Như Một Thế Giới đã thông tin, đại tá Thái Văn Đợi, Phó giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng kiêm Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa bị kỷ luật. Nguyên nhân là ông có liên quan đến 3 vụ oan sai khiến 11 người vướng lao lý và một số việc gây điều tiếng.

Vì sao Phó giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng bị kỷ luật cảnh cáo?

Duy Khang | 12/10/2017, 18:06

Như Một Thế Giới đã thông tin, đại tá Thái Văn Đợi, Phó giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng kiêm Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa bị kỷ luật. Nguyên nhân là ông có liên quan đến 3 vụ oan sai khiến 11 người vướng lao lý và một số việc gây điều tiếng.

Kỷ luật ông sếp ngành công an vì “dính” đến oan sai

Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng xácnhận, đã triển khai quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với đại tá Thái Văn Đợi, Phó giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh này. Về mặt chính quyền, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng sẽ có văn bản gửi đến Bộ Công an để nơi đây xem xét xử lý.

Theo ông Thiên, trong thời hạn 30 ngày làm việc từ khi nhận quyết định, đảng viên bị kỷ luật có quyền khiếu nại. Cấp giải quyết khiếu nại của ông Đợi là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng, ông Đợi được cho là có nhiều sai phạm trong thời gian công tác, đến mức phải bị kỷ luật.

Đầu tiên là liên quan đến 3 vụ oan sai ở H.Trần Đề (7 người bị oan), H.Vĩnh Châu (3 người) và H.Châu Thành (1 người). Sai phạm thứ 2 được đoàn kiểm tra Đảng viên có dấu hiệu vi phạm chỉ ra là việc đại tá Đợi mượn đất của Công ty Thủy sản Phương Nam để sản xuất. Đây là công ty của đại gia thủy sản Lâm Ngọc Khuân. Sau khi công ty vướng vào nợ nần, ông Khuân đã rời Việt Nam và đang bị truy nã. Nhiều cán bộ ngân hàng và thuộc cấp của ông Khuân phải vướng vòng lao lý.

Ông Thái Văn Đợi

Ngoài ra, ông Đợi còn có quan hệ với một số thành phần không tốt. “Quan hệ với người tham gia tệ nạn xã hội thì mình góp ý, cần phải rút kinh nghiệm. Giao du như thế thì dư luận không tốt”, lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng nói về đại tá Đợi.

7 người oan sai trong 1 vụ án

Lật lại hồ sơ 2 vụ án với 10 người oan sai tại H.Trần Đề và TX.Vĩnh Châu, khi ông Đợi phụ trách điều tra mới thấy vì sao vị đại tá này bị xử lý kỷ luật. Cũng liên quan chuyện oan sai này, trước đó, ông Võ Văn Vinh, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Sóc Trăng đã phải mất chức, bị rút về Ban Nội chính làm chức Phó ban.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 6.7.2013, người dân xã Đại Ân 2 phát hiện thi thể ông xe ôm Lý Văn Dũng nằm chết trên đường. Quá trình truy tìm thủ phạm, Công an tỉnh Sóc Trăng bắt tạm giam các nghi can Trần Hol, Thạch Mươl, Trần Văn Đỡ, Trần Cua, Thạch Sô Phách và Khâu Sóc (cùng ngụ huyện Trần Đề) để điều tra hành vi “Giết người”. Bạn gái của Đỡ là Nguyễn Thị Bé Diễm (nhân viên quán nhậu) cũng bị bắt về hành vi “Không tố giác tội phạm”.

Khi vụ án sắp kết thúc điều tra và ban chuyên án chuẩn bị được… khen thưởng thì tháng 12.2013, Lê Thị Mỹ Duyên (ngụ Kiên Giang) đến Công an TP.HCM đầu thú. Thiếu nữ này thừa nhận đã thông đồng với Phan Thị Kim Xuyến (16 tuổi, ngụ H.Trần Đề) để giết ông Dũng nhằm cướp tài sản. Sau khi di lý cả 2 về Sóc Trăng điều tra làm rõ, VKSND tỉnh Sóc Trăng ký các quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với 7 bị can đã bắt trước đó và tất cả được đình chỉ điều tra.

4 tháng trước, Xuyến bị TAND tỉnh Sóc Trăng phạt 12 năm tù về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Duyên được đưa vào trường giáo dưỡng vì lúc gây án, các giấy tờ liên quan thể hiện thiếu nữ chưa đủ 14 tuổi nên không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Lúc được thả ra, những thanh niên bị bắt oan có đơn gửi Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao tố cáo hành vi được cho là vi phạm pháp luật của các điều tra viên. Sau đó, đại úy Triệu Tuấn Hưng và thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Dùng nhục hình”. Nguyên kiểm sát viên Phạm Văn Núi (VKSND tỉnh Sóc Trăng) bị khởi tố nhưng được tại ngoạivề hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Liên quan vụ việc còn có nhiều cán bộ, chiến sĩ của công an Sóc Trăng bị kiểm điểm, kỷ luật. Trong đó không ít cán bộ bị giáng chức, chuyển công tác. Cụ thể, thượng tá Nguyễn Việt Thanh bị cách chứcBí thư Đảng ủy cơ sởvà giáng chức Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45). Ông Thanh cũng bị miễn nhiệm chức Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng, chuyển về TX.Vĩnh Châu làm Phó Công an TX.

Cùng bị giáng chức có Phó phòng PC45 là thượng tá Nguyễn Hoàng Phú (xuống làm Đội trưởng). Ông Phú còn bị cách chức Đảng ủy viên, miễn nhiệm chức Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, bố trí công tác khác. Đối với Phó phòng PC45 - Phan Hoàng Lắm, bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền.

Một đoạn trong đơn tố cáo ông Đợi

Điều bức xúc đối với người dân Sóc Trăng khi đó là trong danh sách 25 cán bộ, chiến sĩ bị kỷ luật thì đại tá Thái Văn Đợi chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm cùng 16 cán bộ, chiến sĩ khác khác.

Nguyên nhân dẫn đến việc Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng bắt oan 7 thanh niên được cho là trong công tác điều tra còn tin theo lời trình bày của nhân chứng, không đối chiếu so sánh, củng cố chứng cứ, chỉ tập trung vào buộc tội, ít quan tâm đến chứng cứ gỡ tội.

Và khiến 1 gia đình tan nát

Cùng bị tạm giam chung phòng với Trần Hol, Thạch Sô Phách, Trần Văn Đỡ… khi đó, còn có anh em ông Phạm Văn Lé, Phạm Văn Lến ở P.Vĩnh Phước, TX.Vĩnh Châu. 2 người này bị bắt từ cuối tháng 9.2012 về hành vi “Giết người” và đến tháng 7.2013, Lến được thay đổi tội danh sang “Không tố giác tội phạm”. Vợ ông Lé là bà Thạch Thị Xem cũng bị khởi tố vì cơ quan điều tra cho rằng không tố giác chồng giết người.

Vụ việc xảy ra rạng sáng 3.8.2012 khi Lâm Tài Mấu (ở khóm Biển Trên, P.Vĩnh Phước) đi nhậu về ngang qua nhà Lé thì dừng lại đập cửa chửi. Ông Lé sau đó bị cơ quan điều tra và VKSND cáo buộc là quá tức giận nên tát vào mặt và dùng cây gài cửa đánh lên đầu Mấu khiến nạn nhân bất tỉnh. Vài phút sau Mấu tỉnh lại, đi về nhà cùng bạn nhậu nhưng đến 2 giờ 45 cùng ngày người dân phát hiện ông này chết cách nhà ông Lé 1.421 mét.

Nhiều lần ra tòa, ông Lé một mực cho rằng chỉ tát tay Mấu, không dùng vật cứng đánh vào đầu nạn nhân như cáo trạng quy kết. Hàng loạt chứng cứ khác còn cho thấy nạn nhân tử vong không liên quan đến ông Lé nhưng cơ quan chức năng bỏ qua khiến vợ chồng, anh em ông Lé vướng lao lý oan ức. Nhờ HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung cách nay nửa năm nên cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.

Sau đó, cơ quan điều tra không đủ chứng cứ xác định ông Lé, ông Lến, bà Xem phạm tội nên Công an tỉnh Sóc Trăng chính thức đình chỉ điều tra 3 người vào ngày 16.12.2014. Đến ngày 28.10.2015, VKSND tỉnh Sóc Trăng đến P.Vĩnh Phước xin lỗi 3 người trong gia đình ông Lé, nhưng cán bộ tố tụng đã đóng cửa nhà văn hóa để xin lỗi “riêng” những người oan sai.

Hàm Yên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Phó giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng bị kỷ luật cảnh cáo?