Kêu cứu đến báo điện tử Một Thế Giới, gia đình chính sách Lê Thị Ơi (sinh năm 1942), một nữ giao liên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì cho biết: Hiện tại, gia đình bà Lê Thị Ơi đang phải sống trong nỗi lo sợ vì không biết lúc nào sẽ bị “đuổi” ra khỏi mảnh đất mà gia đình đã cư ngụ hơn 30 năm nay vì quyết định cưỡng chế của UBND TP.Rạch Giá.

Từ một vụ tranh chấp đất ở Rạch Giá: Nguồn gốc đất mập mờ vẫn được cấp sổ đỏ?

Ngọc Thạnh | 20/06/2017, 17:15

Kêu cứu đến báo điện tử Một Thế Giới, gia đình chính sách Lê Thị Ơi (sinh năm 1942), một nữ giao liên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì cho biết: Hiện tại, gia đình bà Lê Thị Ơi đang phải sống trong nỗi lo sợ vì không biết lúc nào sẽ bị “đuổi” ra khỏi mảnh đất mà gia đình đã cư ngụ hơn 30 năm nay vì quyết định cưỡng chế của UBND TP.Rạch Giá.

Những trình bày của gia đình bà Ơi về nguồn gốc mảnh đất

Chị Quách Thị Kim Hương, con gái bà Ơi, đồng thời là người được bà Ơi ủy quyền để khiếu nại trình bày cho biết:

Năm 1978, gia đình tôi đi ở đậu (ở nhờ) nhà ông Trần Ngọc Anh, cạnh hồ cá, đồng thời trông chừng hồ cá cho ông Anh và đi làm thuê cho nhà ông Đoàn Thành Nghiệp (Mười Nghiệp).

Năm 1982, ông Trần Ngọc Anh thấy thương gia đình nên bán lại cho gia đình tôi 01 nền đất giáp ranh hồ cá để dựng chòi lá ở với giá 4 ngàn đồng. Sự việc này có nhiều người làm chứng và xác nhận cho gia đình.

Thời gian sau, vợ ông Trần Ngọc Anh bán hồ cá (hồ cá gia đình bà Ơi trông coi) cho ông Nguyễn Hùng Dũng (ngụ 401/2 Mạc Cửu, P.Vĩnh Quang) với giá 3.600.000 đồng nhưng lại bao gồm cả nền đất lúc trước đã bán cho gia đình tôi.

Khi ấy, ông Dũng ngỏ ý mua luôn nền đất này của nhà tôi thì gia đình không đồng ý. Sau đó, mẹ tôi là bà Ơi và ông Dũng có hòa giải với nhau tại trụ sở khu phố và ông Dũng đồng ý để lại hồ cá cho gia đình với điều kiện gia đình tôi phải trả lại 3.600.000 đồng ông đã bỏ ra để mua đất từ vợ ông Trần Ngọc Anh.

Thời điểm đó, gia đình bà Ơi đang làm thuê cho nhà ông Mười Nghiệp, nên có qua nhờ ông Đoàn Thành Nghiệp cho mượn tiền để mua lại hồ cá từ ông Dũng thì ông Mười Nghiệp đồng ý và nói với gia đình bà Ơi là đang khổ thì cứ lấy, khi nào có thì đưa. Thời gian này, gia đình bà Ơi vẫn đang làm thuê cho ông Nghiệp.

Khi có đủ tiền, mẹ tôi và ông Dũng cùng lên UBND phường để làm thủ tục giao nhận số tiền trên. Sự việc này còn có ông Lê Văn Ba làm chứng.

Đến năm 1996, UBND phường Vĩnh Thanh thông báo, ai có đất thì ra kê khai đăng ký làm giấy chứng nhận sử dụng đất. Mẹ tôi mới lên phường để làm thủ tục thì phát hiện mảnh đất của gia đình đã bị ông Đoàn Thành Nghiệp đăng ký từ trước đó. Do đó, gia đình tôi làm đơn khiếu nại lên cơ quan chính về việc ông Mười Nghiệp đăng ký sử dụng đất của gia đình.

Quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất của cơ quan chức năng

Năm 1997, ông Đoàn Thành Nghiệp đưa ra một giấy thỏa thuận giữa ông và ông Quách Thiện Tâm chồng bà Ơi về việc ông Tâm có nhận 3.600.000 đồng để san lấp hồ cá. Giấy thỏa thuận được viết vào ngày 6.7.1997.

Ngày 10.6.1998, UBND thị xã Rạch Giá (nay là TP.Rạch Giá) ra Quyết định giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Ơi số 183/QĐ-UB, quyết định thừa nhận ông Đoàn Thành Nghiệp là người sử dụng mảnh đất trên; Vợ chồng bà Ơi phải di dời nhà trả đất cho ông Nghiệp trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày ký quyết định.

Giấy biên nhận giữa ông Tâm (chồng bà Ơi) và ông Nghiệp về việc nhận 3.600.000 đồng

Ngày 27.7.2000, Chánh thanh tra tỉnh Kiên Giang ra Quyết định số 121/QĐ – TTr, công nhận Quyết định số 183/QĐ – UB của UBND thị xã Rạch Giá. Trong quyết định này thể hiện: “ông Quách Thiện Tâm (chồng bà Ơi) có viết giấy biên nhận và tờ cam kết cùng ngày 27.7.1992 về việc nhận số tiền 3.600.000 đồng để chuyển nhượng giùm đất ao cá và bờ tiếp dừa cho ông Nghiệp, nhưng gia đình bà Ơi vẫn tiếp tục ở và có bồi đắp thêm phần đất nên sử sử dụng đến nay, diện tích thực tế là 12,3m x 12m = 147,6m2”.

Quyết định số 121/QĐ – TTr Chánh thanh tra tỉnh Kiên Giang còn nêu ngoài giấy biên nhận còn có tờ cam kết(?).

Ngày 21.9.2000, UBND thị xã Rạch Giá ra Quyết định số 937/QĐ-UB, quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết khiếu nại với gia đình bà Ơi vì lý do không chấp hành Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh Thanh tra tỉnh Kiên Giang. Buộc bà Lê Thị Ơi phải tháo dỡ di dời nhà giao trả diện tích 704,53m2 cho ông Đoàn Thành Nghiệp quản lý sử dụng.

Năm 2004, ông Đoàn Thành Nghiệp và vợ là bà Lâm Ngọc Điệp được UBND thị xã Rạch Giá cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất đang có tranh chấp giữa bà Ơi và ông Nghiệp cho ông Nghiệp có tổng diện tích là 704.53m2.

Ngày 26.10.2012, UBND tỉnh Kiên Giang có công văn số 1292/UBND-NCPC, xem xét đơn khiếu nại của bà Ơi, tuy nhiên vẫn công nhận quyền sử dụng đất trên là của ông Nghiệp.

Ngày 6.6.2017, Phó chủ tịch UBND TP.Rạch Giá Nguyễn Văn Hôn ra Quyết định số 250/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Ơi, buộc gia đình bà Ơi phải di dời nhà ra khỏi diện tích đất ở 26,40m2, trả lại cho ông Đoàn Thành Nghiệp và bà Lâm Ngọc Diệp.

Gia đình bà Ơi còn cho biết thêm, trong quá trình gửi đơn thư khiếu nại về tranh chấp đất, gia đình bà cũng có gửi đơn lên Tòa án thị xã Rạch Giá để khiếu nại, khi tòa yêu cầu đóng án phí thì vì gia đình quá khó khăn nên không có tiền để đóng. Do vậy, tòa án không thụ lý hồ sơ vụ việc.

Qua quá trình giải quyết khiếu nại tranh chấp đất của các cơ quan chức năng TP.Rạch Giá ta có thể thấy, trong xuyên suốt quá trình giải quyết tranh chấp, thì gia đình bà Ơi dường bị “lép vế” hoàn toàn so với ông Đoàn Thành Nghiệp(?). Trong các quyết định của cơ quan chức năng thị xã Rạch Giá gần như đã công nhận ông Đoàn Thành Nghiệp là chủ sở hữu của khu đất. Trong khi đó, gia đình bà Ơi luôn khẳng định đất này là do gia đình mượn tiền ông Nghiệp để mua?

Không để người có công mất đất chỉ vì một tờ giấy “mập mờ”

Trao đổi với Luật sư Đặng Anh Đức – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, Luật sư cho biết: Mấu chốt của vụ việc này là Giấy thỏa thuận của ông Quách Thiện Tâm - chồng bà Ơi về việc nhận số tiền 3.600.000 đồng của ông Nghiệp để mua đất năm 1992. Tuy nhiên, Giấy thỏa thuận của ông Quách Thiện Tâm và ông Đoàn Thành Nghiệp không hề có nội dung thể hiện việc ông Nghiệp nhờ ông Tâm mua giúp mảnh đất. Khi đất đang tranh chấp, cơ quan có thẩm quyền địa phương lại lấy tờ giấy thỏa thuận này làm cơ sở để cấp GCNQSDĐ này cho ông Đoàn Thành Nghiệp là vội vàng, có dấu hiệu vi phạm quy định tại Khoản 5, Điều 50 Luật đất đai 2003. Do vậy, cần phải xem lại tính hợp lệ, hợp pháp của việc cấp GCNQSDĐ này.

Ngoài ra, trong quyết định số 121/QĐ – TTr của Chánh Thanh tra tỉnh Kiên Giang có nêu: ông Quách Thiện Tâm (chồng bà Ơi) có viết giấy biên nhận và tờ cam kết cùng ngày 27.7.1992 về việc nhận số tiền 3.600.000 đồng để chuyển nhượng giùm đất ao cá và bờ tiếp dừa cho ông Nghiệp. Thực tế, vợ chồng bà Ơi, ông Tâm không ai biết chữ và giấy biên nhận ông tâm có nhận 3.600.000 đồng từ ông Nghiệp lại được viết vào ngày 6.7.1997(?). Thiết nghĩ rất cần làm rõ thực hư sự tồn tại của tờ giấy cam kết đã nêu ra này?

Cũng theo luật sư Đặng Anh Đức, cơ quan chức năng TP.Rạch Giá nên thu hồi GCNQSDĐ đã cấp để điều tra, xác minh nguồn gốc đất, tránh oan sai cho người dân. Nhất là trong trường hợp này, gia đình bà Lê Thị Ơi rất nghèo khổ, các con không biết chữ, có con tật nguyền. Bà Ơi lại là người có công với cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì.

“Nếu vội vàng xử phạt hành chính, cưỡng chế một gia đình hội tụ gần như mọi yếu tố rất đáng thương, rất cần được giúp đỡ: gia đình chính sách, nghèo khổ, mù chữ, mẹ và con khuyết tật… khi chưa điều tra làm rõ về nguồn gốc đất, quy trình, quy định cấp GCNQSDĐ đối với mảnh đất họ cư trú lâu dài, có lẽ là hơi bất nhẫn”, luật sư Đức nói.

Clip ghi nhận về hoàn cảnh sống của cụ bà Lê Thị Ơi tại nền đất đang bị tranh chấp

Ngọc Thạnh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ một vụ tranh chấp đất ở Rạch Giá: Nguồn gốc đất mập mờ vẫn được cấp sổ đỏ?