V- League tròn 15 tuổi nhưng chất lượng không được cải thiện mà ngày càng đi xuống và thêm nhiều bất cập. Những nhà điều hành giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam đã có được những con người mới nào cho để hành tranh bước vào con đường chuyên nghiệp?
Chẳng có ai cả, cũng những con người ấy, khi bị dư luận chỉ trích gì thì tạm lánh vào hậu trường, khi dư luận yên ổn lại lộ mặt với vai trò mới ghế mới cao hơn. Bóng đá chuyên nghiệp đòi hỏi những con người điều hành không ngừng học hỏi làm mới mình, sang nước có nền bóng đá tiên tiến học hỏi không ngừng, cập nhật các thông tin mang tính kiến thức về.
Tất nhiên một khi như thế thì đội tuyển quốc gia của họ lại càng mạnh lên. Và bây gờ đây bóng đá Nhật Bản đứng hàng đầu châu lục.
Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan bứt đi nhờ “tổng công trình sư” Ong Art- Kosingkha sang Anh học cách làm bóng đá và về điều hành bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan. Bây giờ đây Ong Art-Kosingkha là chủ tịch giải Thai - League phát triển cực nhanh, bền vững và điều quan trọng hàng đầu là bóng đá có lãi, lãi ròng chiếm 50% doanh thu của tất cả các CLB chuyên nghiệp Thái Lan.
Cùng với đó là các tuyến đội tuyển Thái Lan không ngừng lớn mạnh và đang tiếp cận đẳng cấp châu lục.
Điều đáng nói là Thai- League ra đời sau Việt Nam. Nếu như V- League ra đời năm 2001 thì Thai- League mãi đến năm 2005 mới ra đời. Nhưng phiên bản thứ nhất gặp lỗi rất nhiều. Người Thái hoãn lại. Bên cạnh đó ông Ong Art- Kosingkha rời ghế Tổng thư ký LĐBĐ Thái Lan (FAT) miệt mài sang Anh học làm bóng đá chuyên nghiệp. Trở về ông ngồi vào ghế chủ tịch Thai- League để điều hành. Khi những CLB vùng sâu vùng xa của Thái Lan như Khon- Kaen gặp khó, ông lại “từ quan” về giám đốc CLB này và vực dậy. Hai năm, CLB này có sân mới, khán giả đông lên, ông lại trở lại ghế chủ tịch Thai- League của mình để điều hành.
Còn với V-League, sau 15 năm không có dấu hiệu tiến bộ mà ngày càng thụt lùi. Sự thụt lùi khủng khiếp nhất là quy chế bóng đá chuyên nghiệp, lẫn Quy định kỷ luật và vừa qua vụ Quế Ngọc Hải đã tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí và cả giới luật sư của Việt Nam…
Con người điều hành từ CLB đến Ban tổ chức giải, VFF đều là những gương mặt cũ kỹ, chẳng thấy một nhà chuyên môn giỏi lèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam đi đúng hướng được. Cùng với đó là những kẻ cơ hội xuất hiện và trục lợi.
Những lần dẫn người sang Nhật học hỏi làm bóng đá chuyên nghiệp thật ra chỉ là những chuyến “cỡi ngựa xem hoa”, đi du lịch thết đãi nhau thôi. Đi vài ngày thì học hỏi được gì. Trong khi đó để học hỏi một nền bóng đá chuyên nghiệp thì phải có sự dấn thân dài hạn cùng sự trăn trở, tìm tòi.
Cứ kiểu này bóng đá chuyên nghiệp sẽ không thể tiến bộ được vì chẳng có con người chuyên nghiệp điều hành thì làm sao có nền bóng đá chuyên nghiệp.
TÚ ÂN