Bất chấp Mỹ dọa trừng phạt, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục nhập dầu thô của Iran để giữ uy tín, theo nhận định của các nhà phân tích của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group.
Phần lớn các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Iran đã được dỡ bỏ đầu năm 2016, sau khi Mỹ (thời Tổng thống Barack Obama) cùng Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc đạt được Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) với Iran, nước cam kết cắt giảm chương trình vũ khí hạt nhân (VKHN) đổi lại được nới lỏng lệnh cấm vận.
Nhưng Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, khi cho rằng JCPOA (đạt được năm 2015) chỉ có lợi cho Iran, không cản được Iran tiếp tục theo đuổi VKHN.
Mỹ cũng tái lập lệnh trừng phạt Iran, chủ yếu cấm nước này tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu, phong tỏa hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran. Nhưng Mỹ tạm miễn trừ trừng phạt đối với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan) để 8 nhà nhập khẩu dầu thô Iran lớn nhất này tiếp tục nhập một số lượng hạn chế trong thời gian tối đa 180 ngày (6 tháng).
Tuy nhiên, Mỹ thông báo kể từ ngày 2.5, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không cấp quyền miễn trừ trừng phạt cho bất cứ quốc gia nào đang nhập dầu của Iran. Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi cũng như giám sát thực thi trừng phạt. Bất cứ quốc gia hoặc thực thể nào đang làm ăn với Iran nên xem xét lại một cách thận trọng”.
Chấm dứt miễn trừ trừng phạt là biện pháp gây áp lực mới nhất mà chính quyền Washington thực hiện nhằm buộc Iran cắt giảm chương trình hạt nhân, thử tên lửa đạn đạo cũng như ngừng hỗ trợ cho xung đột tại Yemen và Syria. Mỹ cũng vừa liệt Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài.
Theo dữ liệu hải quan mà nguồn tin cung cấp cho Reuters, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của dầu thô Iran, năm ngoái nhập tổng cộng khoảng 29,3 triệu tấn hoặc khoảng 585.400 thùng dầu. Các số liệu này chiếm 6% trong tổng số dầu thô nhập về Trung Quốc.
Sự bất đồng về việc nhập khẩu dầu thô Iran nhồi thêm vào quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung. Hai nền kinh tế lớn nhất - nhì thế giới đang có cuộc chiến thương mại kéo dài 9 tháng nay, gây tốn kém hàng tỉ USD, làm rúng động thị trường tài chính thế giới và gây đình trệ cho nguồn cung ứng hàng hóa, gây bất an cho người tiêu dùng.
“Sẽ có những đợt xuất khẩu dầu thô dưới tầm radar giám sát trừng phạt”
Trong một báo cáo hôm 22.4, các nhà phân tích mảng năng lượng của Eurasia Group viết: Trung Quốc và Ấn có thể không ngưng hẳn việc nhập dầu thô Iran, bất chấp việc Mỹ dọa trừng phạt: “Dầu thô Iran xuất khẩu sẽ không hạ xuống bằng không. Trung Quốc, nơi đã nhập mỗi ngày khoảng 500.000 thùng dầu, sẽ cắt giảm đáng kể trong tương lai gần. Đối với Bắc Kinh, việc đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ là mục tiêu trọng tâm, và Trung Quốc sẽ không kết nối chuyện dầu thô Iran vào các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung”, vốn sẽ được nối lại từ ngày 30.4 ở Bắc Kinh và ngày 8.5 ở Washington.
Ngày 23.4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói đã chính thức phàn nàn với Mỹ về quyết định chấm dứt miễn trừ trừng phạt. Bắc Kinh tuyên bố kiên quyết phản đối quyết định của Mỹ, và nói thêm rằng hợp tác năng lượng với Iran là hợp pháp, hợp lý, đồng thời cam kết đảm bảo quyền lợi hợp pháp của những doanh nghiệp làm ăn với Iran.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua dầu thô Iran, có lẽ ở mức cao hàng trăm ngàn thùng/ngày, để giữ uy tín. Ông Bjarne Schieldrop, nhà phân tích trưởng về lĩnh vực hàng hóa của công ty dịch vụ tài chính SEB, nêu: “Chúng tôi cho rằng Trung Quốc không thể và sẽ không hạ mình xuống lúc này, và chúng ta có thể dễ dàng chứng kiến việc Trung Quốc tăng nhập dầu thô Iran, có lẽ lên 1 triệu thùng. Cũng sẽ có sự tăng xuất khẩu dầu khỏi Iran theo hướng “nằm dưới tầm radar giám sát trừngphạt”. Điều này sẽ khiến Iran thân cận với Trung Quốc hơn, và cho phép Trung Quốc mua thêm dầu Iran bằng đồng Nhân dân tệ”.
Quan hệ Ấn - Iran sẽ được duy trì ở “tầm lịch sử”
Ấn Độ cũng sẽ làm theo Trung Quốc, theo các nhà phân tích của Eurasia Group. Ấn là nước mua dầu thô Iran nhiều hàng thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.
Các nhà phân tích viết: “New Delhi sẽ cắt giảm nhập khẩu, nhưng có thể duy trì nhập 100.000 thùng dầu Iran và sử dụng hệ thống chi trả bằng đồng rupee. Đây là một quyết định chính trị hơn là vì an ninh năng lượng. Vài tháng qua, Ấn đã tích cực đa dạng hóa nguồn năng lượng, để chuẩn bị đối phó tình hình này. Nhưng quan hệ của Ấn - Iran cũng đáng kể và có tính lịch sử, và New Delhi sẽ tích cực duy trì vài sự kết nối”.
Ngày 23.4, Bộ trưởng Dầu - Khí Ấn Độ, ông Dharmendra Pradhan nói Ấn sẽ có thêm nguồn cung dầu thô từ các nước sản xuất dầu khác, nhằm bù vào sự mất nguồn hàng nhập từ Iran, các nhà máy lọc dầu Ấn đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng xăng - dầu trong nước.
Ngày 22.4, Tổng thống Mỹ nói Ả Rập Saudi cùng các nước vùng Trung Đông đã đảm bảo họ đủ sức bù đắp nguồn cung để giữ thị trường ổn định. Ngoại trưởng Pompeo còn nhấn mạnh Mỹ cũng có thể là nguồn cung thay thế khả dĩ.
Đáp lại, Ả rập Saudi nói sẽ làm việc với các nhà sản xuất dầu khác, nhằm đáp ứng nguồn cung và cân bằng thị trường.
Mỹ Trinh (theo CNBC)