Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có ý kiến đối với Dự thảo Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình(sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP).
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 06 dự thảo, “các doanh nghiệp truyền hình trả tiền có hạ tầng mạng viễn thông”; “các kênh chương trình cả trong nước và nước ngoài” sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông “sắp xếp số lượng”.
Theo VCCI, đây là chính sách quản lý chưa rõ ở điểm: “sắp xếp số lượng” được hiểu như thế nào?
Nhiều băn khoăn việc sắp xếp số lượng
Có nghĩa Bộ sẽ xác định số lượng tối đa các doanh nghiệp truyền hình trả tiền có hạ tầng mạng viễn thông, các kênh chương trình cả trong nước và nước ngoài sẽ được phép tồn tại trên thị trường? Sẽ loại bỏ các doanh nghiệp truyền hình trả tiền có hạ tầng mạng viễn thông, các kênh chương trình?
“Nếu đúng thì Bộ dựa vào các tiêu chí nào để xác định số lượng tối đa? Dựa vào tiêu chí nào để loại bỏ doanh nghiệp nếu vượt quá số lượng tối đa? Doanh nghiệp bị loại bỏ (hoàn toàn không phải do vi phạm pháp luật) sẽ được bồi thường như thế nào?”, VCCI nêu.
Cũng theo cơ quan này, việc không mở rộng phạm vi và số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ đồng nghĩa với việc trên thị trường hiện tại chỉ có những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự đã được cấp phép. Những doanh nghiệp dù đáp ứng điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 12 Nghị định 06 cũng không được cấp giấy phép?
“Nếu đúng thì điều này mâu thuẫn với quy định của Luật Đầu tư về việc doanh nghiệp có quyền “Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm”. Đồng thời, điều này dường như đi ngược lại tiêu chí về xây dựng và thúc đẩy môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực này”, VCCI nói.
VCCI cũng nêu câu hỏi, việc “chấm dứt cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự theo nhu cầu thị trường” được thực hiện theo hình thức nào? Nếu là theo biện pháp hành chính thì đây là sự can thiệp trực tiếp vào quyền tự do kinh doanh và vấn đề thuộc về thị trường. Nếu là do sự tự động chấm dứt của doanh nghiệp thì không cần thiết phải quy định tại Dự thảo vì tự bản thân thị trường sẽ quyết định.
“Có thể thấy các quy định dự kiến sửa đổi Điều 5 Nghị định 06 sẽ có tác động rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ này, vì vậy cần phải có những đánh giá tác động kỹ càng, thận trọng”, VCCI nêu.
Cần bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh
Theo giải trình của Ban soạn thảo, dự thảo này “không phát sinh điều kiện kinh doanh mới”. Tuy nhiên, Dự thảo bổ sung quy định về cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ theo yêu cầu trên mạng internet. Như vậy, bản thân việc mở rộng phạm vi cấp phép và bổ sung thêm điều kiện kinh doanh của lĩnh vực được mở rộng đã là việc bổ sung thêm điều kiện kinh doanh. Vì vậy, giải trình này của Ban soạn thảo dường như là chưa phù hợp.
Ở khoản 4 Điều 1 Dự thảo quy định điều kiện để cấp phép loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet phải “có dự kiến danh mục nội dung theo yêu cầu, nội dung giá trị gia tăng sẽ cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền”; trong Hồ sơ xin cấp phép, doanh nghiệp phải cung cấp “văn bản thỏa thuận bản quyền đối với nội dung cung cấp trên dịch vụ theo đăng ký”.
Quy định này, theo ý kiến của doanh nghiệp, dường như chưa phù hợp với tính chất đặc thù của dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet. Bởi vì, đối với loại hình dịch vụ này, danh mục nội dung được cập nhật liên tục. Do đó, tại thời điểm xin cấp phép doanh nghiệp khó có thể cung cấp được “văn bản thỏa thuận bản quyền”. Trong trường hợp có thể cung cấp thì doanh nghiệp sẽ phải thực hiện nhiều lần thủ tục hành chính, là gánh nặng cho doanh nghiệp.
VCCI cũng đề nghị bỏ các điều kiện như có các phương án Bố trí nguồn nhân lực; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật; dự báo và phân tích thị trường dịch vụ; kế hoạch kinh doanh và giá cước dịch vụ, dự toán chi phí đầu tư và chi phí hoạt động ít nhất trong 2 năm đầu tiên; văn bản chứng minh vốn điều lệ; phương án thiết lập trung tâm thu phát…Lý do là các điều kiện kinh doanh này không nhằm bảo vệ lợi ích công cộng nào trong khi lại không phù hợp với thực tế.
Phạm vi dịch vụ phát thanh, truyền hình quá rộng
Theo VCCI, theo các khái niệm/định nghĩa ban soạn thảo đưa ra thì phạm vi của dịch vụ phát thanh, truyền hình là rất rộng, vì bất kỳ dịch vụ ứng dụng viễn thông nào có “nội dung có hình ảnh hoặc âm thanh” đều được xem là dịch vụ phát thanh, truyền hình.
“Liệu có thể hiểu các website dạng trang tin điện tử, thương mại điện tử có các “nội dung có hình ảnh và âm thanh” cũng được xem là một dạng dịch vụ phát thanh, truyền hình và phải áp dụng cơ chế quản lý của dịch vụ này? Nếu vậy thì cần đánh giá lại nguồn lực cũng như tính khả thi của bộ máy khi thực hiện quản lý đối với dịch vụ này”, VCCI nêu.
Dự thảo cũng quy định phải “Biên dịch 100% các chương trình phóng sự, phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình, truyền hình thực tế và trò chơi truyền hình trên các kênh khác và trên dịch vụ theo yêu cầu, trừ các chương trình phóng sự trực tiếp trên kênh tin tức”.
Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, quy định này áp dụng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Lý do là các chương trình được cung cấp trên dịch vụ dạng này có số lượng lớn, nếu phải biên tập với tỷ lệ 100% sẽ mất một chi phí khá lớn.
Hơn nữa, theo quy định tại Nghị định 06 thì việc biên dịch chương trình nước ngoài sẽ do đơn vị có Giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài thực hiện và đơn vị có giấy phép này là các cơ quan báo chí. Như vậy, liệu các cơ quan, đơn vị báo chí có Giấy phép, có đủ năng lực để biên dịch số lượng lớn các chương trình với nhiều ngôn ngữ khác nhau không?
Dự thảo bổ sung khoản 3 Điều 22 Nghị định 06, theo đó “Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn danh mục các sự kiện thể thao có tác động đến xã hội phải được tiếp phát lại trên các hạ tầng truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình quảng bá theo từng giai đoạn”. Quy định thế này không rõ về khái niệm “tác động đến xã hội”.
Mặt khác, đối với những sự kiện thể thao các doanh nghiệp đã phải bỏ ra chi phí lớn để mua bản quyết phát sóng, việc yêu cầu phải được tiếp phát lại trên hạ tầng truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình quảng bá sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi của các doanh nghiệp đã bỏ chi phí để có được bản quyền phát sóng các sự kiện thể thao này.
Lam Thanh