Trong khi Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt hướng tới mục tiêu một chính phủ kiến tạo, gần dân vì dân, một chính phủ hành động, mà các tư lệnh ngành đến lời nói còn “ngủ đông” thì sự hành động hẳn còn phải… mơ về nơi xa lắm?

'Tư lệnh ngành' và... Thủ tướng

18/02/2017, 05:19

Trong khi Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt hướng tới mục tiêu một chính phủ kiến tạo, gần dân vì dân, một chính phủ hành động, mà các tư lệnh ngành đến lời nói còn “ngủ đông” thì sự hành động hẳn còn phải… mơ về nơi xa lắm?

Ông Mai Tiến Dũng (bìa trái) và Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện tại cuộc làm việc sáng 14.2

Sáu năm trước đây, vào tháng 8.2011, khi mới nhậm chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Đinh La Thăng khi đó đã có một phát ngôn ấn tượng: “Là tư lệnh ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận, phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi mới làm được chứ cứ chờ để xin phép thủ trưởng ở nhà có cho bắn không thì lỡ cơ hội”. Đó là một phát ngôn phản ánh tính cách cá nhân thẳng tuột của một quan chức phụ trách một ngành cực kỳ khó khăn, nhưng cũng nói lên yêu cầu về tính quyết đoán và trách nhiệm cá nhân của bộ trưởng một ngành.

Khái niệm “tư lệnh ngành” từng được một quan chức cao cấp đưa ra, nay được nhấn mạnh hơn. Cái yêu cầu toàn quyền quyết định chiến đấu không chỉ của một ông Bộ trưởng GTVT mà phải là của tất cả các bộ trưởng các ngành, trong đó có ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch.

Những ngày đầu xuân năm mới này có lẽ cũng là lúc mà ngành VH-TT-DL được chờ đợi nhiều nhất. Bởi tháng giêng cũng là tháng của các lễ hội, phản chiếu những sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tập tục của các dân tộc. Mùa lễ hội năm nay, mặc dù ngành VH-TT-DL đã có sự rút kinh nghiệm trong chỉ đạo về tổ chức và quản lý lễ hội, nhưng vẫn có những lễ hội không chỉ có tiếng khen, mà kèm đó không ít tiếng chê. Có điều, trong thời thế giới phẳng này, không hiểu sao tiếng lành thì đồn gần, mà tiếng dở lại đồn… rất xa.

Đó là sự khắc nghiệt của thời IT.

Và đó cũng là sự “chậm chân” với thời cuộc hiện đại của chính các lễ hội và của vị “tư lệnh ngành”.

Bởi ở thời hiện đại, nhất là khi nước Việt hội nhập, tiếp cận văn minh nhân loại, thì không ít tập tục, lễ hội mang tính chất nguyên thủy, thậm chí là hủ tục, chắc chắn và cần thiết phải được điều chỉnh, để lễ hội vẫn giữ được sự linh thiêng mà lại nhân ái thái hòa, đem lại sự bình an cho con người và tâm lý đời sống.

Tiếc thay, một số lễ hội để lại tai tiếng không những đã “chậm chân” trong tiếp cận với văn minh hiện đại, mà còn biến tướng rất phản cảm, phản chiếu tâm lý trục lợi, thương mại hóa của các nhà tổ chức. Tâm lý đó lại gặp tâm lý cầu may của người tham dự, đã biến lễ hội, từ tập quán văn hóa đẹp thành hiện tượng phản văn hóa, lệch lạc đáng buồn và xấu hổ.

Tiếc thay nữa, “tư lệnh ngành” VH-TT-DL cũng lại “chậm chân” - im hơi lặng tiếng - trong khi lẽ ra phải “toàn quyền quyết định chiến đấu”, xử lý và chỉ đạo những hiện tượng phản cảm, thậm chí tàn bạo của một số lễ hội bị dư luận xã hội lên án, phản đối. Dư âm của một số lễ hội tai tiếng đó do vậy thành công thì ít, thất bại luôn có phần.

Tại cuộc làm việc kiểm tra của Tổ Công tác của Thủ tướng tại Bộ VH-TT-DL sáng 14.2, khi nói về việc quản lý lễ hội của Bộ VH-TT-DL, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã bộc bạch: "Sáng nay Thủ tướng gọi tôi nói, nếu Bộ trưởng ngại lên tiếng thì báo cáo Thủ tướng lên tiếng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng truyền đạt ý kiến yêu cầu giải trình 05 vấn đề, trong đó có nội dung liên quan đến lễ hội với những biến tướng diễn ra” (VietNamNet, 14.2).

Dư luận xã hội hẳn chưa quên vụ quán café Xin Chào ở huyện Bình Chánh, TP. HCM, một vụ việc lẽ ra chỉ cần nhắc nhở và xử phạt hành chính, đã suýt biến thành một vụ án hình sự kinh tế nếu không có sự can thiệp rốt ráo, kịp thời của TT Nguyễn Xuân Phúc. Bởi vụ việc này nếu không xử lý đúng, sẽ ảnh hưởng tai hại vô cùng tới việc tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân - một chủ trương quan trọng vừa được triển khai quyết liệt lúc bấy giờ.

Việc can thiệp kịp thời của người đứng đầu Chính phủ là đúng đắn. Nhưng cũng đồng thời cho thấy sự “chậm chân”, sự trì trệ trong phản xạ quản lý của những “tư lệnh” lớn, nhỏ, vừa vừa…, tùy sự phân công, phân cấp quản lý trách nhiệm theo quy định nhà nước.

Hơn nữa, nếu việc nào người đứng đầu Chính phủ cũng phải lên tiếng, can thiệp rốt ráo, thì rốt cuộc, các “tư lệnh” ngành sinh ra để làm gì? Chả lẽ khi có vụ việc xảy ra thuộc ngành mình, lại để Thủ tướng lên tiếng.

Mà phong cách các tư lệnh kiểu đó rất cũ. Cũ như cách đây hai năm, ông Phạm Viết Muôn (Phó Chủ nhiệm VPCP lúc đó) cho biết, tình trạng các địa phương, bộ, ngành “đùn” việc lên Thủ tướng diễn ra hằng ngày, kể cả những vụ việc chỉ thuộc cấp quận - huyện, hoàn toàn nằm trong tầm tay xử lý của các cấp. Có những việc nghe đã thấy ngỡ ngàng, tỉ như tỉnh Quảng Nam xin ý kiến về nợ tiền thuế của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu; vụ lấp sông ở Đồng Nai, chặt cây xanh ở Hà Nội, hay điểm nuôi dạy trẻ nhà Hạnh Phúc ở TP HCM (Người Lao động, 23.7.2015).

Nhiều. Nhiều lắm. Chả lẽ những việc cụ thể đó vượt quá năng lực của các cấp có trách nhiệm?

Bản chất của các hiện tượng “đùn đẩy” lên TT giải quyết, mặc dù lẽ ra nó thuộc thẩm quyền của cơ sở, là gì nếu không phải rơi vào bốn tiêu chí sau? Hoặc năng lực nhận thức và xử lý công việc hạn chế, yếu kém. Hoặc không nắm được thẩm quyền. Hoặc không muốn mất lòng cơ sở, để còn “bảo toàn” phiếu bầu. Hoặc là né tránh trách nhiệm. Trong bốn tiêu chí đó, người viết cho rằng, sự né tránh trách nhiệm có lẽ là bản chất nhất. Bởi đã ở cương vị quản lý, lãnh đạo nhất định, họ đều phải trải qua những năm tháng đào tạo có kiến thức từ chuyên môn đến chính trị, đến quản lý hành chính, v.v... và v.v...

Sự né tránh trách nhiệm thật ra cũng không phải là hiếm ở các cấp quản lý cơ sở, ở các ngành, các lĩnh vực. Nhưng sự né tránh trách nhiệm ở cấp quản lý vĩ mô khi cần “toàn quyền quyết định chiến đấu” sẽ tác động không nhỏ tới cuộc sống. Địa phương làm sai vẫn ung dung tin mình làm đúng. Kẻ cơ hội, trục lợi ung dung làm điều xằng bậy. Sự rối loạn các giá trị cũng vì thế dễ xảy ra, bởi trắng đen lẫn lộn.

Sự né tránh trách nhiệm có khi thể hiện ở sự “đùn đẩy”, mà cũng có khi thể hiện ở sự “chậm chân”, “ngại lên tiếng”.

Nhưng cứ tư lệnh nào cũng “né tránh”, “đùn đẩy”, “ngại lên tiếng” thì cơ sở sẽ ra sao?

Trong khi Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt hướng tới mục tiêu một Chính phủ kiến tạo, gần dân vì dân, một chính phủ hành động, mà các tư lệnh đến lời nói còn “ngủ đông” thì sự hành động hẳn… mơ về nơi xa lắm?

Kỳ Duyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
39 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Tư lệnh ngành' và... Thủ tướng