Không chỉ có bệnh nhân đột quỵ mà bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp cũng đang ngày càng trẻ hóa. Cứ 5 người bị nhồi máu cơ tim thì có 1 người dưới 40 tuổi. Đây là sự cảnh báo đối với người trẻ về căn bệnh “sát thủ” này.
Thông tin trên được PGS-TS-BS Hoàng Văn Sỹ - Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ tại Hội nghị khoa học thường niên năm 2024 của Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) diễn ra hôm nay (3.8).
Bệnh nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Nguyên nhân chính là do động mạch vành bị thu hẹp, tắc nghẽn hoặc đứt đột ngột khiến lượng máu và oxy nuôi tim suy giảm. Trường hợp nặng hơn là ngừng máu nuôi hoàn toàn khiến tế bào cơ tim bị suy giảm năng lượng, dần hoại tử theo thời gian. Trong đó có khoảng 10% ca nhồi máu cơ tim dẫn đến đột tử.
Theo PGS-TS-BS Hoàng Văn Sỹ, bệnh nhồi máu cơ tim đang có xu hướng trẻ hóa ở nước ta. Qua số liệu điều tra bệnh nhồi máu cơ tim tại Việt Nam cho thấy, số người trẻ tuổi mắc bệnh này đang ngày càng tăng dần.
Cụ thể, nếu như năm 2020 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp chiếm tỷ lệ cao nhất ở độ tuổi từ 60 đến 69 tuổi, chiếm 32.1%; kế đến là độ tuổi từ 50 đến 59 tuổi, chiếm 24,8%; độ tuổi từ 70 đến 70 tuổi, chiếm 23%; 40 đến 49 tuổi, chiếm 7,8%; 30 đến 39 tuổi, chiếm 2,4% thì đến giai đoạn năm 2023- 2024 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp chiếm tỷ lệ cao nhất là độ tuổi từ 40 đến 49 tuổi, chiếm đến 47,2%, kế đến là 50 đến 59 tuổi, chiếm 42%; 30 đến 39 tuổi, chiếm 10,5%.
Như vậy, qua số liệu thống kê trên cho thấy, sau 3 năm, những người có độ tuổi từ 30 đến 39 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp tăng từ 2,4% lên 10,5%; người có độ tuổi từ 40 đến 49 tuổi tăng từ 7,8% lên đến 47,2%. “Hiện nay, cứ 5 người nhồi máu cơ tim thì có 1 người trẻ dưới 40 tuổi”, bác sĩ Sỹ cho biết.
Phân tích của PGS-TS-BS Hoàng Văn Sỹ cho thấy, có 10% người nhồi máu cơ tim cấp dưới 50 tuổi sử dụng cocaine hay cần sa. Đây là chất làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, những bệnh nhân trẻ bị nhồi máu cơ tim cấp có dị dạng mạch vành; bóc tách động mạch vành tự phát.
“Yếu tố nguy cơ khiến người trẻ bị nhồi máu cơ tim là do liên quan đến xơ vữa tim mạch, chiếm tỷ lệ lên đến 80 đến 85%. Những yếu tố kinh điển khác như: tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu… Ngoài ra còn có yếu tố nguy cơ như: lipoprotein(a), bệnh FH, và nguy cơ đa gien là những “khoảng trống” trong thực hành lâm sàng hiện nay”, bác sĩ Sỹ nói.
Trước tình hình trên, PGS-TS-BS Hoàng Văn Sỹ khuyến cáo những người trẻ cần xét nghiệm lipoprotein(a) – nguy cơ tim mạch tồn dư. Trong đó, những người trưởng thành, có nguy cơ tim mạch cao nên đo lipoprotein(a); những người trẻ có tiền căn nhồi máu não, hoặc gia đình có bệnh tim mạch sớm, hoặc tăng lipoprotein(a) cao và không có yếu tố nguy cơ nào khác cũng cần xét nghiệm lipoprotein (a).
Đối với bệnh FH (tăng cholesterol máu gia đình) nên được chẩn đoán bằng các tiêu chuẩn lâm sàng và được xác định chẩn đoán, khi có thể bằng phân tích DNA; tầm soát gia đình bằng xét nghiệm di truyền khi có một thành viên trong gia đình đã chẩn đoán xác định mắc bệnh tăng cholesterol máu gia đình; xét nghiệm di truyền cho FH ở trẻ từ 5 tuổi trở lên, hoặc sớm hơn nếu nghi ngờ.
TS-BS Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết Hội nghị khoa học thường niên 2024 này có 10 phiên chuyên đề, 4 phiên vệ tinh và hơn 60 bài báo cáo khoa học cùng các chuyên gia trong và ngoài bệnh viện, các chuyên gia đến từ nước ngoài với nhiều nội dung chuyên sâu trong các lĩnh vực khác nhau như: nội ngoại khoa, sản phụ khoa, tim mạch, bệnh lý gan mật, ung thư, gây mê hồi sức, điều dưỡng…
Điểm mới của hội nghị lần này là lần đầu tiên một phiên khoa học được thiết kế với hình thức tranh luận, nơi các chuyên gia đầu ngành bàn luận sôi nổi dựa trên các luận điểm chặt chẽ về vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) so với các phương pháp truyền thống trong chẩn đoán bệnh phổi mô kẽ.
“Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo như một công cụ mạnh mẽ trong việc phân loại bệnh, mở ra một kỷ nguyên mới của y học chính xác”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.