Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi - quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Đài Loan trong 25 năm - đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn giữa Bắc Kinh và Washington.

Vì sao Đài Loan hiện nay lại quan trọng với các chính trị gia Mỹ?

Hoàng Vũ | 29/08/2022, 18:13

Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi - quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Đài Loan trong 25 năm - đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn giữa Bắc Kinh và Washington.

12 ngày sau chuyến đi của bà Pelosi, một phái đoàn do Thượng nghị sĩ Ed Markey dẫn đầu đã đến đảo tự trị. Marsha Blackburn, một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, thành viên của Ủy ban thương mại và dịch vụ vũ trang của Thượng viện Mỹ hôm 25.8 cũng đã tới Đài Bắc.

Mỹ vốn coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính và sự can dự cấp cao giữa Washington với Bắc Kinh là rất quan trọng để giữ cho mối quan hệ ổn định. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, Mỹ cũng đã chú trọng nhiều hơn vào việc hỗ trợ Đài Loan như một phản ứng đối với những gì Washington cho là hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực Đông Á.

Vào năm 2021, Mỹ, Úc và Anh đã công bố một liên minh an ninh ba bên mới - được gọi là AUKUS - trong một nỗ lực rõ ràng nhằm chống lại sự phát triển của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trung Quốc từ lâu đã coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và cam kết đưa đảo tự trị dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh, bằng vũ lực nếu cần thiết. Giáo sư Owen Greene và Christoph Bluth thuộc Đại học Bradford (Anh) cho rằng, lập trường ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh đối với Đài Loan dường như báo hiệu rằng “các cuộc khủng hoảng trong tương lai ở eo biển Đài Loan có thể xảy ra”.

Ngay cả trước chuyến thăm của bà Pelosi, Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt động quân sự, bao gồm cả việc thường xuyên xâm nhập vào vùng nhận dạng trên không của Đài Loan - kể từ khi bà Thái Anh Văn được bầu làm lãnh đạo Đài Loan nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2016.

Từ "mơ hồ chiến lược" đến "rõ ràng chiến lược"

Đạo luật Đài Loan năm 1979 quy định Mỹ cung cấp cho Đài Loan những biện pháp để tự vệ, nhưng không nhất thiết phải tham gia vào một cuộc xung đột vì Đài Loan. Dù không có quan hệ chính thức với đảo tự trị nhưng Washington hiện là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan, giúp xây dựng hệ thống phòng thủ quân sự trên đảo.

Theo một số nhà quan sát, các sự kiện gần đây chỉ ra rằng “sự mơ hồ” đối với việc tham gia trực tiếp bảo vệ Đài Loan đang có phần “rõ ràng” hơn khi giới chức Mỹ đang đưa ra nhiều tuyên bố thẳng thắn hơn rằng họ sẽ ủng hộ Đài Loan khi đối mặt với Trung Quốc.

Tín hiệu mạnh nhất về sự chuyển hướng khỏi sự mơ hồ chiến lược xuất hiện vào tháng 5, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan nếu đảo tự trị bị Trung Quốc tấn công. Các quan chức Nhà Trắng sau đó đã khẳng định rằng những phát ngôn của ông Biden sẽ "không làm thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan", và Mỹ luôn tuân thủ theo chính sách "Một Trung Quốc". Theo đó, Mỹ công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ "duy nhất" và "hợp pháp" của Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách đó không có nghĩa là Washington công nhận "chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan".

“Bản thân tuyên bố lần này của ông Biden có vẻ phi logic nhưng cảm xúc và tín hiệu mà nó gửi đi rất hữu ích về mặt chính trị”, Wen-ti Sung, một nhà khoa học chính trị giảng dạy tại Chương trình Nghiên cứu Đài Loan của Đại học Quốc gia Úc, nói với Al Jazeera hồi đầu năm nay.

Trong chuyến thăm của mình, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi dường như đã làm rõ ràng hơn cuộc tranh luận bằng cách nói "Mỹ sát cánh cùng với Đài Loan".

"Chúng tôi không muốn bất cứ điều gì xảy ra với Đài Loan bằng vũ lực. Mỹ muốn Đài Loan có tự do về an ninh", bà Pelosi nói.

Tác động bởi cuộc chiến ở Ukraine

Cuộc chiến ở Ukraine thu hút sự chú ý đến mối đe dọa lâu nay của Trung Quốc là sử dụng vũ lực để “thống nhất” Đài Loan. Đài Loan đã tăng cường mức báo động kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, lo ngại rằng Bắc Kinh có thể lợi dụng việc thế giới bị phân tâm bởi tình hình chiến sự tại Ukraine nhằm chống lại Đài Bắc.

Vào cuối tháng 2, một phái đoàn gồm các cựu quan chức quốc phòng và an ninh cấp cao của Mỹ - do cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mike Mullen dẫn đầu đã đến Đài Loan. Vào tháng 7, người đứng đầu Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông William Burns cho biết cuộc chiến tại Ukraine đang ảnh hưởng đến các tính toán của Bắc Kinh về việc “thống nhất” Đài Loan, liên quan tới thời gian và cách thức nó có thể diễn ra.

“Trung Quốc có khả năng nhận ra từ bài học của Ukraine rằng họ không thể đạt được những chiến thắng nhanh chóng, mang tính quyết định dù lực lượng của họ có mạnh đến đâu. Chúng tôi đang cố gắng giải đáp câu hỏi liệu giới lãnh đạo Trung Quốc có quyết tâm sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan và họ sẽ làm như thế nào, khi nào”, ông Burns cho hay.

Chính trị trong nước

Trong một bài viết về quan điểm trên Bloomberg, nhà sử học Niall Ferguson cho biết một lý do khiến chính quyền của Tổng thống Joe Biden tích cực can thiệp về vấn đề Đài Loan có thể là do chính trị trong nước khi Mỹ chuẩn bị bắt đầu cuộc bầu cử giữa kỳ.

“Việc tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc sẽ giúp đảng Dân chủ chiếm ưu thế trong việc đáp trả những lời chỉ trích yếu thế trước Bắc Kinh từ đảng Cộng hòa”, ông Ferguson nói.

Có một thực tế rằng các chính trị gia Mỹ đang hứa hẹn sẽ cứng rắn với Trung Quốc nhằm quảng bá cho hình ảnh chính trị của mình. Các cử tri Mỹ hiện rất quan tâm tới vấn đề Trung Quốc với những lo ngại về đe dọa kinh tế hoặc an ninh. Một cuộc thăm dò vào năm 2021 của công ty tư vấn và phân tích của Mỹ - Gallup, cho thấy "45% người Mỹ hiện coi rằng Trung Quốc là kẻ thù lớn nhất của Mỹ, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ như vậy vào năm 2020".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Đài Loan hiện nay lại quan trọng với các chính trị gia Mỹ?