triển 9 thiết bị cho sứ mệnh Hằng Nga 8. Cơ quan này cũng chấp nhận để thiết kế các ứng dụng và phát triển một robot nặng 100kg với “khả năng mang, đặt các vật phẩm, xẻng và chuyển đất Mặt trăng”.
Hoạt động bằng pin, robot này sẽ có nhiệm vụ di chuyển dụng cụ và các bộ phận khác nhau từ tàu vũ trụ đến bề mặt Mặt trăng. Ngoài ra, nó sẽ có khả năng lắp ráp các vật thể một cách tỉ mỉ trên bề mặt Mặt trăng và điều hướng ở tốc độ tối thiểu 400 mét/giờ.
Robot dự kiến sẽ thu thập đá Mặt trăng và lưu trữ chúng trên một thiết bị công nghệ cao của tàu thám hiểm. Điều này sẽ cho phép phân tích thành phần hóa học cũng như tuổi của đá, cung cấp cái nhìn sâu rộng về quá trình tiến hóa địa chất của Mặt trăng. Robot cũng sẽ được giao nhiệm vụ đánh giá công nghệ bổ sung cho khả năng cư trú lâu dài của con người trong tương lai.
Theo CNSA, việc thử nghiệm công nghệ robot là rất quan trọng cho quá trình thành lập Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế trên cực Nam của Mặt trăng. Trung Quốc đang dẫn đầu việc xây dựng trạm gốc này và sẽ được một số đối tác nước ngoài hỗ trợ, trong đó có Nga.
Làm gạch từ đất Mặt trăng
CNSA đã lên kế hoạch sử dụng nhiều công cụ khác nhau để thu thập dữ liệu địa chất Mặt trăng và nghiên cứu từ quyển Trái đất từ bề mặt Mặt trăng. Việc này cũng nhằm mục đích triển khai, thử nghiệm các công nghệ thăm dò và khai thác tài nguyên Mặt trăng.
Theo South China Morning Post, một trong những ứng dụng đã phát triển là sử dụng năng lượng của Mặt trời để làm tan chảy đất Mặt trăng và chuyển nó thành “các bộ phận chức năng”. Công nghệ này có thể sẽ được sử dụng để làm gạch từ đất Mặt trăng và xây dựng các công trình bảo vệ các nhà thám hiểm khỏi bức xạ mạnh khi ở bên ngoài môi trường sống trên vệ tinh này.
Robot sẽ được sử dụng để lắp ráp những viên gạch thành những cấu trúc lớn hơn. Một công cụ khác sẽ thu thập thông tin về nhiệt độ đất trong suốt quy trình và đánh giá các đặc tính khác nhau của các bộ phận được sản xuất. Các thiết bị khác cũng được lên kế hoạch triển khai bao gồm máy đo địa chấn và nhiều cảm biến để phát hiện động đất trên Mặt trăng.
Theo CNSA, các đối tác tiềm năng phải gửi đề xuất của họ trước ngày 10.3, cung cấp thông tin chi tiết về tính khả thi về mặt kỹ thuật, ngân sách và mốc thời gian ước tính để phát triển công cụ.
Sứ mệnh Hằng Nga 8 đại diện cho những nỗ lực khám phá Mặt trăng đầy tham vọng của Trung Quốc và việc thiết lập cơ sở hạ tầng nghiên cứu Mặt trăng bền vững, thúc đẩy hợp tác quốc tế vì sự tiến bộ của khoa học và công nghệ.