Thông tin này được nêu ra tại báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 do Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội công bố.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Nợ nước ngoài của Việt Nam gần chạm trần

23/10/2018, 05:41

Thông tin này được nêu ra tại báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 do Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội công bố.

Nợ nước ngoài đã sát ngưỡng 50% GDP - Ảnh minh họa

Nguồn thu ngân sách vẫn không bền vững

Theo báo cáo này, kết quả thu NSNN ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội như: tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7%GDP, thấp hơn mục tiêu 21%GDP đề ra; Nợ đọng thuế còn lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017.

Kết quả thu NSNN vượt dự toán là nhờ tăng thu từ dầu thô, từ đất và thu từ lợi nhuận còn lại của DNNN, tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, còn thực chất, thu từ các khu vực kinh tế hụt dự toán khá lớn.

Từ đó cho thấy, nguồn thu của NSNN chưa chắc chắn và bền vững, chưa khắc phục được những hạn chế, tồn tại đã được nêu từ những năm trước.

Về chi ngân sách, ước thực hiện chi cả năm tăng 2,6% (39,2 nghìn tỉ đồng) so với dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển tăng 4,7% (18,66 nghìn tỉ đồng) so với dự toán; chi thường xuyên tăng 1,3% (12,25 nghìn tỉ đồng) so với dự toán.

Trong khi đó, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN còn cao. Về cơ cấu chi thường xuyên trong tổng chi NSNN, số thực hiện năm 2017 là 64,68%, số đánh giá bổ sung là 62,46%; dự toán năm 2018 là 64,11%, ước thực hiện năm 2018 là 63,29%).

Trong lĩnh vực chi đầu tư phát triển, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tuy có tích cực hơn so với 2 năm trước nhưng vẫn còn chậm. Một số dự án chưa được thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư công nên phải điều chỉnh kế hoạch, giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn.

Những tồn tại, hạn chế trong những năm trước của một số dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT chưa được khắc phục...

Mỗi người gánh 34 triệu nợ công

So với kết quả của các năm trước (2016 là 63,7%GDP, năm 2017 là 61,4%), tỷ trọng nợ công/GDP có xu hướng giảm, kỳ hạn vay dài hơn, lãi suất thấp hơn, tỷ trọng vay trong nước cao hơn là một kết quả tích cực, có thể bảo đảm thực hiện mục tiêu của Quốc hội về chỉ tiêu nợ công của giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng và vay để trả nợ gốc hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Dư nợ công ước thực hiện năm 2017 là 3.128 nghìn tỉ đồng; ước năm 2018 là 3.409 nghìn tỉ đồng.

Nợ chính phủ ước thực hiện năm 2017 là 2.590 nghìn tỉ đồng, ước năm 2018 là 2.892 nghìn tỉ đồng. Vay để trả nợ gốc năm 2017 là 150,7 nghìn tỉ đồng; năm 2018 là 157,13 nghìn tỉ đồng; năm 2019 là 201,21 nghìn tỉ đồng.

Với con số nợ công như vậy, bình quân mỗi người Việt có thể gánh hơn 34 triệu đồng nợ công năm nay, tăng gần 3 triệu đồng mỗi người so với năm 2017 (mức 31,28 triệu đồng)

Chính phủ dự kiến bội chi NSNN năm 2019 khoảng 3,6% GDP, giảm 0,1% GDP so với năm 2018. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, trong bối cảnh khả năng tăng thu NSNN còn khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư lớn, nhiều nhiệm vụ chi cần được bảo đảm thì việc giữ mức bội chi thấp hơn năm 2017 là tích cực. Do đó, cơ bản tán thành với phương án Chính phủ trình.

Về nợ công, ủy ban này nhận thấy, tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây, song nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia lại xu hướng tăng lên, đặc biệt nợ nước ngoài của quốc gia đã dần tới mức trần cho phép (50%GDP).

Điều này cho thấy, mặc dù các chỉ tiêu này vẫn trong giới hạn cho phép, song vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Do vậy, đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm các biện pháp đã đề ra để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Chính phủ xây dựng dự toán thu NSNN năm 2019 tăng 3,9% so với ước thực hiện năm 2018 là mức tăng tương đối thấp so với mấy năm gần đây, phản ánh sự khó khăn trong việc huy động nguồn thu và bảo đảm cân đối NSNN.

Năm 2019, chi thường xuyên là 63,8%

Chính phủ dự kiến xây dựng thu nội địa (không bao gồm thu từ đất, xổ số kiến thiết, từ bán bớt vốn Nhà nước, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi ngân hàng nhà nước) tăng 12,8% so với ước thực hiện năm 2018; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng lên mức 83,2%.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ từ năm 2019 đưa 32% tiền lãi dầu khí của nước chủ nhà (từ năm 2018 trở về trước đầu tư trở lại cho PVN) và 30% lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Vietel vào ngân sách trung ương.

Về thu từ dầu thô, Chính phủ dự kiến khoảng 44,6 nghìn tỉ đồng, giảm 10,4 nghìn tỉ đồng so với ước thực hiện năm 2018 trên cơ sở sản lượng 10,43 triệu tấn, mức giá dự kiến 65USD/Thùng.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy sản lượng khai thác có xu hướng giảm dần qua các năm (năm 2017 ước thực hiện 13,28 triệu tấn, năm 2018: 11,76 triệu tấn). Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về sự sụt giảm sản lượng tại các mỏ khai thác, dự kiến trữ lượng và kế hoạch khai thác trong các năm tiếp theo.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu thô sẽ ở mức 60-75USD/thùng. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Chính phủ dự kiến mức giá 65USD/thùng là mức an toàn, tránh bị động khi có rủi ro sụt giảm giá do ảnh hưởng của yếu tố chính trị, thị trường trên thế giới như một số năm trước, đồng thời, cũng tạo dư địa thu cho ngân sách trung ương.

Về dự toán chi NSNN năm 2019, tỷ trọng chi thường xuyên dự kiến khoảng 63,8% tổng chi (thấp hơn dự toán năm 2018 với 64,1%), tỷ trọng chi đầu tư là 26,3% (cao hơn dự toán năm 2018 là 26,2%). Sự chuyển biến của tỷ lệ này tuy còn rất khiêm tốn, nhưng đã góp phần bảo đảm mục tiêu cơ cấu chi đầu tư - chi thường xuyên theo Nghị quyết của Quốc hội.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Nợ nước ngoài của Việt Nam gần chạm trần