Nhiều người dân TP.HCM cho biết việc đặt mua thực phẩm qua các kênh online rất khó khăn nên mới phải đổ xô đến siêu thị mua hàng.
"Vật vã mua hàng online" là tình trạng nhiều người tiêu dùng ở TP.HCM gặp phải trong lúc thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 9.7.
Nhiều người cho biết đặt hàng qua mạng mấy ngày liền mới nhận được hàng, đáng nói là khi nhận được thì đơn hàng thiếu sản phẩm và các món đã đặt vì nguồn hàng tổng đã hết.
Nhiều người dùng còn phản ánh tình trạng đang chọn hàng hóa hoặc tiến hành thanh toán thì bị báo lỗi. Khi họ mở lại ứng dụng, một số món hàng đã hết hoặc thay đổi giá bán. Vì vậy mua hàng online không được nên mới phải chạy ra tận nơi để mua.
Trong khi đó, Bộ Công Thương lại khuyến cáo người dân TP.HCM nên tăng cường mua sắm hàng hóa thiết yếu trên các sàn thương mại điện tử, một mặt đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân, mặt khác vẫn đảm bảo công tác chống dịch trong bối cảnh giãn cách xã hội. Việc tăng cường lưu thông hàng hóa qua thương mại điện tử được xem là nhiệm vụ và phương thức phù hợp, cấp thiết trong tình hình hiện nay.
Khi mua hàng thông qua thương mại điện tử, các hoạt động giao hàng đều đảm bảo các quy tắc về phòng chống dịch, người mua hàng hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức giao hàng nhanh hoặc giao hàng tiết kiệm tùy thuộc vào sản phẩm đặt mua. Như vậy, việc mua thực phẩm tươi sống hay các đồ dùng thiết yếu sẽ không gặp nhiều khó khăn, các siêu thị và cửa hàng bách hóa sẽ giảm thiểu được tình trạng quá tải, hết hàng.
Thực tế mua hàng online tại TP.HCM đang trái ngược với những gì Bộ Công Thương ra thông điệp khuyến cáo. Trả lời PV Một Thế Giới chiều 9.7 về vấn đề này, đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) phản hồi: Hiện nay, khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận có tình trạng kho hàng bị phong tỏa hoặc không cho quá 2 nhân viên vào lấy hàng, đóng gói hàng hóa để chuyển đi.
"Nguồn hàng cơ bản không thiếu nhưng với nhu cầu đặt hàng tăng mà không có nhân viên làm thì sẽ không thể có hàng để kịp thời chuyển đi được. Rau củ quả trái cây tươi để trong kho sẽ bị hỏng. Cục đang tiếp tục tổng hợp thông tin để báo cáo Ban chỉ đạo có hướng tháo gỡ", đại diện cơ quan này nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề Một Thế Giới nêu, đại diện Cục cho biết: Việc đặt hàng qua thương mại điện tử và giao hàng phụ thuộc vào đặc thù từng mặt hàng, đơn hàng, nguồn hàng… nên cần sự phối hợp của nhiều bên. Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đang tiếp tục hướng dẫn theo dõi hỗ trợ hoạt động này. Người tiêu dùng khi có khiếu nại cần phản ánh trực tiếp đến hotline của từng sàn. Nếu sàn không xử lý được thì người dân phản ánh về Cục Thương mại điện tử và kinh tế số và các đơn vị liên quan.
Từ ngày 7.7, thực hiện theo chỉ đạo giãn cách toàn thành phố, lần lượt các chợ đầu mối thực phẩm tươi sống lớn tại TP.HCM đã tạm dừng các hoạt động kinh doanh, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng bách hóa đang gặp tình trạng quá tải và hết hàng khi chỉ có khả năng đáp ứng được 30% lượng cung ứng hàng hóa.
Tại TP.HCM, chợ đầu mối và các chợ truyền thống đang giữ vai trò chủ đạo với 70% lượng hàng hóa cung ứng cho toàn thành phố. Và như vậy, khi các chợ này đóng cửa sẽ tác động và gây áp lực đáng kể cho cho các trung tâm thương mại, siêu thị vốn chỉ đáp ứng được 30% lượng cung ứng hàng hóa.
Trước tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo: "Tập trung hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện mua bán theo hình thức trực tuyến".
Từ 0 giờ ngày 9.7, TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày. Hiện tại, 3 chợ đầu mối lớn đã tạm dừng hoạt động, TP còn 2.833 điểm bán mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay, tính đến ngày 7.7. Trong đó có 111 chợ, 106 siêu thị và 2.616 cửa hàng tiện lợi phân bổ rộng khắp TP.Thủ Đức và các quận huyện.
Sở Công Thương TP.HCM cho biết TP đã dự trữ 120.000 tấn hàng, trong khi nhu cầu thực tế hàng ngày chỉ khoảng 5.000-6.000 tấn. Cơ quan này khẳng định nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, do đó người dân không nên đổ xô tích trữ hàng hóa.