Chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam đang nở rộ như “nấm sau mưa” trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng một số chương trình thực tế đã trở nên bát nháo, vô bổ và lạm dụng trẻ em một cách đáng lo ngại.

Truyền hình thực tế trẻ em: Chạy theo lợi nhuận, xem thường khán giả?

Dân tri | 04/05/2016, 07:10

Chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam đang nở rộ như “nấm sau mưa” trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng một số chương trình thực tế đã trở nên bát nháo, vô bổ và lạm dụng trẻ em một cách đáng lo ngại.

Trung tuần tháng 4 vừa qua, Tổng cục Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc ra văn bản chỉ đạo về việc hạn chế dẫn đến cấm tuyệt đối các chương trình có trẻ chưa đủ tuổi thành niên, trong đó có 2 chương trình ăn khách “Bố ơi, mình đi đâu thế?” và “Bố ơi trở lại”. Cơ quan này cho rằng, các chương trình truyền hình thực tế này đã xâm phạm đến quyền riêng tư của trẻ em, lợi dụng trẻ em để kiếm tiền và lăng xê trẻ em theo kiểu “một bước thành sao” gây ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ...

Ngay khi thông tin này xuất hiện, không ít bậc phụ huynh Việt Nam đã phải ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng bởi bấy lâu con em mình nói riêng và phần lớn trẻ em Việt Nam nói chung bị các chương trình truyền hình thực tế lạm dụng mà không hề biết. Thậm chí, có thể nói, các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam đang được các cơ quan quản lý “thả rông” nên các đơn vị sản xuất mặc sức lạm dụng trẻ em để kiếm tiền mà vẫn nghĩ mình đang tạo sân chơi cho trẻ.

Món lợi kếch xù không thể bỏ qua

Trước hết phải nói, chưa bao giờ, trẻ em lại giúp các đơn vị sản xuất truyền hình kiếm bộn tiền đến thế. Vì kiếm được bộn tiền nên “nhà nhà”, “người người” đổ xô đi làm chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em mà không phải đau đầu nhiều tính “bài toán” thu - chi. Chỉ tính riêng 3 năm trở lại đây, không chỉ trên VTV mà ở một số kênh địa phương cũng có rất nhiều các chương trình dành cho đối tượng nhí này như:Người hùng tí hon, Siêu nhí tranh tàicủa Truyền hình Vĩnh Long;Con đã lớn khôn, Ước mơ của em, Chung sức nhí... Có thông tin, hai “ông trùm” làng Media phía Nam cũng đang rục rịch khởi động thêm các chương trình truyền hình dành cho trẻ em như:Nhân tố bí ẩn nhí, Hòa âm ánh sáng nhí và Vua đầu bếp nhí...

Có thể nói, trẻ em cũng là một đối tượng khán giả và một dạng “tài năng” cần được trân trọng như những đối tượng khác. Vì lẽ đó mà việc ra đời các chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Ở Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... số chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em cũng không thua kém gì người lớn.

Một tiết mục trong "Bước nhảy hoàn vũ nhí" đã được phát sóng trên VTV.

Theo thống kê của tờ Sina, hiện Trung Quốc có hơn 100 kênh truyền hình phát sóng, thu về 10 tỷ NDT tiền quảng cáo, trong đó nguồn thu đáng kể từ các chương trình có sự góp mặt của trẻ em. Riêng Việt Nam, ngay khi vừa ra đời, nhiều chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em đã “vượt mặt” các chương trình truyền hình thực tế dành cho người lớn về chỉ số rating (lượt xem truyền hình). Nhiều thống kế cho thấy, năm 2015, đều phát sóng khung giờ vàng trên VTV3, nhưngBước nhảy hoàn vũchỉ đạt 4.7% rating toàn quốc thìBước nhảy hoàn vũ nhíngay khi phát sóng đã đạt 6.5%. Tương tự,Giọng hát Việtmùa 3 cũng chỉ đạt rating 4.5% trong khiGiọng hát Việt nhílại là 5.4%.

Vì lượng rating cao nên giá quảng cáo của các chương trình truyền hình thực tế cho trẻ em rất đắt. Theo báo giá quảng cáo của Trung tâm Quảng cáo & Truyền hình thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (TVAD), mùa đầu tiên của Giọng hát Việt nhí đã có giá quảng cáo lên tới 320 triệu đồng cho 30 giây trong một số lên sóng.

Phải chăng lạm dụng cả khán giả nhí lẫn người chơi nhí?

Trên thực tế, các chương trình truyền hình thực tế dành cho người lớn đang rơi vào thế bão hòa bởi sự bế tắc về ý tưởng, chiêu trò và sự canh tranh... Trong khi đó, trẻ em với sự hồn nhiên, trong trẻo và sáng tạo vẫn luôn là đối tượng thu hút sự quan tâm, chú ý của người lớn. Vì lẽ đó, việc “khai thác” triệt để đối tượng này không những không bị nhiều áp lực mà còn mang lại những mối lợi kếch xù.

Nhiều đơn vị sản xuất các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam vẫn luôn khẳng định rằng, họ xây dựng nên các chương trình dành cho trẻ em là nhằm tạo sân chơi cho các em nhỏ, giúp các em phát triển tài năng. Ông Nguyễn Quang Minh - Giám đốc Công ty Cát Tiên Sa cũng cho rằng, trẻ em Việt Nam vẫn thiệt thòi hơn rất nhiều so với trẻ em nhiều nước trên thế giới, nhất là các dịch vụ về vui chơi, giải trí và học tập. Vì lẽ đó, việc tạo nên các chương trình truyền hình thực tế sẽ góp phần giúp trẻ em có thêm nhiều kênh để vui chơi, giải trí và thể hiện tài năng của mình. Bởi lý do này mà các chương trình do Cát Tiên Sa thực hiện luôn lấy việc phục vụ khán giả và trẻ em làm mục tiêu hàng đầu.

Tuy nhiên, thực tế là các chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em ở Việt Nam lại đang rơi vào thế tính giải trí bị bớt xén, thương mại được đẩy lên thành “đích đến”.

Ông Nguyễn Trọng An - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam đang lạm dụng, bóc lột và xâm phạm trẻ em (vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập cụ thể trong bài viết sau) ở tư cách người chơi lẫn khán giả. Ông An phân tích rằng, ở nước ngoài, luật quy định rất rõ vào giờ nào thì được phát sóng các chương trình dành cho người lớn, giờ nào phát sóng chương trình dành cho trẻ em. Trong các chương trình dành cho trẻ em, chỉ được phép quảng cáo những sản phẩm - dịch vụ gì và quảng cáo trong thời lượng bao lâu. Những vấn đề này được quy định thành luật nghĩa là nước ngoài quản lý rất chặt chẽ. Trong khi đó, ở Việt Nam việc phát sóng chương trình người lớn và trẻ em lẫn lộn, không có một cách sắp xếp khoa học và trật tự nào cả.

“Ở nước ta, ngay cả cái luật vừa được thông qua ngày 5/4 vừa rồi cũng không có quy định giờ nào các chương trình truyền hình thực tế cho trẻ em được phép phát quảng cáo, phát vào giờ nào, phát ra sao… Trước đây, đến giờ ăn cơm tối, trẻ em được xem chương trình “Bông hoa nhỏ” hoặc phim hoạt hình… nay thay vào đó là “hầm bà lằng” đủ thứ quảng cáo. Chương trình cứ mặc kệ trẻ em, cứ mặc kệ ăn uống, cứ mặc kệ văn hoá… để quảng cáo kiếm tiền. Nào thì thuốc “ông uống bà khen”, băng vệ sinh phụ nữ, thuốc kích dục, các loại sâm cho nam giới… đây là một sự lẫn lộn khó chấp nhận. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá. Ở nước ngoài, những quảng cáo này chỉ được phát sau 22h đêm, khi trẻ em đã đi ngủ hết”, ông An nói.

Bên cạnh đó, ông An cũng cho rằng, việc phát sóng các chương trình truyền hình thực tế cho trẻ em mà kéo dài đến tận 22h, thậm chí là 23h như hiện nay là phản khoa học, gây nguy hại đến trẻ em.

“Quy định về giờ ngủ và giờ sinh hoạt của trẻ em thì không có quy định cụ thể trong luật nhưng dựa vào các công trình nghiên cứu khoa học, các bác sỹ khuyến cáo, đối với trẻ em nên đi ngủ trước 21h để đảm bảo ngủ đủ giấc. Vậy mà các chương trình truyền hình thực tế cho trẻ em của chúng ta hiện nay rất hiếm chương trình nào phát sóng xong trước 22h. Rõ ràng, điều này khiến cho trẻ em bị ảnh hưởng rất lớn bởi hàng ngày các em còn phải thức xem. Có vẻ như xem nhẹ việc này, nên các chương trình mạnh ai nấy phát, muốn mấy giờ thì mấy giờ. Bên cạnh đó, các cơ quan lập pháp cũng chưa thực sự chú trọng đến điều này nên trong luật đã không có quy định cụ thể. Theo tôi, điều này là rất nguy hại”, ông An nhấn mạnh.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cũng cho thấy rằng, việc trẻ thức khuya sẽ dễ dẫn đến rối loạn về giấc ngủ và các thói quen sinh hoạt. Nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần.

Trao đổi về vấn đề này, một số đơn vị sản xuất truyền hình cho rằng, họ bị phụ thuộc vào sóng của truyền hình. Thêm nữa, các chương trình truyền hình thực tế cho trẻ phần lớn đều phát vào dịp cuối tuần, nếu các em có xem muộn một chút thì ngày mai vẫn có thể ngủ bù.

Tuy nhiên, phản ứng lại điều này, bà Vương Hà ở Ba Đình, Hà Nội cho rằng, các đơn vị sản xuất lẫn nhà đài luôn cố tình chọn khung giờ vàng để phát sóng hòng tăng rating kiếm quảng cáo chứ thật sự sóng nhà đài không thiếu đến mức không bố trí được. Rõ ràng, vấn đề lợi nhuận mới là vấn đề chính chứ không phải vấn đề không sắp xếp được sóng. Có điều, không những phát sóng muộn, nhiều chương trình còn cố kéo dài chương trình lê thê khiến cho khán giả xem rất mệt mỏi.

“Nhà tôi có hai cháu, một cháu năm nay học lớp 4, một mới hơn 1 tuổi. Cháu lớn rất thích chương trình giải trí cho trẻ em trên truyền hình và phim hoạt hình nhưng tôi đều phải quy định giờ xem cho cháu. Cứ 21h là nhà tôi tắt hết phương tiện truyền hình để đi ngủ. Nếu không thế, các cháu sẽ rất ảnh hưởng sức khoẻ, ảnh hưởng học tập”, chị Vương Hà nói.

Độc giả: Huongthao Bui:

Với suy nghĩ cá nhân của mình thì tôi thấy chương trình thực tế “Bố ơi, mình đi đâu thế” của VTV hay. Bởi suy nghĩ cho kỹ, ngay từ việc các ông bố dành thời gian ở bên con, đưa con đi khắp nơi, chăm lo chúng ngay cả khi không có mẹ chúng ở bên đã là điều đáng học tập cho những gia đình hiện nay. Nhiều khi chỉ vì bận rộn lo miếng cơm, manh áo mà quên mất rằng thời gian bên gia đình, cho con cái được vui vẻ, hạnh phúc mới là điều rất đáng trân quý nhất. Trẻ con tham gia trong chương trình đang trong tầm tuổi phát triển và hoàn thiện các kỹ năng, các con sẽ có những sai sót, có những vấp ngã không đáng có nhưng chúng biết sửa chữa để trưởng thành hơn đó mới là điều tốt. Thêm vào đó, họ đi đến đâu cũng quan tâm đến những người dân xung quanh. Vậy không đáng nhìn nhận và học hỏi sao?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình Việt Nam (VFC):

Việc thực hiện các chương trình truyền hình liên quan đến trẻ em luôn phải cẩn trọng bởi mặt trái của nó là dễ gây phản ứng do sa đà vào yếu tố câu khách nhằm tạo ra giá trị thương mại. Đôi khi, nhà sản xuất không cố ý nhưng đã vô tình tạo cho các bé những vẻ ngoài hào nhoáng, ngộ nhận tài năng, sự nổi tiếng… Bên cạnh các chương trình giải trí, VTV luôn mong muốn có nhiều chương trình có giá trị nội dung và tính nhân văn cao để phục vụ khán giả. Nhiều chương trình truyền thực thế dành cho trẻ em trên VTV hiện nay đang nhận được sự đánh giá rất cao của khán giả và chúng tôi vẫn luôn nỗ lực để chương trình thực sự là sân chơi ấn tượng chứ không phải vì thương mại.

Theo Hà Tùng Long/ Dân Trí

Chú thích ảnh đại diện:Truyền hình thực tế cho trẻ em đang tạo ra món lợi kếch xù khiến không ai muốn bỏ qua.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyền hình thực tế trẻ em: Chạy theo lợi nhuận, xem thường khán giả?