Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh mà còn làm khó cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

VEPR: Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp gây nguy cơ bất bình đẳng càng nặng

Lam Thanh | 20/04/2021, 16:15

Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh mà còn làm khó cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Kinh tế phục hồi nhưng thách thức vẫn bủa vây

Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 1/2021 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố ngày 20.4 cho thấy nền kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi với niềm tin đến từ vắc xin COVID-19, tuy nhiên vẫn hàm chứa nhiều bất ổn và thiếu sự đồng đều giữa các quốc gia và lĩnh vực kinh tế.

thu-thue.jpg
Việc giảm thuế TNDN có thể tạo ra sự bất bình đẳng sâu sắc hơn

Kinh tế Việt Nam trong quý 1/2021 tăng trưởng ở mức 4,48%, bằng mức tăng trưởng quý trước. Tuy vậy, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới đầy bất trắc.

Cụ thể là sự tái bùng phát của COVID-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa tiếp tục kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng trong năm 2021 khiến sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày càng yếu hơn; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.

Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, còn chậm cho hiệu quả quản lý thấp; sức khỏe hệ thống ngân hàng - tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu.

Ngoài ra, chất lượng lao động thấp và chậm cải thiện; hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy công quyền còn nặng nề; tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh dù từng bước được cải thiện nhưng về căn bản chưa giải phóng được sức mạnh của doanh nghiệp.

Tăng trưởng năm nay có thể đạt từ 6 - 6,3%

VRPR dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng khoảng từ 6,0 - 6,3%.

Dù lạm phát chưa trở thành một mối đe dọa vĩ mô, rủi ro đang tiếp tục tích lũy. Đặc biệt, thị trường tài sản có nhiều dấu hiệu cho thấy đang trong tình trạng bong bóng, có thể mang lại rủi ro cho hệ thống tín dụng và hoạt động kinh tế.

VEPR cũng khuyến nghị các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có.

Đặc biệt, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp.

Việc khoanh/ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai, bên cạnh đó cần cân nhắc cắt giảm kinh phí công đoàn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành.

Trong trường hợp có các ý tưởng chính sách để hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cụ thể, thì các chính sách này cần đi theo hướng kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ của hãng, thay vì tài trợ trực tiếp cho hãng.

“Chúng tôi cho rằng việc giãn/giảm thuế, nếu có, chỉ nên được áp dụng với thuế GTGT thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), vì giảm thuế TNDN chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Từ đó, việc giảm thuế TNDN còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch”, VEPR nhấn mạnh.

Lưu ý bong bóng tài sản

Theo VEPR, trong năm 2021, những thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ và Trung Quốc dự báo sẽ có sự phục hồi đáng kể, hứa hẹn nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ lãi suất trong năm 2021 sẽ giảm hiệu quả đáng kể. Đặc biệt, cần lưu ý tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Thực tế thì trong năm 2020, các thị trường tài sản đã có sự tăng trưởng đáng kể, chủ yếu vì đó là nơi trú ẩn cho khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình. Điều này có thể hiểu được trong giai đoạn khủng hoảng.

Tuy nhiên, việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn. Thêm vào đó, khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn để tạo ra hiệu ứng của cải (wealth effect) thì mức tiêu dùng sẽ tăng đối với các mặt hàng không phải thiết yếu.

Điều này dẫn tới sự lan tỏa của sự tăng giá từ thị trường tài sản sang thị trường tiêu dùng, dù chậm chạp, nhưng có thể cảm nhận được. Đây cũng là một biểu hiện của hiện tượng tăng giá khi chính sách nới lỏng tiền tệ được theo đuổi trong thời gian đủ dài.

“Đây là thời điểm khó khăn trong chính sách tiền tệ vì việc thắt chặt trở lại trong bối cảnh nền sản xuất vẫn chưa có cải thiện ở cấp độ căn bản (fundamentals), sẽ dẫn tới khó khăn hơn nữa cho khu vực doanh nghiệp thực.

Trong mọi tình huống, ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định, là hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch”, VEPR nêu.

VEPR cũng khuyến nghị việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn; tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh cần tiếp tục được duy trì.

Đặc biệt, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu COVID-19, hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này, trong những năm tới. 

VEPR cũng cho rằng chính sách hữu ích nhất trong bối cảnh hiện nay là các chính sách trọng cung, nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Cụ thể, đó là các chính sách cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước, đặc biệt ở địa phương, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.

Song song đó, là những nhóm chính sách vẫn được kêu gọi cần thực hiện trong suốt những năm qua nhưng chưa được thực hiện quyết liệt và hữu hiệu, từ lĩnh vực giáo dục cho tới tài chính-ngân hàng, từ khoa học-công nghệ đến cơ sở hạ tầng, từ chính sách ngành tới cải cách doanh nghiệp nhà nước… đều cần tiếp tục thúc đẩy với một tinh thần mới và phương pháp mới, tôn trọng thị trường nhiều hơn, đặt người dân vào trung tâm, và tôn trọng các xu thế phát triển mới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VEPR: Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp gây nguy cơ bất bình đẳng càng nặng