Hãng Reuters dẫn lời giới phân tích nhận định sở dĩ nhiều quốc gia ngại gia nhập liên quân tuần tra biển Đỏ do Mỹ lập bởi vì lo ngại bị Houthi trả đũa và khiến người dân trong nước tức giận.
Ngày 19.12 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin khởi động sáng kiến an ninh đa quốc gia mang tên Chiến dịch người bảo vệ thịnh vượng (OPG) nhằm bảo vệ tàu hàng trước nguy cơ bị nhóm Houthi tại Yemen tập kích ngoài biển Đỏ.
Lầu Năm Góc tuyên bố có đến 20 nước tham gia, nhưng lại chỉ công bố tên 12 nước. Một số quốc gia đến nay vẫn chưa thừa nhận có đóng góp (cử quân nhân hoặc triển khai tàu) cho liên quân.
Liên minh châu Âu (EU) chỉ bày tỏ sự ủng hộ bằng tuyên bố chung lên án hoạt động tập kích tàu hàng của Houthi. Anh, Hy Lạp cùng vài nước công khai ủng hộ, nhưng Pháp, Ý, Tây Ban Nha - ba nước mà Lầu Năm Góc công bố tên - lại nhanh chóng phủ nhận gia nhập liên quân.
Bộ Quốc phòng Pháp tuyên bố ủng hộ các nỗ lực đảm bảo tự do hàng hải ở biển Đỏ cùng khu vực xung quanh, đồng thời cho biết lực lượng nước này đang hoạt động trong khu vực. Theo Bộ Quốc phòng, số tàu chiến họ triển khai sẽ nằm dưới sự chỉ huy của Pháp.
Bộ Quốc phòng Ý thông báo sẽ cử khu trục hạm Virginio Fasan đến biển Đỏ để bảo vệ lợi ích quốc gia, ứng phó kịp thời trước yêu cầu đặc biệt từ các chủ tàu Ý. Họ nhấn mạnh đây là hoạt động đã có của nước này chứ không nằm trong khuôn khổ OPG.
Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha cũng nói rõ họ quyết định từ chối gia nhập liên quân Mỹ lập, mà chỉ tham gia hoạt động do NATO lãnh đạo hay do EU điều phối.
Ngoài ba nước châu Âu nêu trên, phía Úc cũng mới thông báo chỉ gửi 6 quân nhân đến tham gia nỗ lực bảo vệ biển Đỏ chứ không triển khai tàu chiến như Mỹ yêu cầu. Trước đó Ả Rập Saudi cùng Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) nói rõ không hứng thú tham gia OPG.
Theo giới phân tích, tâm lý tức giận vì Israel gây ra thương vong dân sự quá lớn tại Dải Gaza là lý do khiến chính phủ các nước ngại gia nhập liên quân Mỹ lập nên. Một khảo sát gần đây do công ty thu thập dữ liệu Yougov thực hiện cho kết quả đa số người dân Tây Âu - đặc biệt là Tây Ban Nha và Ý - muốn Israel ngừng chiến dịch quân sự. Giáo sư quan hệ quốc tế David Hernandez (Đại học Complutense) nhận định: “Các chính phủ lo ngại một phần cử tri tiềm năng sẽ quay lưng lại với họ”.
Ngoài ra còn có nguy cơ bị Houthi trả đũa nếu tham gia OPG. Một quan chức cấp cao Ấn Độ tiết lộ chính lý do này khiến cường quốc Nam Á quyết định ngại giúp đỡ Mỹ.
Trên thực tế, nhiều quốc gia châu Âu và vùng Vịnh đều tham gia một trong số liên quân do Mỹ lãnh đạo tại Trung Đông chẳng hạn như Lực lượng hàng hải liên hợp (CMF) gồm 39 quốc gia. Vì vậy một số nước không tham gia OPG vẫn có thể phối hợp tuần tra biển Đỏ với hải quân Mỹ.
Biển Đỏ - tuyến đường thủy quan trọng với thương mại toàn cầu - thời gian qua trở nên cực kỳ nguy hiểm do nhóm Houthi tại Yemen đẩy mạnh tập kích tàu hàng từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra. Lực lượng tiến hành tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) hoặc tên lửa chống hạm, thậm chí dùng trực thăng để bắt giữ một tàu hàng vào tháng trước.
Thời gian qua, khu trục hạm USS Carney của Mỹ, tàu chiến HMS Diamond của Anh, tàu hộ tống Languedoc của Pháp đều thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở khu vực và bắn hạ không ít vũ khí của Houthi. Tuy nhiên ba nước hoạt động riêng lẻ.