Dựa vào một tờ giấy không rõ ràng của người đã chết, để làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), thửa đất mà một gia đình chính sách đã cư ngụ ổn định hơn 30 năm cho một người khác(?). Đồng thời UBND thị xã Rạch Giá lấy cơ sở của một sự việc khác để gán vào việc cấp GCNQSDĐ thì có phải là đã và đang cố tình đánh tráo khái niệm sự việc hay còn lý do nào khác?

Vì sao UBND Rạch Giá kiên quyết cưỡng chế gia đình chính sách?

Ngọc Thạnh | 25/06/2017, 11:47

Dựa vào một tờ giấy không rõ ràng của người đã chết, để làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), thửa đất mà một gia đình chính sách đã cư ngụ ổn định hơn 30 năm cho một người khác(?). Đồng thời UBND thị xã Rạch Giá lấy cơ sở của một sự việc khác để gán vào việc cấp GCNQSDĐ thì có phải là đã và đang cố tình đánh tráo khái niệm sự việc hay còn lý do nào khác?

Như Báo điện tử Một Thế Giới đã phản ánh trong bài trước,

>>> Bài 1: Từ một vụ tranh chấp đất ở Rạch Giá: Nguồn gốc đất mập mờ vẫn được cấp sổ đỏ?

Năm 1978, gia đình bà Ơi tới Thị xã Rạch Giá để làm thuê làm mướn, ở đậu (ở nhờ) nhà ông Trần Ngọc Anh để coi sóc hầm cá, đồng thời đi làm thuê cho nhà ông Đoàn Thành Nghiệp.

Năm 1982, ông Trần Ngọc Anh bán nền nhà hiện tại cho gia đình bà Lê Thị Ơi với giá 4.000 đồng để ổn định cuộc sống. Năm 1992, vợ ông Trần Ngọc Anh bán hầm cá cho ông Nguyễn Hùng Dũng (ngụ 401/2 Mạc Cửu, P. Vĩnh Quang) với giá 3.600.000 đồng.

Khi biết hầm cá ông Dũng mua có cả nền đất gia đình mua 4.000 đồng từ ông Trần Ngọc Anh thì bà Ơi đã khiếu nại và hòa giải thành công với ông Dũng tại trụ sở Ấp, đồng thời bà Ơi đã trả lại số tiền 3.600.000 đồng cho ông Dũng để mua lại hầm cá (có cả nền đất gia đình đang ở).

Gia đình cư trú ổn định tới năm 1996, khi địa phương vận động người dân kê khai đăng ký làm GCNQSDĐ, bà Ơi lên làm thủ tục thì bất ngờ ông Đoàn Thành Nghiệp đã đăng ký xin cấp quyền sử dụng khu đất này từ trước đó.

Tuy nhiên, qua các giấy tờ, chứng cứ liên quan đến mảnh đất đang tranh chấp thì ông Đoàn Thành Nghiệp không hẳn đã có liên quan đến thửa đất, đủ cơ sở để cơ quan chức năng TP.Rạch Giá cấp GCNQSDĐ cho ông.

Có hay không việc cố ý “đánh tráo khái niệm”?

Giấy biên nhận giữa ông Quách Thiện Tâm chồng bà Ơi với ông Đoàn Thành Nghiệp rõ ràng là một thỏa thuận dân sự, tự nguyện giữa ông Tâm và ông Nghiệp. Thỏa thuận giữa hai bên được xác lập sau khi hai bên đồng ý thực hiện cho nhau một việc nào đó, mà ở đây là việc san lấp hầm cá.

Có thể hiểu, ông Tâm viết biên nhận này để làm bằng chứng hay làm tin với ông Nghiệp về việc ông Tâm đã nhận tiền của ông Nghiệp để làm việc. Thỏa thuận kết thúc sau khi nghĩa vụ của hai bên được hoàn thành.

Nghĩa là, sau khi ông Tâm thực hiện san lấp hầm cá hoàn thành thì giấy thỏa thuận, biên nhận giữa hai bênhết hiệu lực. Do vậy, giấy biên nhận này hoàn toàn không phải là hợp đồng mua bán đất hay vay mượn và càng không phải là giấy thỏa thuận nhận tiền để đứng ra mua giúp đất cho ông Nghiệp(?).

Đó là chưa kể đến việc, ông Tâm là người không biết chữ nên không thể viết vàđọc hiểu các từ ngữ, văn bản. Ngoài ra, giấy biên nhận chỉ ghi là nhận tiền để san lấp giùm hầm cá, nhưng không hề ghi rõ là san lấp hầm cá nào, vị trí nằm ở đâu? Mặt khác, ông Tâm chồng bà Ơiđã chết từ rất lâu, không còn sống để đối chất hay làm rõ.

Vậy dựa vào đâu mà cơ quan chức năng TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang khẳng định, ông Tâm nhận tiền đểchuyển nhượng giùm đất ao cá và bờ dừa mà gia đình bà Ơi đang ở cho ông Nghiệp và chữ ký trên giấy biên nhận là của ông Tâm?

Về giao dịch giữa ông Nguyễn Hùng Dũng (ngụ 401/2 Mạc Cửu, P.Vĩnh Quang) và gia đình bà Ơi là một giao dịch mua bán hầm cá giữa hai bên, có người làm chứng và được thực hiện trước sự làm chứng của cơ quan chức năng và nhiều người dân địa phương. Thêm nữa, ông Dũng đã khẳng định mảnh đất ông bán lại cho gia đình bà Ơi chứ không phải ông Nghiệp(?!).

Giấy xác nhận của ông Dũng về việc nhượng đất cho bà Ơi

Như vậy, rõ ràng giao dịch mua bán giữa gia đình bà Ơi và ông Dũng đã được xác lập và thực hiện hoàn thành. Ông Nghiệp hoàn toàn không liên quan đến giao dịch mua bán này. Nếu có thì ông Nghiệp chỉ liên quan đến thỏa thuận ông Tâm nhận tiền để san lấp hầm cá cho ông Nghiệp.

Giữa hai giao dịch của ông Tâm, ông Nghiệp và giao dịch của gia đình bà Ơi và ông Dũng là hai giao dịch hoàn toàn khác nhau. Một là giao dịch nhận tiền để san lấp hầm cá, hailà giao dịch mua bán. UBND TP.Rạch Giá lấy cơ sở của sự việc này gán vào sự việc khác thì có phải là đã và đang cố tình đánh tráo khái niệm sự việc để thực hiện việc cấp GCNQSDĐ cho ông Nghiệp hay còn lý do nào khác?

Cần làm rõ trách nhiệm của những người liên quan

Ngày 24.5.2017, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang đã ra văn bản chỉ đạo 2532/VP-TCD về việc xem xét đơn khiếu nại của bà Quách Thị Kim Hương (con gái bà Ơi): “Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng có ý kiến chỉ đạo: Giao UBND TP.Rạch Giá chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra lại phần đất tranh chấp hiện nay đã được cấp GCNQSDĐ hay chưa và ai đang quản lý sử dụng; kết quả thực hiện cung cấp toàn bộ hồ sơ và có văn bản báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10.6.2107”.

Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Kiên Giang

Tuy nhiên, ngày 6.6.2017, Phó chủ tịch TP.Rạch Giá Nguyễn Văn Hôn tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu gia đình này phải rời khỏi mảnh đất hơn 30 năm cư ngụ.

Quyết định buộc gia đình bà Ơi rời khỏi nền đất đang cư ngụ của Phó chủ tịch TP.Rạch Giá Nguyễn Văn Hôn

Tiếp xúc với lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Rạch Giá, phóng viên được biết, tất cả những gì các phòng ban của UBND TP.Rạch Giá làm là dựa trên những quyết định đã có trước và căn cứ vào đó để ra các quyết định hành chính tiếp theo.

Vậy, từ khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, UBND TP.Rạch Giá đã thực hiện xác minh các vấn đề liên quan đến phần đất tranh chấpvà báo cáo lên UBND tỉnh như thế nào? Đây cũng là một câu hỏi mà phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới đặt ra trong khi trao đổi, nhưng không nhận được câu trả lời xác đáng.

Ngọc Thạnh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao UBND Rạch Giá kiên quyết cưỡng chế gia đình chính sách?