Sáng 28.3, Diễn đàn nông nghiệp mùa xuân do do Liên minh Nông nghiệp phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức đã thảo luận về những thể chế hiện hành ảnh hưởng đến sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.
“Ngồi mát ăn bát vàng”
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ngành lúa gạo hiện nay đang gặp những trở ngại mới. Có nhiều doanh nghiệp sản phẩm quy mô nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao, họ cần được chủ động trong xuất khẩu nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn trong Nghị định 109.
“Việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) to hơn cả Bộ Công Thương trong việc cấp phép xuất khẩu từng lô hàng là điềucần phải thay đổi”, ông Thành nói.
Ông Thành cho rằng, trong Nghị định 109 có nhiều điều khoản cần thay đổi, ví dụ như doanh nghiệp cần phải có kho bãi 5.000 tấn hay phải có vùng nguyên liệu. Bởi vì trong thương mại, không cần quy định thì doanh nghiệp buộc phải có vùng nguyên liệu để đảm bảo hoạt động. Điều này thị trường đã làm được, cho nên cơ quan nhà nước không cần quy định nữa.
Cùng góc nhìn, TS Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nêu, VFA được phép kiểm soát hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp khác là đi ngược với tinh thần bình đẳng của các doanh nghiệp. Điều này tạo ra cơ chế xin cho, nảy sinh tiêu cực, cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế đầu tư, sáng tạo. Do đó, cần phải bỏ ngay việc cho một hiệp hội lại có chức năng của Nhà nước.
“Điều này tạo ra một số doanh nghiệp “ngồi mát ăn bát vàng”, ông Vinh nhấn mạnh.
Cần bảo vệ lợi ích cho người nông dân
Trong câu chuyện về tích tụ ruộng đất, TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ quyền tài sản cho người nông dân.
“Ở Đài Loan và nhiều nước khác, khi tham gia tích tụ ruộng đất, các hộ sẽ trở thành cổ đông, đất đai được sở hữu lâu dài. Còn tại Việt Nam, người nông dân chỉ được nhận một cục tiền rồi mất đất, điều này rất nguy hiểm. Tránh biến đất nông nghiệp Nhà nước thành đất của đại gia, gây bất ổn xã hội”, ông Doanh nói.
Đồng tình với ý kiến này, ông Đặng Quang Vinh cũng nhấn mạnh việccần nhận thức rõ về quyền tài sản. Mục tiêu hướng tới là cần quy định đất nông nghiệp có số đỏ hay không có sổ đỏ đều phải được dùng lâu dài, hạn chế tối đa việc thu hồi đất.
Ông Nguyễn Văn Tiến (Ban Kinh tế Trung ương) cũng cho rằng cần phải hoàn thiện chính sách liên quan đến thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng, và hình thành thị trường đất nông nghiệp hiệu quả, minh bạch.
“Cần có chế định ngăn chặn tình trạng tích tụ ruộng đất và sử dụng theo kiểu “phát canh thu tô”; hình thành hành lang pháp lý đẩy mạnh cách thức cho thuê, sang nhượng, ủy thác canh tác… để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn”, ông Tiến nói.
Bên cạnh đó, TS Andrew Wells-Dang, chuyên gia cao cấp của Oxfam Việt Nam chia sẻ, quan trọng nhất là chính sách này đem lại lợi ích như thế nào cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ, đặc biệt là phụ nữ và nhóm dân tộc thiểu số?
“Chúng tôi tin rằng các hộ sản xuất nhỏ là chìa khóa để mở ra một nền nông nghiệp công bằng, an toàn và hiệu quả. Các trang trại và doanh nghiệp nhỏ sản xuất hiệu quả hơn các đồn điền lớn, tạo việc làm ổn định và quyền sử dụng đất cho hàng triệu người, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và quyền lương thực”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, nền tảng nông thôn Việt Nam là sản xuất nhỏ. Nếu không có các doanh nghiệp nhỏ thì không thể có doanh nghiệp lớn được. Chúng ta không thể hiện đại hoá, lớn hóa ngành nông nghiệp hàng hóa khi chỉ tập trung vốn và phát triển cho doanh nghiệp lớn, cần phải tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ, tiểu hộ phát triển.
Còn theo GS Võ Tòng Xuân, nông dân Việt Nam có trình độ thấp, sau 40 năm vẫn còn khổ. Ở Mỹ phải có trình độ mới sản xuất được nông nghiệp, trong khi Việt Nam đây là nghề cha truyền con nối, sản xuất theo thói quen. Nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp nghèo nàn, trình độ không cao khó áp dụng công nghệ cao bởi chính con em nông dân đi học cũng ít về làm nông nghiệp”.
“Thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp là câu chuyện quản trị theo thị trường, câu chuyện bán sản phẩm cho nông dân. Nếu bán được sản phẩm thì người ta sẽ tích tụ ruộng đất và cơ chế mở thì việc đó sẽ dễ hơn”.
(Ông Lê Đức Thịnh, Cục phó Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN-PTNN)
Liệu có phải hạn điền làm hạn chế tích tụ ruộng đất hay không? Tôi vừa vào Bình Phước, doanh nghiệp có hàng trăm ha trồng thanh long hay nuôi tôm, cá rô phi…không hiếm, cho nên, cần tính toán kĩ xem hạn điền có phải là mấu chốt của tích tụ ruộng đất không? Nếu không thì là gì? Nếu làm không tốt, chúng ta sẽ bần cùng hóa nông dân”
(TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Bộ NN-PTNN)
“Hạn điền không phải là lý do ngáng trở tích tụ ruộng đất, mà ngáng trở chính là quy mô sản xuất nhỏ”.
(Ông Nguyễn Văn Tiến (Ban Kinh tế Trung ương)