Tân Hoa Xã đưa tin Luật Thuế bảo vệ môi trường Trung Quốc ngày 1.1.2018 chính thức có hiệu lực, theo đó các cục thuế địa phương sẽ chịu trách nhiệm thu thuế môi trường của doanh nghiệp. Đây là nỗ lực nhằm cắt giảm lượng chất thải, cải thiện tình trạng môi trường của nước này.
Với luật mới, hệ thống thu “phí xả thải” tồn tại gần 40 năm qua đã chấm dứt. Luật mới quy định làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, thải chất thải rắn và tiếng ồn là bốn hoạt động làm ô nhiễm chính có thể thu thuế. Các khoản thu vẫn giữ nguyên như cũ, cục thuế các địa phương là đơn vị đứng ra thu thuế.
Hơn nữa, chính quyền địa phương có quyền quyết định mức thuế, dựa theo phạm vi mà chính quyền trung ương đưa ra. Toàn bộ thuế môi trường được đưa vào ngân sáchcủa địa phương, trong khi hệ thống cũ yêu cầu nộp 10% phí xả thải thu được cho trung ương.
Tân Hoa Xã cho biết khi Trung Quốc còn áp dụng hệ thống thu “phí xả thải”, nhiều địa phương đã lợi dụng nhiều kẽ hở của hệ thống và làm lơ hoạt động xả thải trực tiếp ra môi trường của nhiều doanh nghiệp là đơn vị đóng góp lớn cho ngân sách địa phương hằng năm. Các nhà quản lý đã kêu gọi phải có một luật thay thế cho hệ thống thu phí này.
Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc khẳng định Luật Thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp thiết lập một hệ thống thuế và tài chính “xanh” với mục đích bảo vệ môi trường, tăng cường kiểm soát và khắc phục tình trạng ô nhiễm.
Theo trang China.org.cn, công tác chuẩn bị thu và quản lý thuế mới đang được thực hiện. Giới chức thành phố Bắc Kinh và các tỉnh như Hà Bắc và Sơn Đông đã công bố mức thuế thu cho hoạt động làm ô nhiễm không khí và nước, trong đó Bắc Kinh áp dụng mức cao nhất.
Cũng trong ngày 1.1, Luật Quản lý và Chống ô nhiễm nước cũng đã có hiệu lực. Theo luật mới, lãnh đạo các địa phương sẽ chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề ô nhiễm nước. Kết quả thực hiện nhiệm vụ này cũng sẽ được đưa vào đánh giá kết quả công tác của lãnh đạo.
Đặc biệt, luật mới đưa ra các quy định chặt chẽ về quản lý nguồn nước ở khu vực nông thôn, nơi tình trạng ô nhiễm nước rất nghiêm trọng nhưng không được xử lý hiệu quả. Luật nêu rõ Trung Quốc ủng hộ chuyện xây dựng cơ sở xử lý nước và chất thải ở nôn thông, và yêu cầu các tiêu chuẩn cho phân bón cùng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ yêu cầu bảo vệ môi trường trong nước. Luật cũng tăng mức phạt cho các hành vi làm ô nhiễm.
Trước đó vào ngày 28.12, Văn phòng Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường quốc gia Trung Quốc cho biết đã phát hiện hơn 18.000 quan chức, trong đó phần lớn ở cấp địa phương, không có hành động gì hay thất bại trong công tác bảo vệ môi trường kể từ năm 2016. Đơn vị này cũng khẳng định sắp tới sẽ có thêm nhiều đợt kiểm tra tình hình bảo vệ môi trường hơn nữa.
Trong Hội nghị công tác kinh tế trung ương Trung Quốc tháng 12 vừa qua, nước này xác định giải quyết ô nhiễm là một trong “ba cuộc chiến cam go” trong ba năm tới.
Cẩm Bình (theo Tân Hoa Xã, China.org.cn)