Thanh tra Chính phủ rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án xây dựng khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái Đại Ninh tại huyện Đức Trọng, do Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn - Đại Ninh làm chủ đầu tư.
Chiều 8.7, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh đã ký văn bản thông báo sửa đổi một số nội dung Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP ngày 12.6.2020 của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án xây dựng khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị Nam Đà Lạt) tại huyện Đức Trọng, do Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn - Đại Ninh (Công ty Sài Gòn - Đại Ninh) làm chủ đầu tư. Đây là dự án hoang tàn giữa đại ngàn Tây Nguyên, một dự án treo suốt hơn 10 năm qua mà Một Thế Giới đã phản ánh.
Thay vào đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn Công ty Sài Gòn - Đại Ninh thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo luật Đất đai năm 2013, yêu cầu hoàn thành dự án theo đúng cam kết; khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô đã được phê duyệt. Trường hợp công ty này vi phạm cam kết hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính thì chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất theo quy định.
Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát, kiểm tra lại tính pháp lý của Quyết định số 2020/QĐ UBND ngày 9.10.2018 để quyết định thu tiền sử dụng đất theo thẩm quyền; chỉ đạo rà soát, yêu cầu Công ty nộp thuế chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng dự án (nếu có) theo quy định.
Theo Thanh tra Chính phủ, nội dung sửa đổi lại kết luận thanh tra nêu trên đã được Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo vào hồi cuối tháng 6.
Trước đó, tháng 7.2020, Thanh tra Chính phủ đã công khai Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP với nội dung yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với 3 dự án có vi phạm về pháp luật đất đai và đầu tư, trong đó có dự án của Công ty Sài Gòn-Đại Ninh
Tuy nhiên, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Công ty Sài Gòn-Đại Ninh đã có văn bản kiến nghị lên nhiều cơ quan chức năng xem xét lại việc thu hồi dự án.
Như đã phản ánh, Công ty Sài Gòn-Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án Khu đô thị nam Đà Lạt vào ngày 30.12.2010. Dự án nằm trên địa bàn 4 xã của H.Đức Trọng (gồm Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan), có tổng diện tích đất quy hoạch lên đến hơn 3.595 ha (trong đó diện tích thuê rừng trên 1.050 ha), tổng vốn đầu tư 25.243 tỉ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2010 - 2018. Dự án có 6 phân khu chức năng, khi hoàn thành có quy mô dân số lưu trú thường xuyên khoảng 19.734 người.
Sau 10 năm triển khai, dự án mới chỉ thực hiện được một số hạng mục: 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng của chuyên gia, 1 hội trường, 6 trạm dừng chân, khoảng 20km đường nội bộ và trồng hơn 10 ha rừng trên diện tích lấn chiếm đã được giải tỏa. Trong khi các hạng mục chính lại chưa thực hiện, như khu dân cư trú đông, khu biệt thự mùa hè, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị trung tâm, khu công viên cây xanh, thể dục thể thao, vườn hoa, khu cổng mặt trời...
Đáng chú ý, lãnh đạo H.Đức Trọng, cho biết: “Tại dự án này của Công ty Sài Gòn-Đại Ninh đã để rừng bị phá lên đến hơn 257 ha và trên 111 ha đất rừng bị lấn chiếm.
Theo quy định, trách nhiệm chính là của chủ rừng”. Năm 2017, Sở Tài chính có quyết định yêu cầu công ty bồi thường giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng tổng cộng 6,66 tỉ đồng, nhưng đến giữa năm 2020, doanh nghiệp này mới nộp 1,67 tỉ đồng.
Lãnh đạo huyện Đức Trọng cũng cho biết thêm, Công ty Sài Gòn-Đại Ninh đến nay vẫn chưa lập hồ sơ tận thu lâm sản, nghĩa vụ trồng rừng thay thế đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng và đền bù tài nguyên rừng, mà đã tiến hành làm đường giao thông là không đúng quy định.
Dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao, sau hơn 1 năm ban hành Kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ lại phúc tra và... rút lại kiến nghị của mình, dù Kết luận thanh tra đó đã được Thủ tướng đồng ý? Phải chăng, quá trình thanh tra, kết luận, đoàn thanh tra đã để xảy ra sai sót, gây oan sai cho đơn vị bị thanh tra?