Một quan chức địa phương ở miền trung Trung Quốc đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội sau khi đe dọa giam giữ những người về quê vào dịp Tết Nguyên đán và gọi đó là hành động “ác ý".

Truyền thông Trung Quốc lên án thị trưởng đòi giam giữ những người về quê ăn tết

Sơn Vân | 23/01/2022, 22:09

Một quan chức địa phương ở miền trung Trung Quốc đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội sau khi đe dọa giam giữ những người về quê vào dịp Tết Nguyên đán và gọi đó là hành động “ác ý".

Đoạn video được chia sẻ rộng rãi về Dong Hong, thị trưởng huyện Đan Thành, tỉnh Hà Nam, cho thấy ông nói tại cuộc họp rằng “bất kỳ ai trở về nhà từ các khu vực có nguy cơ trung bình hoặc cao sẽ bị cách ly và giam giữ sau đó”.

Các khu vực lân cận tỉnh Hà Nam báo cáo các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng được đánh dấu là nơi có nguy cơ trung bình hoặc cao để có thể áp dụng các biện pháp hạn chế.

Trước đây, phương tiện truyền thông địa phương đưa tin rằng một người dân ở huyện Đan Thành đã bị giam giữ vì trở về từ khu vực có nguy cơ trung bình tại thành phố Thượng Hải mà không làm xét nghiệm COVID-19 hoặc cập nhật lịch sử du lịch của mình với chính quyền.

Dong Hong nói với hãng truyền thông Shangyou News rằng bình luận của ông là có ý tốt. Dong Hong cho biết đã nghe nói về những người khăng khăng đòi về nhà từ các khu vực có nguy cơ cao và rằng “ngay cả án tử hình cũng không thể ngăn những người đó quay trở lại”.

Đó là lý do tại sao tôi nói trong cuộc họp rằng những ai không tuân theo các chính sách phòng ngừa dịch của địa phương và trở về nhà một cách ác ý sẽ bị cách ly, giam giữ. Tôi chỉ muốn đảm bảo an toàn cho công cộng", Dong Hong lý giải.

bao-chi-trung-quoc-len-an-thi-truong-doa-giam-giu-nguoi-ve-que-an-tet.jpg
Một video về Dong Hong lan truyền trên mạng xã hội sau khi ông nói rằng những người trở về từ các khu vực có nguy cơ trung bình hoặc cao sẽ bị cách ly và giam giữ - Ảnh: Weibo

Sau khi gây phẫn nộ trên mạng xã hội, bình luận của Dong Hong đã dẫn đến phản ứng từ các tờ báo nhà nước Trung Quốc.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Weibo, tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích huyện Đan Thành, nói rằng chính sách này thiếu cơ sở pháp lý và sự hiểu biết. Theo Nhân dân Nhật báo, việc phòng chống đại dịch cần phải khoa học và chính xác, đồng thời mong muốn được về thăm gia đình của mọi người cần được tôn trọng.

Hôm 23.1.2022, một bài đăng trên mạng xã hội của hãng thông tấn Tân Hoa xã cho biết các chuyến đi về quê là hợp lý và không có "ác ý".

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết trong bài bình luận hôm 21.1.2022 rằng những sự cố như vậy cho thấy địa phương sợ mắc sai lầm và chịu trách nhiệm vì nó.

"Trở về nhà một cách ác ý có nghĩa là gì? Tiêu chuẩn là gì, ai thực hiện lời kêu gọi và cơ sở pháp lý nào để cách ly, giam giữ?", CCTV đặt câu hỏi.

Đã có sự bùng phát dịch do biến thể Delta và Omicron gây ra ở một số thành phố Trung Quốc trong tháng này, bao gồm cả ở tỉnh Hà Nam và thủ đô Bắc Kinh. Các nhà chức trách đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan SARS-CoV-2, bao gồm cả việc hạn chế đi lại khi chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán và khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh.

Tuy nhiên, khi những ngày lễ gần đến, sự bất mãn của công chúng về các chính sách đã tăng lên. Nhiều người phàn nàn trên mạng xã hội về các chính sách du lịch khác nhau giữa các thành phố, một số nơi yêu cầu ngay cả những người từ các khu vực có nguy cơ thấp phải cách ly trong 14 ngày.

Trung Quốc đã trừng phạt các quan chức ở nhiều thành phố khác nhau vì quản lý yếu kém trong đại dịch. Tháng trước, 26 quan chức từ Tây An (tỉnh Thiểm Tây) đã bị kỷ luật vì phản ứng lỏng lẻo và quản lý yếu kém một khách sạn cách ly được cho là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát dịch COVID-19 khiến thành phố 13 triệu dân phải phong tỏa.

Bắc Kinh áp dụng nhiều biện pháp hơn trước Olympic, học sinh mẫu giáo chưa tiêm vắc xin bị cấm đến trường

Chính quyền Bắc Kinh hôm 23.1.2022 đã đưa ra các biện pháp mới để ngăn chặn đợt bùng phát dịch gần đây khi thủ đô Trung Quốc tiếp tục ghi nhận ca COVID-19 trong cộng đống trước khi tổ chức Thế vận hội mùa đông từ 4.2 đến 20.2.2022.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết 9 ca mắc COVID-19 cộng đồng đã được phát hiện tại Bắc Kinh vào ngày 22.1, trong đó có 6 trường hợp ở quận Phong Đài.

Phong Đài sẽ tổ chức xét nghiệm COVID-19 với tất cả cư dân vào ngày 22.1.

Người phát ngôn chính quyền địa phương yêu cầu người dân ở các khu vực rủi ro, bao gồm cả một khu vực lân cận của Phong Đài, không được rời khỏi Bắc Kinh.

Bắc Kinh cũng yêu cầu người dân chủ động tiến hành xét nghiệm nếu thấy mình có các triệu chứng giống COVID-19 trong vòng 14 ngày kể từ khi nhận được bất kỳ gói hàng nào từ nước ngoài.

Các nhà chức trách cho rằng ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng ở Bắc Kinh có thể đến qua một gói hàng từ Canada.

Tại Phong Đài, một số trường mẫu giáo đã nói với phụ huynh rằng trẻ em chưa tiêm vắc xin COVID-19 sẽ không thể đi học.

Chưa thể xác định liệu yêu cầu này là quy định từ chính phủ Trung Quốc hay quy tắc riêng của trường mẫu giáo.

Có con học tại một trường mẫu giáo tư nhân ở Phong Đài, người mẹ họ Wang cho biết giáo viên nói rằng những đứa trẻ chưa tiêm vắc xin sẽ không được phép trở lại trường từ ngày 24.1.2022 theo quy định mới của chính phủ, mà không cung cấp cho bà bất kỳ tài liệu chính thức nào.

"Đây không phải là trên cơ sở tự nguyện. Đây là sự ép buộc", Wang nói và cho biết đã gửi đơn khiếu nại lên chính quyền với hy vọng yêu cầu này được dỡ bỏ.

bao-chi-trung-quoc-len-an-thi-truong-doa-giam-giu-nguoi-ve-que-an-tet1.jpg
Một nhân viên bảo vệ đứng gần vòng khép kín tại trung tâm báo chí trước thềm Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 - Ảnh: Reuters

Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết Trung Quốc ghi nhận 56 ca mắc COVID-19 mới vào ngày 22.1.2022, giảm so với 63 trường hợp một ngày trước đó. Trong số này có 19 ca COVID-19 lây truyền tại địa phương, so với 23 trường hợp một ngày trước đó.

Số ca COVID-19 mới không có triệu chứng, mà Trung Quốc phân loại riêng, là 34 trường hợp, giảm từ 43 ở một ngày trước.

Trung Quốc chưa ghi nhận thêm ca tử vong nào do COVID-19 khiến số người chết vẫn là 4.636.

Tính đến ngày 22.1.2022, Trung Quốc đã báo cáo 105.603 ca mắc COVID-19 có triệu chứng, cả ở trong nước và đến từ nước ngoài.

Bài liên quan
Bắc Kinh hoang mang vì ca nhiễm Omicron cộng đồng đầu tiên trước Olympic, có 2.430 F1 và F2
Hôm 15.1.2022, Bắc Kinh đã ghi nhận ca nhiễm Omicron trong cộng đồng lần đầu tiên, chưa đầy 3 tuần trước khi Thế vận hội mùa đông diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
34 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyền thông Trung Quốc lên án thị trưởng đòi giam giữ những người về quê ăn tết