Trung Quốc đang xem xét kiểm soát xuất khẩu thiết bị của hai hãng viễn thông lớn là Nokia (Phần Lan) và Ericsson (Thụy Điển) nếu Liên minh châu Âu (EU) nối gót Mỹ và Anh loại tập đoàn Huawei loại tập đoàn viễn thông Huawei trong việc tham gia thiết lập mạng 5G.
Theo Wall Street Journal, Bộ Thương mại Trung Quốc đang cân nhắc sẽ ngăn chặn các sản phẩm của Nokia và Ericsson sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc xuất khẩu sang các nước khác. Một nguồn tin tiết lộ đây là kịch bản xấu nhất mà Bắc Kinh chỉ sử dụng nếu các nước châu Âu gây khó khăn với Huawei và cấm tập đoàn viễn thông của Trung Quốc tham gia mạng 5G.
Tuần trước, Anh đã yêu cầu nhà mạng ngừng mua thiết bị 5G Huawei trước cuối năm 2020 và loại bỏ hoàn toàn thiết bị của công ty này khỏi mạng 5G của Anh trước năm 2027. Quyết định cấm Huawei tham gia mạng 5G được chính phủ Anh đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Anh (NSC) do Thủ tướng Boris Johnson chủ trì hôm 14.7. Đây là động thái đảo ngược từ phía Anh, khi hồi tháng 1 nước này vẫn cho phép Huawei có thể tiếp cận hạn chế với việc cung cấp thiết bị cho mạng 5G. Nhờ đó, Nokia và Ericsson được cho là những công ty được hưởng lợi trực tiếp từ chiến dịch "tẩy chay" Huawei do Mỹ khởi xướng.
Việc cấm tham gia mạng 5G được đánh giá sẽ là đòn giáng nặng nề vào Huawei khi mà tập đoàn của Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Anh thời gian qua với việc mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Cambridge, báo hiệu rằng nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới không còn được chào đón ở phương Tây.
EU hiện chưa cấm Huawei nhưng hồi tháng 1 khối này đã đưa ra các khuyến nghị về an ninh mạng 5G, qua đó cho phép các quốc gia thành viên được tự do quyết định có nên hạn chế sự hiện diện của Huawei. EU sẽ sớm công bố một báo cáo chi tiết về quyết định của 27 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Đức - quốc gia lớn nhất trong EU đến nay vẫn chưa quyết định có cấm Huawei hay không. Berlin dự kiến sẽ không đưa ra quyết định cho tới đầu tháng 9.
Huawei hiện là nhà sản xuất thiết bị 5G lớn nhất thế giới. Đối thủ chính của tập đoàn viễn thông Trung Quốc là Nokia (Phần Lan) và Ericsson (Thụy Điển). Cả hai đều có nhà máy và tuyển hàng ngàn nhân viên tại Trung Quốc. Lo ngại về khả năng bị hạn chế từ vài tuần trước, Nokia đã tiến hành đánh giá chuỗi cung ứng của mình và đưa ra kế hoạch dự phòng để di chuyển các nhà máy. Nokia và Ericsson có thể đối phó khỏi hạn chế của Trung Quốc bằng cách chuyển dây chuyền sang châu Á, châu Âu hoặc Bắc Mỹ.
Các nhà sản xuất thiết bị viễn thông phương Tây trong đó có Nokia và Ericsson cũng như các công ty nhỏ hơn, đã bắt đầu chuyển dây chuyền sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc vào năm ngoái nhằm tránh bị chính quyền Trump đánh thuế hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, đồng thời thông báo với khách hàng rằng sản phẩm sản phẩm của họ không gây rủi ro bảo mật vì chúng không xuất xứ từ Trung Quốc.
Trang Nhung (theo Wall Street Journal)