Trong những ngày gần đây, báo chí Việt Nam đăng tin việc một số phụ nữ người nước ngoài bị sàm sỡ tại khu vực quanh Hồ Tây.
Phần lớn các nạn nhân người nước ngoài bị sàm sỡ đều bày tỏ sự bức xúc và cảm thấy bất an khi đi bộ ra ngoài. Đó cũng là lý do khiến cho thời gian gần đây, những khu vực “phố Tây” trong quận Tây Hồ ngày càng vắng bóng nhiều người nước ngoài đi dạo?
Trên VOV, A.P (21 tuổi, quốc tịch Anh, sống tại Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Chiều 16.2, cô cùng 3 người bạn nữ đang đi bộ trên phố Quảng An thì xuất hiện 4 thanh niên trên 2 xe máy đi qua.
“Hai người trong số họ vòng lại và tiến thẳng đến chúng tôi. Nhóm bạn của tôi hoảng sợ bỏ chạy lên phía trước. Tôi chạy sau thì bị thanh niên ngồi sau xe máy dùng tay bóp cổ và sau đó tấn công vào ngực tôi”. - Chị A.P kể lại. Hiện, A.P đang là giáo viên tại Hà Nội. Sau sự cố, cô cho biết mình rất sợ hãi khi phải đi ra đường và đang tìm cách đặt vé để quay về nước Anh.
Thậm chí, có những người còn bị tấn công 2 lần. Điển hình như trường hợp của chị K.M.C (25 tuổi, quốc tịch Ireland, sống tại Tây Hồ). Chị K.M.C cho biết: “Tôi bị tấn công hai lần. Một lần khi đang đi bộ và một lần dắt chó đi dạo. Đó là nhóm những thanh thiếu niên đi xe máy, tấn công tôi vào bộ phận nhạy cảm và sau đó rời đi với những lời tục tĩu”.
Trước đó, group của người nước ngoài đã phản ánh tình trạng này và Đại sứ quán Anh phải ra thông báo cảnh báo công dân.
Bộ Ngoại giao nước ta cũng đã phải lên tiếng. Chiều 25.2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã được đề nghị nêu bình luận về việc Đại sứ quán Anh tại Việt Nam mới đây đã gửi cảnh báo đến các công dân của họ về việc số vụ tấn công người nước ngoài gia tăng đáng kể tại Hà Nội.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã trao đổi với Đại sứ quán Anh tại Hà Nội để làm rõ thông tin được Đại sứ quán đăng tải. Bộ Ngoại giao cũng đã trao đổi với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xác minh thông tin và cùng xử lý sự việc được phía Anh đề cập đến.
Dư luận trong nước vô cùng bức xúc. Thông tin người nước ngoài bị sàm sỡ đã làm tổn hại hình ảnh của một Việt Nam thân thiện hiếu khách, của một Hà Nội lịch sự văn minh. Rõ ràng, những kẻ gây tai tiếng trên chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, đi ngược lại đạo lý dân tộc, làm hoen ố phẩm cách của người Việt Nam.
Tâm trạng chung của nhiều người là nhanh chóng tìm ra những con sâu làm rầu nồi canh này để nghiêm trị, để cho thế giới thấy Việt Nam quyết tâm đảm bảo an toàn cho mọi người, đặc biệt là du khách quốc tế. Quan trọng hơn, việc trừng trị nghiêm khắc sẽ là thứ cảnh tỉnh cho những con sâu khác.
Tuy nhiên, khi tóm được những con sâu này thì sao? Hành vi quấy rối theo pháp luật hiện hành không bị đưa vào một trong các hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, người quấy rối nơi công cộng sẽ bị xử phạt hành chính từ 100.000 - 300.000 đồng tức là khoảng 4-12 USD (báo nước ngoài sẽ chuyển sang đơn vị USD cho độc giả quốc tế dễ hình dung).
Con số này phải chăng quá thấp? Nhưng nó đã từng được áp dụng trong vụ việc cách đây 2 năm khi Công an Q.Thanh Xuân (Hà Nội) ra quyết định xử phạt đối với Đ.M.H (31 tuổi, quê tại Hải Phòng) 200.000 đồng về hành vi sàm sỡ 1 cô gái trong thang máy.
Mức phạt quá thấp này trở thành đề tài của không ít chuyện tiếu lâm. Và đối với những kẻ có hành vi sàm sỡ ở Hồ Tây thì mức phạt 200.000 không phải là sự răn đe mà ngược lại có thể khiến chúng nghĩ rằng “cùng lắm là bị phạt 200.000”.
Vụ sàm sỡ ở Thanh Xuân đã trôi qua 2 năm nhưng trong hơn 700 ngày đó, không có sự thay đổi nào với mức phạt như trò đùa này. Giá như sau vụ kẻ sàm sỡ trong thang máy hồi tháng 3.2019 mà chúng ta có chế tài mạnh hơn với hình thức gây rối này, thậm chí dùng luật hình sự thì đã không có việc mà Bộ Ngoại giao phải lên tiếng như vừa qua. Cần phải thay đổi, muộn còn hơn là chần chừ thêm nữa.