Trung Quốc vừa tiết lộ thông tin chi tiết về nhiệm vụ lên sao Hỏa mang tên Thiên Vấn-1 mà họ chuẩn bị thực hiện.
Thiên Vấn là tên một bài thơ của nhân vật lịch sử nổi tiếng thời Chiến Quốc Khuất Nguyên. Theo kế hoạch thì nước này sẽ dùng tên lửa Trường Chinh 5 đưa tàu vũ trụ Thiên Vấn-1 lên sao Hỏa vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 – có khả năng là ngày 23.7. Vụ phóng diễn ra ở trấn Văn Xương thuộc tỉnh Hải Nam.
Thiên Vấn-1 dự kiến đến đích trong tháng 2 năm sau, cùng lúc với tàu thăm dò Perseverance (Mỹ) và Hope (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Nhưng tàu Trung Quốc dự kiến bay quanh quỹ đạo sao Hỏa 2 - 3 tháng trước khi hạ cánh.
Điểm hạ cánh là bồn địa khổng lồ Utopia Planitia hình thành do va chạm trước đó, tại cực bắc sao Hỏa (nơi tàu Viking 2 của Mỹ từng đáp xuống). Trung Quốc đã khoanh vùng khu vực cụ thể.
Độ cao vừa phải trong Utopia Planitia cho phép tàu vũ trụ có nhiều thời gian và không khí để giảm tốc độ, tiếp đất an toàn. Vị trí ở khoảng 20 - 30 độ vĩ bắc cũng thích hợp nhận đủ ánh sáng Mặt trời cung cấp năng lượng cho thiết bị tự hành, bề mặt bằng phẳng còn giúp thiết bị hoạt động dễ dàng.
Thiết bị tự hành đủ sức hoạt động trong 90 ngày sao Hỏa (khoảng 3 tháng Trái đất) – gấp đôi thời gian hoạt động của tàu thăm dò Thỏ Ngọc-2 trong nhiệm vụ lên Mặt Trăng.
Tàu quỹ đạo bay quanh hành tinh sẽ kết nối với thiết bị tự hành, đồng thời thực hiện quan sát khoa học riêng trong 1 năm sao Hỏa (687 ngày Trái đất). Hoạt động ở quỹ đạo cực, tàu chịu trách nhiệm lập bản đồ hình thái và cấu trúc sao Hỏa; dùng hệ thống radar khám phá các yếu tố đất, băng, nước, môi trường; đo tầng điện ly, điện từ trường, lực hấp dẫn.
Trong khi đó, tàu thăm dò Perseverance của Mỹ dự kiến đến sao Hỏa vào ngày 18.2, tìm kiếm dấu hiệu sự sống và thu thập mẫu bề mặt đem về.
Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành cường quốc về hàng không vũ trụ vào năm 2030, bắt kịp Mỹ và Nga. Nhưng nhiệm vụ sao Hỏa đầu tiên của quốc gia châu Á năm 2011 đã thất bại, thiết bị thăm dò Huỳnh Hỏa-1 vận chuyển bởi tàu vũ trụ Phobos-Grunt (Nga) không thể ra khỏi quỹ đạo Trái đất, rồi sau đó rơi xuống Thái Bình Dương. Bốn năm sau chính quyền Bắc Kinh khởi động chương trình sao Hỏa riêng.
Cẩm Bình (theo Space, SCMP)