Ngày 7.11, Tân Hoa Xã cho biết Trung Quốc đã thông qua luật an ninh mạng, một luật gây tranh cãi từ khi còn là dự luật.
Tân Hoa xã chỉ thông tin về việc luật an ninh mạng được thông qua và không bình luận chi tiết về sự việc này.
Dự đoán, việc thông qua luật an ninh mạng mới của Trung Quốc có thể gây nên nhiều chỉ trích từ các nước trên thế giới, cộng đồng doanh nghiệp và các nhóm nhân quyền.
Theo chính quyền Trung Quốc, việc thông qua đạo luật An ninh mạng là để chống lại những đe dọa của tin tặc, khủng bố. Quốc hội Trung Quốc đã thông qua đạo luật này và nó sẽ có hiệu lực từ tháng 6.2017, như là "một nhu cầu khách quan" do Trung Quốc có một mạng lưới Internet quá rộng lớn, một thành viên Quốc hội Trung Quốc cho biết.
Các nhà bình luận chính trị nước ngoài nói rằng luật an ninh mạng mới của Trung Quốc sẽ khiến các công ty công nghệ nước ngoài không được tiếp cận các lĩnh vực "quan trọng" và yêu cầu các công ty công nghệ phải lưu trữ tất cả dữ liệu trên máy chủ đặt tại Trung Quốc.
Nhiều nhà quan sát cũng lo ngại rằng đạo luật an ninh mạng mới sẽ giúp Trung Quốc tăng cường hạn chế mạng Internet, với cơ chế kiểm duyệt gắt gaođược biết đến với tên gọi Great Firewall (Vạn lý tường lửa).
Yang Heqing, một thành viên Quốc hội Trung Quốc nói với Reuters rằng Internet có quan hệ mật thiết với an ninh và sự phồn vinh của Trung Quốc.
"Trung Quốc có một mạng Internet rất lớn và là một trong những quốc gia phải đối mặt với nguy cơ an ninh đến từ Internet lớn nhất . Việc nhanh chóng thiết lập và xây dựng khung pháp lý nhằm kiểm soát an ninh mạng là hoàn hảo", ông Yang nói.
Trước đó, hồi tháng 8 đã có 40 nhóm doanh nghiệp trên toàn cầu cùng gửi kiến nghị lên Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nhằm xin Bắc Kinh xem xét lại những điều khoản gây tranh cãi trong dự luật an ninh mạng. Khi đó giới chức Trung Quốc trấn an dư luận rằng họ sẽ không can thiệp vào lợi ích kinh doanh của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong dự thảo cuối cùng trình lên Quốc hội Trung Quốc thông qua thì đạo luật này vẫn còn một điểm gây tranh cãi lớn. Cụ thể, trong dự thảo luật có đoạn yêu cầu các doanh nghiệp phải "khai thác các cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng" để lưu trữ thông tin cá nhân và dữ liệu kinh doanh quan trọng ở Trung Quốc. Ngoài ra khi có yêu cầu của cơ quan an ninh, các doanh nghiệp phải "hỗ trợ kỹ thuật" để họ điều tra.
Hai yêu cầu này làm dấy lên lo ngại rằng các công ty nước ngoài có thể bị mất sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc hoặc phải làm một backdoor (cửa hậu trong phần mềm của mình) để theo dõi người dùng tại Trung Quốc.
Thiên Hà