Nga -Trung Quốc đã có cuộc tập trận hải quân chung trên biển Baltic, một tín hiệu cho thấy Trung Quốc nhảy vào điểm nóng đối đầu giữa nga với NATO.
Đại sứ Nga tại Trung QuốcAndrei Denisov xác nhận: cuộc tập trận hải quân chung là dấu hiệu quan trọng nhất của quan hệ quân sự giữa hai nước, độc đáo vì diễn ra ở vùng biển Baltic ngày càng dày đặc sự hiện diện quân sự.
Tuy nhiên, ông Denisov nói Nga-Trung không hề “dọa nạt” các thế lực đối đầu, dù vùng biển Baltic là điểm nóng tranh chấp giữa Nga với khối liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu.
Cả hai thế lực đều đổ nhiều nguồn lực quân sự nhằm củng cố biên giới tại khu vực này. Hai bên cũng cáo buộc lẫn nhau gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Âu, nhưng ngày 30.6, Đại sứ Nga bác bỏ mối quan ngại của phương tây.
Theo hãng thông tấn TASS, ông nói với các nhà báo: “Đây là một điểm mới, nhưng tôi chưa nghe bất kỳ ai bày tỏ sự lo ngại về cái gọi là “mối đe dọa”. Các nước vùng biển Baltic cứ luyện mãi câu thần chú của họ, nhưng cùng lúc, họ thừa nhận sự thật là NATO triển khai đông quân trên lãnh thổ của họ. Đó là những người đang dọa nạt nhưng lại bảo là họ sợ sệt”.
Cuộc tập trận hải quân chung biển 2017 bắt đầu từ ngày 25.6 khi Trung Quốc triển khai một đội tàu gồm khu trục hạm Trường Sa mang tên lửa hành trình,hộ tống hạm đa năng Yungcheng, 1 tàu tiếp liệu, trực thăng và một số lính thủy đánh bộ đến St. Petersburg và Kaliningrad thuộc Nga và và nằm giữa Litva với Ba Lan.
Vài ngày sau, một máy bay do thám Mỹ và một chiến đấu cơ Nga bay sát nhau rất nguy hiểm trên vùng biển Baltic. Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau.
Nữ quân nhân Trung Quốc chào chia tay hạm đội Nga sau cuộc tập trận hải quân chung
Ngoại trưởng Litva, ông Linas Linkevicius nói sự hợp tác Trung-Nga có thể đe dọa sự ổn định của khu vực.
Đáp lại, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố nói cuộc tập trận Nga-Trung nhằm “tăng cường quan hệ Nga-Trung liên quan hợp tác chiến lược tổng thể”, theo TASS.
Giữa tháng 7 sẽ còn những cuộc tập trận khác. Đại sứ Nga Denisov cũng cho biết Nga-Trung đã ký thỏa thuận một lộ trình hợp tác quân sự, trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga từ ngày 3.7, theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin.
Trong chuyến thăm Nga hai ngày, ông Putin và ông Tập Cận Vình sẽ “xem xét toàn bộ quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược Nga-Trung, cùng các vấn đềkhu vực”, theo trang web của Điện Kremlin. Hai vị lãnh đạo cũng sẽ ký nhiều thỏa thuận song phương.
Các nhà quan sát thường xếp Nga và Trung Quốc là các cường quốc quân sự mạnh thứ nhì và thứ ba thế giới, sau Mỹ.
Nga-Trung thường kết hợp với nhau để chống lại các đề xuất của phương tây ở LHQ.
Nga cũng vừa quyết định tham dự vào sự bất đồng chính trị giữa Mỹ-Trung về việc Triều Tiên vũ trang hạt nhân ở châu Á-Thái Bình Dương.
Vĩnh Thụy (theo Newsweek)