Nghị quyết số 42 của Quốc hội, việc xử lý nợ xấu có tiến triển và kết quả tốt, tuy nhiên do tác động của đại dịch nên nợ xấu có xu hướng tăng lên.

Nợ xấu có xu hướng tăng do COVID-19, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói gì?

Lam Thanh | 19/04/2021, 13:05

Nghị quyết số 42 của Quốc hội, việc xử lý nợ xấu có tiến triển và kết quả tốt, tuy nhiên do tác động của đại dịch nên nợ xấu có xu hướng tăng lên.

Mỹ đưa Việt Nam khỏi danh sách thao túng tiền tệ

Tại cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự  kiện Bộ Tài chính Mỹ xác định trong giai đoạn năm 2020 không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ.

“Đây là sự nỗ lực lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong tiếp xúc ngoại giao và sự làm việc tích cực, trách nhiệm của một số bộ ngành, nhất là NHNN để Mỹ có đánh giá phù hợp liên quan đến vấn đề tiền tệ của Việt Nam. Trong thời gian tới, NHNN cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Mỹ trong tổng thể Kế hoạch hành động để hướng đến cán cân thương mại hài hoà bền vững giữa hai nước”, Thủ tướng nói.

no-xau-2.jpg
Nợ xấu có xu hướng tăng lên - Ảnh minh họa

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay thời gian qua, NHNN đã sử dụng đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ để cơ bản ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và tạo lập niềm tin thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, với tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, NHNN thời gian qua đã sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro như giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện nay là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ…

Kết quả cho thấy tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng chung. Tỷ trọng đầu tư của các tổ chức tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp cũng chiếm tỷ trọng nhỏ và trên thực tế được kiểm soát như với khoản cấp tín dụng.

Song để phòng ngừa rủi ro phát sinh với hệ thống, Thống đốc
Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung quản trị, kiểm soát rủi ro trong mọi mặt hoạt động, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay để đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích…

no-xau-tang-len.jpg
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: VGP

Về những khó khăn trong hoạt động cấp tín dụng, bà Nguyễn Thị Hồng báo cáo thực tế tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%, trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế. Nếu để tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng thì sẽ tạo áp lực lớn với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô.

Thực tiễn hoạt động ngân hàng thời gian qua cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 90% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam nhưng khả năng tiếp cận vốn hạn chế do năng lực tài chính, quản trị, phương án kinh doanh khả thi, quản trị dòng tiền còn hạn chế, có những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn. Phía NHNN sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng cắt giảm thủ tục để tăng khả năng tiếp cận tín dụng với doanh nghiệp và người dân.

Nợ xấu có xu hướng tăng lên

Ở trụ cột là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian qua, công tác tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả nhất định, đảm bảo an toàn hệ thống.

Tuy nhiên, vấn đề quan tâm lớn hiện nay là tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước bởi nếu không được bổ sung thì hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thu hẹp thị phần của khối ngân hàng thương mại nhà nước, khó hiện thực hoá chỉ tiêu có ít nhất 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản khu vực châu Á theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (thời gian qua Agribank mới được tăng 3.500 tỉ đồng).

Với việc xử lý các ngân hàng được mua 0 đồng, đây là việc khó, chưa có tiền lệ, đòi hỏi sự đồng thuận, thống nhất và sự quyết tâm cao mới có thể thực hiện được, nên cần Thủ tướng, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo.

Với sự ra đời của Nghị quyết số 42 của Quốc hội, việc xử lý nợ xấu trong thời gian qua có tiến triển và kết quả tốt. Nếu không có đại dịch COVID-19 xuất hiện thì kết quả sẽ theo đúng lộ trình tại Nghị quyết, song do tác động của đại dịch nên nợ xấu có xu hướng tăng lên.

Với trụ cột hệ thống ngân hàng cung ứng dịch vụ, chủ yếu là dịch vụ thanh toán cho nền kinh tế, Thống đốc báo cáo ngành Ngân hàng thời gian qua đã không ngừng đổi mới, sáng tạo và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để cung ứng nhiều dịch vụ ngân hàng số, tiện ích, đảm bảo an ninh, an toàn, tiện ích cho người sử dụng dịch vụ tài chính. Song vướng mắc lớn nhất hiện nay là thiếu hành lang pháp lý đồng bộ cho vấn đề mới phát sinh như vấn đề cho vay ngang hàng, quản lý tiền điện tử, tiền kỹ thuật số…

Hơn nữa, việc triển khai các dịch vụ trên cơ sở đổi mới, sáng tạo có thể phát sinh rủi ro mà thời điểm hiện tại chưa nhận diện được, cần có cơ chế chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng xử với rủi ro phù hợp để giảm áp lực cho cơ quan và nhân lực thực hiện.

Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN cần rà soát công việc, xác định những việc trọng tâm, trọng điểm, cấp bách để xử lý, đảm bảo phải có sản phẩm trong vòng 3-6 tháng tới.

“Lựa chọn một số việc ưu tiên làm trước, việc khó phức tạp cân nhắc kỹ lưỡng tìm giải pháp phù hợp; xử lý có hiệu quả, những việc chưa có quy định hoặc đã có quy định vượt quá thực tiễn thì mạnh dạn đề xuất làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần thực hiện từng bước chắc chắn, không cầu toàn, không nóng vội, tinh thần có hiệu quả, có sản phẩm cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, rà soát lại hành lang pháp lý, hoàn thiện thể chế để đảm bảo hệ thống phát triển an toàn, lành mạnh. Sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, tạo lập niềm tin nhân dân, niềm tin với nhà đầu tư trong nước và niềm tin quốc tế”, Thủ tướng nói.

no-xau.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu - Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng yêu cầu cắt giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn phục hồi sản xuất nhưng không được hạ chuẩn cho vay tránh gây rủi ro với hệ thống ngân hàng.

Về điều hành tín dụng, Thủ tướng cho rằng, tổng hợp, phân tích dữ liệu để có đánh giá nhằm kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như tín dụng bất động sản và chứng khoán.

Với tín dụng vào bất động sản, cần quản lý đảm bảo dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng bất động sản thực sự của người dân, tránh đầu cơ. Về lâu dài cần có giải pháp căn cơ, phát triển thị trường tài chính đảm bảo ổn định, lành mạnh và cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn để giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.

Còn với lĩnh vực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, Thủ tướng yêu cầu làm quyết liệt nhưng chắc chắn trên nguyên tắc đảm bảo an toàn hệ thống, an toàn tiền gửi của người dân, phối hợp các bộ ngành tạo cơ chế phù hợp thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia tái cơ cấu đảm bảo hiệu quả. Có giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc xử lý nợ xấu đảm bảo tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
36 phút trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nợ xấu có xu hướng tăng do COVID-19, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói gì?