Trong thời gian nghỉ tránh dịch COVID-19 nhiều trường đã triển khai việc dạy học trực tuyến theo yêu cầu của Sở GD-ĐT, đây có lẽ là 1 trải nghiệm khá thú vị cho các em. Tuy nhiên, cũng có không ít những bất cập khi nhiều phụ huynh cho rằng học trực tuyến tại nhà có nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động khiến các em mất tập trung.
Sau thời gian triển khai việc học trực tuyến cho học sinh do dịch bệnh, nhiều trường học ở TP.HCM đã dạy học trực tuyến chương trình học kỳ 2 cho học sinh thông qua cổng thông tin của nhà trường. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra không hoàn toàn suôn sẻ khi đây là lần đầu tiên từ nhà trường, học sinh cho tới phụ huynh tiếp nhận phương thức học tập này. Các mắt xích kết nối còn chệch choạc do chưa có nhiều kinh nghiệm và điều kiện vật chất chưa đảm bảo.
Chị Thanh Thuỷ cho rằng học online chỉ giúp các con nắm kiến thức cơ bản, sự tập trung không cao.Học ở nhà nên tâm lý thoải mái, vẫn thích gì làm nấy. Cô giáo không kiểm soát được vì khi cô giảng bé ngồi vẫn nghịch đồ chơi, nhiều phụ huynh còn cho con ăn trong giờ học. "Đấy là chưa kể nhiều lúc đường truyền mạng không ổn định, bài giảng bị ngắt quãng. Bên cạnh đó, thời gian học không đủ so với quy định, chẳng hạn học tiếng anh 30 phút, thầy cho làm bài trên phần mềm nearpop, để hướng dẫn mấy chục bạn vào được phần mềm này cũng mất hơn 10 phút, vì không phải bạn nào cũng có phụ huynh ngồi cạnh chỉ bảo" - chị Thuỷ chia sẻ.
Cùng quan điểm với chị Thuỷ, chị Thu Hường có con học lớp 6 cũng tâm tư, con chị học trực tuyến được 1 tuần thì phải tạm ngưng vì hệ thống mạng bị lỗi, nhà trường đang khắc phục chắc cũng mất khoảng 1 tuần.
Không chỉ những vấn đề về đường truyền Internet hay sự mất tập trung của học trò mà nhiều thầy cô cũng gặp phải những tình huống hài hước, các em không thể tập trung được khi vừa học vừa bị bố mẹ sai việc nhà.
“Việc dạy, học trên internet trong bối cảnh học sinh không đến trường học tập trung là giải pháp cần thiết, hợp lý hiện nay. Tuy nhiên, môi trường kết nối mạng Internet, có cả âm thanh, hình ảnh trực tiếp. Vì vậy, ngoài nỗ lực của các thầy cô giáo xây dựng những bài giảng phù hợp, sinh động, thu hút học sinh thì các bậc phụ huynh cần tạo cho con em mình môi trường tốt nhất khi các em tham gia học tập theo hình thức này, nhất là tạo không gian, khu vực học tập riêng cho học sinh. Bởi một hành động, câu nói không chuẩn mực, có thể lọt âm thanh, hình ảnh vào, sẽ ảnh hưởng xấu đến cả lớp học”– một giáo viên tại TP.HCM trăn trở.
Em Thùy Linh, học sinh cấp 2 cũng bức xúc khi học qua mạng không phải ai cũng trật tự, nhiều gia đình không giữ ý thức trong giờ học trực tuyến của con em mình, đôi khi vẫn nghe tiếng quát tháo, tiếng truyền hình vọng vào gây mất tập trung cho nhiều học sinh khác.
Bởi vậy, “một trong những hạn chế của hình thức học trực tuyến cho học sinh tại nhà trong mùa dịch bệnh thì vai trò của phụ huynh khá quan trọng trong việc thúc đẩy tạo ra hiệu quả. Nếu phụ huynh không ủng hộ thì khó lòng tạo ý thức cho học sinh và động lực cho giáo viên” – cô M.T (giáo viên dạy toán) cho hay.
Một quan điểm khác của 1 phụ huynh có con học cấp 1 cho rằng “Việc học online chỉ nên áp dụng từ lớp 9-12 thôi vì chương trình khá nặng và các em cũng đủ lớn để có thể tự học. Còn các em tiểu học còn quá nhỏ”.
Thêm một khó khăn nữa trong quá trình dạy học trực tuyến là trang thiết bị của mỗi gia đình. Đây là lần đầu tiên các gia đình tiếp nhận phương pháp học tập này nên nhiều phụ huynh còn bỡ ngỡ. Không phải phụ huynh nào cũng thông thạo về Internethay điện thoại thông minh, có nhiều nhà chưa kịp sắm máy tính cho con nên việc học của con bị chậm trễ so với các bạn.
“Do chưa có quy định rõ ràng về một tiết dạy trực tuyến nên hiện mỗi nơi mỗi kiểu theo điều kiện sẵn có. Vì vậy, cần quy định thống nhất chung về cách tổ chức dạy trực tuyến, đánh giá tiết dạy, kiểm tra đánh giá học sinh, quản lý và tổ chức cũng như trách nhiệm các bên”– thầy D.T.T tâm tư.
Bên cạnh những tiện ích của việc học trực tuyến, giáo viên có thể sử dụng hình ảnh, âm thanh và video để truyền đạt nội dung học tập đến người học thêm hấp dẫn và sinh động hơn thì cũng có những nhược điểm như học sinh không có nhiều cơ hội học hỏi trao đổi thông tin với bạn bè. Môi trường học không kích thích được sự chủ động và sáng tạo của học sinh. Đặc biệt, một số giáo viên không quen với việc sửdụng mạng Internet nên điều này làm tăng khối lượng công việc cũng như áp lực cho giáo viên.
Qua đó cho thấy dù có cung cấp tính năng trao đổi trực tiếp giữa giáo viên và học sinh thông qua các phần mềm trò chuyện trực tuyến nhưng cũng không đầy đủ và sinh động bằng việc trao đổi như hình thức đào tạo truyền thống. Tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế, củng cố kiến thức cho học sinh trong thời gian dịch bệnh nên còn nhiều bất cập, chưa có kinh nghiệm. Bởi vậy, rất cần sự đồng lòng của học sinh và phụ huynh để việc dạy học online hiệu quả hơn.
Tú Viên