Khó khăn kinh tế của một số quốc gia, khu vực kinh tế... đã tác động trực tiếp đến thu nhập, đến tích lũy và tiết kiệm của kiều bào.

Vì sao kiều hối đổ về TP.HCM giảm nhưng vẫn ấn tượng?

Tuyết Nhung | 25/01/2023, 08:52

Khó khăn kinh tế của một số quốc gia, khu vực kinh tế... đã tác động trực tiếp đến thu nhập, đến tích lũy và tiết kiệm của kiều bào.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, lượng kiều hối chuyển về qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 6,603 tỉ USD. Lượng kiều hối những ngày đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giảm 6,67% so với năm 2021 nhưng lượng kiều hối hơn 6,6 tỉ USD là con số ấn tượng, bởi quy mô chiếm khoảng 33% tổng thu ngân sách của thành phố và chiếm trên 50% so với cả nước.

kieu-hoi.jpg

Nguyên nhân lượng kiều hối đổi về thành phố giảm chủ yếu là do khó khăn kinh tế của một số quốc gia và khu vực kinh tế, xuất phát từ xung đột địa chính trị, giá dầu mỏ tăng cao, lạm phát và suy giảm kinh tế... Tất cả những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến thu nhập, đến tích lũy và tiết kiệm của kiều bào, của người lao động, làm giảm lượng kiều hối chuyển về trong năm.

Mỗi dịp tết đến, lượng kiều hối luôn tăng trưởng cao cả chuyển về qua hệ thống chuyển tiền (ngân hàng, công ty kiều hối) và mang trực tiếp khi kiều bào, người lao động về quê ăn tết. Ví dụ như công ty Kiều hối Sacombank SBR, số lượng giao dịch kiều hối tăng khoảng 10%. Năm nay, lượng kiều hối chuyển về cho thân nhân kinh doanh và đầu tư nhà đất vẫn là kênh tăng trưởng cao nhất so với 2021. Đáng nói là các khu vực châu Âu, Mỹ dù tình hình khó khăn nhưng lượng kiều hối chuyển về vẫn ổn định.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, dù kiều hối được đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh hay tiết kiệm tiêu dùng cá nhân thì đều là nguồn lực tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Kiều hối luôn là nguồn vốn hết sức quan trọng, về mặt chi phí sử dụng cũng như bản chất khác biệt so với các nguồn vốn khác, vì vậy tính hiệu quả mang lại rất lớn. Cùng với vốn ngoại tệ từ thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối sẽ hỗ trợ vào nguồn cung ngoại tệ trên thị trường, đặc biệt là hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Kiều hối gửi về trước hết phục vụ cho nhu cầu của người nhận kiều hối, có thể là tiết kiệm, tiêu dùng cá nhân, xây dựng, sửa sang nhà cửa hay mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống... Song tất cả đều mang lại ý nghĩa cho sự tăng trưởng và phát triển trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.

Nếu so với nguồn thu ngân sách TP thì nguồn kiều hối chuyển về hơn 6,6 tỉ USD là nguồn thu không nhỏ, mang lại hiệu ứng tích cực. Còn so với quy mô tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng hiện nay trên địa bàn, nguồn kiều hối chuyển về trong năm 2022 chiếm 48%.

Bên cạnh đó, nguồn kiều hối chuyển về góp phần bảo đảm cung - cầu ngoại tệ, phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tỉ giá và lãi suất của Ngân hàng Trung ương, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tăng tỉ giá; tăng lãi suất là không nhỏ, khi áp lực lạm phát gia tăng và các đồng tiền tại một số quốc gia trên thế giới có xu hướng mất giá mạnh trong năm 2022.

Trong khi đó, gần 19 tỉ USD là lượng kiều hối ước tính đổ về Việt Nam trong năm 2022, cao hơn khoảng 1 tỉ USD so với năm trước đó. Việt Nam là nằm trong top 3 các nước nhận tiền kiều hối châu Á - Thái Bình Dương và top 10 nước trên thế giới.

10 năm trở lại đây dòng kiều hối về Việt Nam đều vượt 10 tỉ USD. Ngay thời điểm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là năm 2021, kiều hối về Việt Nam vẫn đạt khoảng 12,5 tỉ USD. Trước đó, năm 2019 kiều hối về Việt Nam đạt 16,7 tỉ USD, năm 2018 là 16 tỉ USD, năm 2017 gần 14 tỉ USD...

Theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, kiều hối gia tăng khoảng 10 - 20% trong dịp Tết này. Trước đó, nửa đầu năm 2022, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam bị ảnh hưởng do bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn. Nhưng tình hình đã cải thiện tích cực vào cuối năm.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định, lượng kiều hối chuyển về vào dịp Tết Nguyên đán thường tăng 10 - 15% so với các tháng trong năm. Năm nay, do Tết đến sớm, gần với Noel và Tết Dương lịch, nên kiều bào tập trung gửi tiền về dịp cuối năm cho người thân ăn Tết và mừng tuổi. 

Giới chuyên gia dự báo, khi dòng kiều hối được chuyển qua kênh ngân hàng nhiều hơn, các ngân hàng thương mại sẽ có cơ hội tăng thu hút tiền gửi từ chuyển đổi ngoại tệ sang VND, thêm nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế. Hơn nữa, kiều hối chuyển qua kênh chính thức còn giúp tổ chức tín dụng tiếp cận các hộ gia đình, cung cấp dịch vụ tài chính, tạo cơ hội cho họ quản lý tài chính cá nhân, hạn chế rủi ro tài chính.

Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng sẽ phát triển mảng bán lẻ đến từng người nghèo ở khu vực nông thôn, thúc đẩy tiết kiệm, đầu tư hiệu quả từ nguồn kiều hối. Vì vậy, giới chuyên gia dự báo, kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ tăng khoảng từ 3,5 - 4,5% trong năm 2023.

Bài liên quan
Dòng kiều hối về Việt Nam dễ suy giảm trước việc Fed liên tục tăng lãi suất
Các chuyên gia tài chính đều có chung nhận định rằng lượng kiều hối về Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ suy giảm do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, khiến nhu cầu chuyển và cất giữ tiền ở Việt Nam giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao kiều hối đổ về TP.HCM giảm nhưng vẫn ấn tượng?