Việc Trung Quốc bắt cựu lãnh đạo Cảnh sát Quốc tế - Interpol - Mạnh Hoành Vĩ chính là hoàn tất việc thay dần dàn cán bộ công an cấp cao, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 14.10.
Lực lượng “đao bả tử” là nòng cốt bảo vệ lãnh đạo đảng
Các nhà phân tích nói việc thay toàn bộ các cán bộ cấp cao Bộ Công an Trung Quốc phản ánh việc lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) xem trọng tầm quan trọng chính trị của lực lượng công an 2 triệu người, mà ông Tập Cận Bình thừa hưởng cách đây 5 năm.
Theo Quan điểm của CPC, công an là một lực lượng nòng cốt của “đao bả tử”, một cách nói ẩn dụ để chỉ Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương CPC (còn gọi là Ủy ban Chính pháp Trung ương), là cơ quan giám sát toàn bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật Trung Quốc gồm cả các kiểm sát viên.
Năm 1926, phát biểu tại Quảng Châu, lãnh đạo cách mạng Mao Trạch Đông nói: “Cách mạng là dao đấu với dao, súng đấu với súng. Để lật đổ phong kiến, chúng ta phải lập quân đội nông dân. Nếu trong tay chúng ta không có đao bả tử thì sẽ hỗn loạn”.
Nhà phân tích chính trị Trần Đạo Ấn, thuộc Học viện Chính pháp Thượng Hải, nói cụcan ninh chính trị “đao bả tử” đã được thành lập sau khi CPC ra đời năm 1921, và sau này trở thành Bộ Công an Trung Quốc.
Ông nói: “Cơ quan này thụ hưởng một quy chế đặc biệt trong chính trị Trung Quốc, với nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ an ninh nội bộ, nhất là bảo vệ lãnh đạo đảng. Đấy là lý do tại sao sự trung thành với lãnh đạo cấp cao là một nhiệm vụ trọng tâm của bất kỳ ai làm lãnh đạo ngành công an.
Ông Steve Tsang, chủ nhiệm Viện SOAS China (ở Hồng Kông) và là tác giả cuốn sách “Trung Quốc thời đại Tập Cận Bình”, nói điều chính yếu trong Tư tưởng Tập Cận Bình là củng cố quyền kiểm soát của đảng”.
Theo SCMP, vài chục năm gần đây, lãnh đạo cấp cao CPC liên tục khẳng định quân đội là “thuốc súng” của đảng và nhân dân Trung Quốc, các cơ quan chính trị và pháp luật là “đao bả tử”, nói hai lực lượng này đều là nòng cốt của chế độ.
Bộ Công an Trung Quốc có 8 Thứ trưởng
Tại một cuộc họp, Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại việc cần bảo đảm “đao bả tử” được đảng và nhân dân nắm chặt trong tay.Theo SCMP, khi ông Tập trở thành Chủ tịch nước năm 2013, lãnh đạo công an đều là tay chân thân tín của các chính khách nặng ký, gồm Chu Vĩnh Khang, người từng làm Bộ trưởng Công an trước khi làm lãnh đạo Ủy ban Chính pháp Trung ương trong tổng cộng 10 năm.
Trong thời gian đó, Bộ trưởng Công an Quách Thanh Côn được cho là đàn em của ông Tăng Khánh Hồng, cựu Phó Chủ tịch nhà nước Trung Quốc và có tầm ảnh hưởng mạnh.
Dưới quyền ông Quách là 8 Thứ trưởng: Dương Hoàn Ninh, Lý Đông Sinh, Lưu Kim Quốc, Mạnh Hoành Vĩ, Trương Tân Phong, Thái An Quí, Trần Chí Mẫn và Hoàng Minh. Còn có hai trợ lý Bộ trưởng Thị Tuấn và Lưu Ngạn Bình. Toàn bộ các cán bộ cấp cao này đều thuộc Đảng ủy Bộ Công an.
Khi ông Tập mở chiến dịch bài trừ tham nhũng “đả hổ đập ruồi”, Thứ trưởng Lý là lãnh đạo công an đầu tiên bị sa lưới. Ủy ban kiểm tra - kỷ luật trung ương (CCDI, trực thuộc CPC) điều tra tay chân của Chu vi phạm kỷ luật hồi cuối năm 2013, qua năm 2015 bị buộc tội tham nhũng và bị tuyên án 15 năm tù. Tháng 5.2015, Chu cũng bị kết án tù chung thân, vì tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và tiết lộ bí mật nhà nước.
Thứ trưởng Lý Đông Sinh khi còn tại chức - Ảnh: China Daily
Các năm sau đó, lần lượt các lãnh đạo công an rời khỏi Bộ, người được thăng hàm, người được điều đến các cơ quan đảng hoặc nhà nước, vài người nghỉ hưu hoặc bị cách chức:
Thứ trưởng Dương được điều làm Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát An toàn Lao động Quốc gia Trung Quốc (SAWS) trước khi bị cách chức vì vi phạm kỷ luật đảng. Ông chưa bị truy tố.
Thứ trưởng Lưu làm Phó Bí thư CCDI, còn Thứ trưởng Hoàng làm Bộ trưởng Điều hành tình trạng khẩn cấp (mới lập). Bộ trưởng Quách hoàn thành nhiệm kỳ 5 năm, hồi tháng 10 được chọn là 1 trong 25 ủy viên Bộ Chính trị và làm Chủ tịch Ủy ban Chính pháp Trung ương.
Thứ trưởng Mạnh là một trong ít cán bộ cấp cao tiếp tục ở lại Bộ Công an Trung Quốc, làm chỉ huy lực lượng Cảnh sát Biển hồi năm 2013, khi vụ tranh chấp chủ quyền Biển Đông và biển Hoa Đông bắt đầu nóng. Năm 2015, ông là người Trung Quốc làm lãnh đạo Interpol.
Trang web Bộ Công an Trung Quốc ngày 8.10 đã xóa bỏ tên và hàm Thứ trưởng của ông Mạnh, sau khi ông từ chức Tổng giám đốc Interpol.
Ủy ban Giám sát quốc gia xác nhận ông Mạnh bị điều tra vì nghi vi phạm pháp luật (không nói rõ tội danh) và sau đó Bộ trưởng Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí nói ông Mạnh bị nghi tham nhũng, là "tàn dư độc hại" của Chu. Vợ ông Mạnh, sống ở Pháp, đã phủ nhận các cáo buộc đối với chồng bà.
Thứ trưởng Vương Hoàn Ninh - Ảnh : SCMP
Ông Tập đề bạt thủ túc thân tín làm lãnh đạo “đao bả tử”
Trong 5 năm qua, nhiều cán bộ đến Bộ Công an rồi đi, như Giám đốc Sở Công an Bắc Kinh, ông Phó Chính Hoa (bị cho dính líu Chu) được thăng hàm Thứ trưởng năm 2013, rồi làm Bộ trưởng Tư pháp hồi tháng 3.2018.
Ông Thị Tuấn được phong làm Thứ trưởng hồi giữa năm 2017, rồi chuyển làm Phó Ban Mặt trận Thống nhất thuộc CPC hồi tháng 8.2018.
Giám đốc Sở Công an Bắc Kinh Phó Chính Hoa (giữa) đích thân đi tuần tra - Ảnh: SCMP
Các cán bộ lấp chỗ trống đều được cho là trung thành với trung ương, như ông Vương Tiểu Hồng được chỉ định làm Thứ trưởng hồi tháng 5.2016, và ông Đặng Vệ Bình làm trưởng ban kiểm tra - kỷ luật Bộ Công an (hàm Thứ trưởng) hồi đầu năm 2016.
Hai vị này từng làm việc nhiều năm dưới quyền ông Tập, khi ông Tập trở thành Bí thư Thành ủy Phúc Châu (thủ phủ tỉnh Phúc Kiến) hồi năm 1993.
Đến năm 1998, tức 3 năm sau khi ông Tập là Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến, ông Vương làm Giám đốc Sở Công an thành phố Phúc Châu, và Đặng làm lãnh đạo Sở An ninh quốc gia Phúc Châu.
Sau này, ông Vương là Giám đốc Sở Công an thành phố Hạ Môn (thuộc Phúc Kiến) từ năm 2011 đến 2013. Người thừa nhiệm ông ở thành phố biển này là Lâm Nhuệ được phong làm Thứ trưởng hồi tháng 6.2108.
Ông Hứa Cam Lộ, Phó Giám đốc Sở Công an Hạ Môn (từ 1988 đến 1992) cũng được làm Thứ trưởng hồi tháng 2018. Ông Tập từng là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Môn từ năm 1985 đến năm 1988.
Trong số cán bộ công an xuất thân từ tỉnh Phúc Kiến, ông Mạnh Kiến Trụ làm Thứ trưởng từ giữa năm 2015, trải qua hơn 20 năm công hiến ở ngành công an tỉnh Chiết Giang sau khi tốt nghiệp đại học năm 1985.
Ông từng làm Phó Giám đốc Sở Công an Chiết Giang từ năm 2005 đến 2007, khi ông Tập là Bí thư tỉnh ủy.
Bảo Vĩnh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)