Ông Phan Đức Hiếu cho rằng cần tập trung kiểm soát quy định mới làm gia tăng chi phí. Nếu chưa thực sự cấp bách, đừng ban hành quy định mới; nếu phải ban hành quy định thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp.
Tại Diễn đàn phát triển kinh doanh: “Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” ngày 19.7, các doanh nghiệp (DN) cho biết họ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Quy định chồng chéo, cán bộ né tránh, đùn đẩy
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, các DN bắt đầu phục hồi thì ngay lập tức vướng phải những quy định về luật phòng cháy chữa cháy, tình trạng mất điện đột ngột và liên tục.
Ngoài ra, tình hình kinh tế chính trị thế giới có diễn biến phức tạp cũng khiến giá nguyên liệu tăng cao, đơn hàng giảm. Mặt khác, các DN phải đối mặt với những bất cập như xu hướng cải cách hành chính có phần bị chững lại; gần đây xuất hiện tình trạng một số bộ phận công chức nhà nước có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc…
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, hiện nay, bất động sản đang chững lại kéo theo các ngành kinh tế liên quan cũng rất khó khăn.
Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách đang sụt giảm, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Số lượng dự án triển khai trong năm 2023 giảm cả về số lượng và quy mô. 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư nhà nước tăng 12,6% nhưng vốn tư nhân chỉ tăng 2,4% và khu vực FDI tăng 3,8%.
Theo ông Hiệp, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là vướng mắc pháp lý không được giải quyết được do thiếu đồng bộ, chồng chéo, xung đột của hệ thống văn bản pháp luật. Bất cập này chưa có giải pháp khắc phục triệt để.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, các DN bị ách tắc, phiền hà bởi thủ tục hành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện. Nhiều thủ tục phát sinh một cách tự phát, thậm chí một số sở ngành địa phương cũng đưa ra những quy định mà DN phải thực hiện. Những vướng mắc này, thậm chí làm không ít nhà đầu tư nước ngoài e ngại.
“Để tháo bỏ những rào cản trong môi trường kinh doanh, cần sớm rà soát lại các quy định đang áp dụng ở mọi ngành kinh tế và kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính, nhất là phải quy định cấp thẩm quyền nào mới được đưa ra các quy định để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện”, ông Hiệp nói.
Ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết để tháo gỡ khó khăn cho DN cần thiết thực hiện cải cách thể chế.
“Cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả chính sách tài khóa và tiền tệ trong ngắn hạn. Không chỉ đơn giản thủ tục hành chính mà còn hướng đến cắt giảm chi phí đầu tư phát sinh từ quy định pháp luật”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Hiếu, việc thực hiện cải cách thể chế hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là cắt giảm chi phí tuân thủ từ những quy định hiện hành; lo lắng chi phí mới sẽ phát sinh từ quy định đang dự thảo và sẽ ban hành; những chính sách toàn cầu làm gia tăng chi phí kinh doanh…
Rà soát kỹ văn bản pháp lý trước khi ban hành
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng cần tập trung kiểm soát quy định mới làm gia tăng chi phí.
“Nếu thực sự chưa cấp bách, đừng ban hành quy định mới. Nếu phải ban hành quy định thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp để DN có thời gian ổn định sức khỏe và chuẩn bị phương án tuân thủ, đồng thời có hỗ trợ tài chính trực tiếp cho DN để tuân thủ quy định”, ông Hiếu nêu và chia sẻ rằng trong khó khăn, DN trong một số ngành nghề, lĩnh vực như bất động sản, tài chính… có nhu cầu cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, quy định hiện hành đôi khi cản trở hoạt động đó.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng cần thiết nghiên cứu xem xét cơ chế nới lỏng có thời hạn, có địa chỉ để giúp doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, vượt qua khó khăn. Đây là biện pháp cải cách thể chế có hiệu quả và đã được áp dụng trong thời kỳ COVID - 19
Về lâu dài, ông Hiếu cho rằng cần nghiên cứu cơ chế bền vững thúc đẩy cải cách thể chế thường xuyên. Theo kinh nghiệm thế giới, cải cách thể chế nếu chỉ xuất phát đơn lẻ, bột phát từ chính các cơ quan ban hành thể chế sẽ không hiệu quả.
“Để thực hiện hiệu quả, nhiều nước trên thế giới đều thành lập cơ quan độc lập có thẩm quyền thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ với chức năng giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế, được trao thẩm quyền mạnh. Trong tình hình Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới, cần nghiên cứu đề xuất thành lập cơ quan tương ứng như vậy để cải cách thể chế bền vững, hiệu quả, thường xuyên”, ông Hiếu nói.
TS Trần Thị Hồng Minh cũng cho rằng đối với những khó khăn cần những giải pháp thể chế mang tính căn cơ, lâu dài để giải quyết.
“Nếu không có thể chế tốt, cơ chế vận hành thể chế tốt thì khó có thể tồn tại một cách hiệu quả nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, trước mắt, chúng ta phải xử lý rất nhiều câu chuyện liên quan đến thể chế”, bà Minh nêu.
Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu quan điểm cần nới lỏng các vấn đề về quản lý. “Khi bên ngoài khó khăn chúng ta phải nới lỏng các điều kiện bên trong. Tôi cảm nhận thời gian vừa qua, trong bối cảnh thế giới bên ngoài khó bên trong cũng “thắt”. Nhiều vấn đề kiểm soát khiến doanh nghiệp không biết phải làm sao”, ông Hiếu nói.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng cần có một cơ quan chuyên trách đủ chuyên sâu của Quốc hội rà soát văn bản pháp lý trước khi trình Quốc hội để gạt bỏ những chồng chéo xung đột trong các luật, nhất là giữa Luật Đất đai và các luật khác đang chuẩn bị sửa đổi trong dịp này.
Ngoài ra, ông Hiệp đề nghị các cơ quan soạn thảo cần lắng nghe, tiếp thu các đề đạt, kiến nghị, thắc mắc của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng luật để hoàn chỉnh khung pháp lý, thúc đẩy, động viên các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển, tạo công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Ông Hiệp cũng đề xuất chính sách cơ chế để khuyến khích kích cầu hợp lý cho toàn bộ nền kinh tế. Theo đó, cần có thêm những giải pháp cụ thể về miễn giảm, giãn hoãn một số loại thuế phí, nới lỏng chính sách tài khóa, kích cầu tiêu dùng mạnh hơn nữa để tạo tâm lý tốt cho thị trường.