Ngày 30.10, UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp cùng Trường đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) phân hiệu Vĩnh Long tổ chức Hội thảo Chính sách thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) ở ĐBSCL.
Hội thảo thu hút nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ các viện, trường và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương vùng ĐBSCL thảo luận, hiến kế và chỉ ra nhiều thách thức hiện tại và trong tương lai của vùng ĐBSCL do ảnh hưởng của BĐKH.
Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý cho các ngành trung ương, Chính phủ và địa phương ban hành các chính sách phù hợp để thích nghi BĐKH.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về BĐKH Trường đại học Cần Thơ, ĐBSCL là nơi cư trú và sản xuất của gần 20 triệu người dân, mỗi năm góp khoảng 28 triệu tấn lương thực, thực phẩm cho cả nước. Trong đó chủ yếu là lúa gạo, tôm cá, trái cây và rau màu…
Ông cho biết vùng đất này chỉ có cao độ trung bình 1,2 - 1,5 mét so với mực nước biển. Song, ĐBSCL còn đang chịu tác động lớn của hai vấn đề, một là dòng chảy vùng thượng nguồn Mekong, hai là tình trạng nước biển dâng, ngập mặn…
“Từ tháng 8 đến tháng 10 thì ngập lũ, còn tháng 1 đến tháng 4 thì xâm nhập mặn, hạn hán. Đến cuối thế kỷ này theo kịch bản dự đoán nước biển dâng trung bình từ 50 - 70 cm thì sẽ có ít nhất 25 % diện tích đất nông nghiệp vùng ven biển sẽ chìm ngập, 75 % diện tích canh tác sẽ bị nhiễm mặn vào mùa khô và khoảng một nửa diện tích khu vực thậm chí nhiễm mặn vào mùa mưa nên khó có thể trồng lúa”, ông Tuấn chỉ ra thách thức nghiêm trọng của vùng ĐBSCL.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Thắng - Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH (Bộ TN-MT): “Theo kịch bản BĐKH đến năm 2030 mực nước biển sẽ dâng thêm 17 cm; đến năm 2100, con số này sẽ là 75 đến 100 cm. Nếu theo đúng kịch bản dự báo đến năm 2030, sản lượng lúa vùng ĐBSCL sẽ giảm hơn 700.000 tấn, đến năm 2050 thì con số này tăng lên hơn 1 triệu tấn. Trong dài hạn, việc này đáng rất lo ngại”.
PGS.TS Thắng cho rằng để ứng phó với các thách thức trên, vùng ĐBSCL phải tái cơ cấu lại cây trồng, tìm giải pháp thích nghi với BĐKH và cụ thể là phát triển các giống lúa có khả năng chịu lụt, mặn, nắng nóng… để phần nào giảm nhẹ tổn thất về đất đai, năng suất và sản lượng.
Theo nhóm nhà nghiên cứu Trường đại học Quốc gia TP.HCM, qua cuộc khảo sát nhóm người ở tỉnh An Giang cho thấy, người trong vùng này bị tổn thương do tình trạng BĐKH. Nhóm kiến nghị ba vấn đề:
- Thứ nhất là đa dạng hóa canh tác nông nghiệp để tránh rủi ro.
- Thứ hai cần có sự hỗ trợ kịp thời và liên tục của Chính phủ và các cơ quan liên quan như chọn giống, tiết kiệm nguồn nước và thay đổi mô hình canh tác.
- Cuối cùng là tình trạng tăng nhiệt độ, ô nhiễm nguồn nước, thiếu hụt phù sa cần được Nhà nước đưa vào hoạch định chính sách cho toàn vùng.