Động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư tư nhân, tiêu dùng) phục hồi chậm và còn yếu trong khi thể chế cho các động lực tăng trưởng mới chậm ban hành.
Thị trường và chính sách

TS Cấn Văn Lực: Động lực tăng trưởng phục hồi chậm và yếu

Lam Thanh 05/04/2024 13:23

Động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư tư nhân, tiêu dùng) phục hồi chậm và còn yếu trong khi thể chế cho các động lực tăng trưởng mới chậm ban hành.

Phục hồi chậm

TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu của BIDV đánh giá kinh tế Việt Nam trong quý 1/2024 có nhiều điểm sáng nhưng vẫn còn một số thách thức, khó khăn.

Nhóm nghiên cứu cho hay trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm, dự báo tăng trưởng thấp hơn năm 2023, kinh tế Việt Nam trong quý 1/2024 vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, GDP quý 1 tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm, đạt 5,66%, cao hơn mức đưa ra trong Nghị quyết 01. Các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng tích cực; xem xét cụ thể một số động lực tăng trưởng truyền thống cho thấy đà phục hồi khá đồng đều. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1/2024 đạt 178 tỉ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

sx-3.jpeg
TS Cấn Văn Lực đánh giá kinh tế quý 1 có những điểm sáng nhưng vẫn đối mặt nhiều khó khăn

Ngoài ra, thu hút và giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng trưởng tích cực; tiêu dùng tiếp tục đà phục hồi, du lịch tăng mạnh; giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy và cải thiện rõ rệt; sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi; lạm phát được kiểm soát (dù giá xăng dầu, chi phí vận tải tăng do xung đột Biển Đỏ leo thang…); mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) và tăng trưởng kinh tế; tín dụng đang tăng trở lại…

Tuy nhiên, theo ông Lực và nhóm nghiên cứu, rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu như bối cảnh quốc tế đã nêu trên. Đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, sức cầu phục hồi nhưng còn yếu, rủi ro - bất định ở mức cao, đều có ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch của Việt Nam.

Thêm nữa, cơ cấu lại nền kinh tế, giải ngân một số cấu phần của 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn DN nhà nước còn chậm so với kế hoạch; cơ cấu lại, xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu. Điều này khiến việc phân bổ nguồn lực khó đạt hiệu quả cao và chi phí tốn kém, đòi hỏi quyết liệt hơn thời gian tới.

Tỷ lệ giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong 2 tháng đầu năm 2024 mới đạt 12% kế hoạch năm, dù cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (5,64%) song nhiều dự án, tiểu dự án vẫn chưa được triển khai.

Đáng chú ý, một số động lực tăng trưởng truyền thống (như đầu tư tư nhân, tiêu dùng) phục hồi chậm và còn yếu trong khi thể chế cho các động lực tăng trưởng mới chậm ban hành.

Mức tăng của lĩnh vực dịch vụ trong quý 1/2024 (+6,12%) thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,86%) và mức trước dịch (6,5% của quý 1/2019). Vốn đầu tư tư nhân tăng thấp nhất trong 3 khu vực kinh tế và thấp hơn nhiều so với mức tăng 8 - 9% trong giai đoạn 2016-2019.

sx-1.jpeg
Các động lực tăng trưởng đang phục hồi chậm

Ngoài ra, thể chế cho kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng (đặc biệt là cơ chế thử nghiệm sandbox; quy định về quản lý và chia sẻ dữ liệu, phát triển thị trường tín chỉ carbon Việt Nam…) còn chậm; chưa phát huy được nhiều từ những xu hướng, động lực tăng trưởng mới này.

Doanh nghiệp khó khăn, thị trường BĐS phục hồi chậm

Ông Lực cũng cho rằng DN còn đối mặt với nhiều khó khăn, chủ yếu do các vướng mắc về pháp lý (đặc biệt là thị trường đất đai, BĐS) cần thời gian để giải quyết; áp lực tài chính (áp lực đáo hạn nợ vay và nợ trái phiếu DN); chi phí đầu vào vẫn ở mức cao (chi phí logistics tăng, giá năng lượng tăng…).

Kết quả là, số lượng DN gia nhập thị trường (gần 60 nghìn DN) thấp hơn số lượng 74 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Ngoài ra, tín dụng tăng chậm, nợ xấu và tỷ giá tăng nhưng trong tầm kiểm soát. Hết quý 1/2024, tín dụng ước tăng 0,3% so với đầu năm. Con số này thấp hơn mức tăng 2,58% của quý 1/2023.

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn còn yếu, nợ xấu tăng khiến khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng khó hơn, trong khi các tổ chức tín dụng thận trọng hơn, mặc dù lãi suất cho vay giảm.

Trong bối cảnh đó, nợ xấu tăng. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 12.2023, tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ bán VAMC chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn) là trên 6%, nếu loại trừ nợ xấu của các ngân hàng kiểm soát đặc biệt thì sẽ là 3,36%, cho thấy nợ xấu của hệ thống gia tăng.

sx-2.jpeg
Tăng trưởng tín dụng chậm

Về tỷ giá, trong quý 1/2024, tỷ giá liên ngân hàng tăng 2,12% và tỷ giá trung tâm tăng 0,57% so với cuối năm 2023, chủ yếu là do đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế (chỉ số DXY tăng 3% so với cuối năm 2023); chênh lệch lãi suất VNĐ/USD vẫn duy trì ở mức âm, kích thích các hoạt động đầu cơ tỷ giá; nhu cầu thanh toán ngoại tệ tăng lên cùng với đà tăng của nhập khẩu và yếu tố thời vụ khi một số DN FDI chuyển lợi nhuận về nước.

TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và thị trường BĐS phục hồi chậm. Trị giá TPDN phát hành trong quý 1/2024 đạt 18,75 nghìn tỉ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, TPDN đáo hạn năm 2024 ước tính khoảng 239.000 tỉ đồng (trong đó DN BĐS chiếm khoảng 42%) cho thấy thị trường vẫn còn nhiều khó khăn và cần thời gian để hồi phục. Tuy vậy, triển vọng TPDN năm 2024 dự báo sẽ sôi động hơn.

Báo cáo cũng cho thấy thị trường BĐS vẫn đang gặp phải 4 vấn đề thách thức lớn (về pháp lý, quy hoạch và quỹ đất, quan hệ cung - cầu và giá BĐS còn cao, nghĩa vụ tài chính của DN BĐS còn lớn) và cần thời gian để phục hồi.

Tuy nhiên, thị trường đang dần phục hồi khi lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ tăng, pháp lý dần được tháo gỡ, nhất là một số vướng mắc về định giá đất, về hoạt động lấn biển và việc hướng dẫn triển khai Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023 được quan tâm thực hiện. Dự báo thị trường BĐS sẽ phục hồi rõ nét hơn từ cuối quý 2/2024.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Cấn Văn Lực: Động lực tăng trưởng phục hồi chậm và yếu