Bộ Y tế đang nỗ lực cao nhất để có thêm vắc xin phòng COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
GS. TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, ngay từ tháng 5.2020, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vắc xin phòng COVID-19.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, chỉ có vắc xin phòng COVID-19 mới đưa được cuộc sống trở lại bình thường nên Bộ Chính trị đã có chủ trương trong vấn đề về nhập khẩu, sử dụng, sản xuất, nghiên cứu với vắc xin.
Chính phủ cũng đã có những nghị quyết, văn bản chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ mua nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất và sử dụng vắc xin trên tinh thần để người dân tiếp cận nhanh nhất, rộng nhất, đảm bảo miễn dịch cho từng người dân và cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin: “Chúng tôi đã tích cực tiếp cận, trao đổi, đàm phán để có vắc xin phòng COVID-19. Đến nay số liều vắc xin đã có thông qua đàm phán là 110 triệu liều, dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021. Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán để đảm bảo mua đủ 150 triệu liều vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân Việt Nam".
"Một điều rất quan trọng là đảm bảo nguồn tài chính vững bền cho vắc xin. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng đã có quyết định thành lập quỹ về vắc xin. Đây là cơ chế tài chính vừa là huy động tổng lực những đóng góp của xã hội của các tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân, đồng thời đảm bảo ngân sách nhà nước để có vắc xin cho người dân. Chúng tôi cho rằng, đây là chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề huy động nguồn lực xã hội cho vấn đề về vắc xin.
Bộ Y tế đã tiến hành theo chỉ đạo của Thủ tướng kêu gọi tất cả tập đoàn, công ty đăng ký và đóng góp cho quỹ vắc xin này. Số lượng có thể nói là tương đối tốt. Chúng tôi tới đây kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm và mọi người dân tham gia vào quỹ vắc xin để chúng ta đảm bảo cơ chế tài chính về vắc xin trong tương lai", ông Long chia sẻ thêm.
Việt Nam đàm phán mua vắc xin Moderna
Chiều 28.5, ông Nguyễn Thanh Long họp với công ty Zuellig Pharma, đơn vị đại diện cung ứng vắc xin COVID-19 của Moderna (Mỹ) cho Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Zuellig Pharma cung ứng vắc xin cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất với giá cả hợp lý nhất để ứng phó kịp thời, hiệu quả với đại dịch. Zuellig Pharma cam kết sẽ sớm thảo luận với Moderna các đề xuất của Việt Nam.
Tương tự sản phẩm của Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức), vắc xin Moderna được phát triển bằng công nghệ mRNA, có khả năng kích thích tế bào người tạo ra protein virus. Sau đó, hệ miễn dịch tiếp xúc với protein và sinh ra kháng thể, các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh. Kết quả thử nghiệm vắc xin Moderna hiệu quả 90%.
Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) phê duyệt vắc xin Moderna vào ngày 6.1. Vắc xin này được tiêm chủng ở Mỹ, Canada, Đức, Hàn Quốc, Anh...
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30.4 đã phê duyệt vắc xin Moderna để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đây là loại vắc xin COVID-19 thứ 4 được duyệt sử dụng khẩn cấp, sau Pfizer, Astrazeneca và Johnson & Johnson.
Theo Bộ trưởng Y tế, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian qua và , Việt Nam nên việc tiếp cận vắc xin cũng hạn chế hơn. Do các đơn vị cung ứng vắc xin COVID-19 ưu tiên cho các khu vực là điểm nóng về dịch bệnh.
Covax Facility đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 38,9 triệu liều. Việt Nam cũng đề xuất Covax hỗ trợ Việt Nam thêm 10 triệu liều theo cơ chế chia sẻ chi phí.
Ông Long mong muốn các Đại sứ quán, các doanh nghiệp của các quốc gia tài trợ cho Covax tác động để có thêm vắc xin cho Việt Nam và đề nghị các nước có dư thừa vắc xin tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận được nhiều nguồn vắc xin.
Astrazeneca là vắc xin COVID-19 đang được tiêm ở Việt Nam. Đến nay, hơn 1 triệu người được tiêm vắc xin này. Trong đó, hơn 28.500 người được tiêm đủ 2 mũi.