Mỹ được cho là sắp duyệt gửi tên lửa Patriot cho Ukraine. Nếu được thông qua, đây sẽ là hệ thống tên lửa tiên tiến nhất phương Tây cấp cho Ukraine cho tới nay.

Việc Mỹ giao Patriot cho Ukraine có giúp lật ngược tình thế hay chỉ mang tính ‘biểu tượng’?

Hoàng Vũ | 15/12/2022, 17:35

Mỹ được cho là sắp duyệt gửi tên lửa Patriot cho Ukraine. Nếu được thông qua, đây sẽ là hệ thống tên lửa tiên tiến nhất phương Tây cấp cho Ukraine cho tới nay.

Các hệ thống tên lửa Patriot từ lâu đã là một mặt hàng hấp dẫn đối với các đồng minh Mỹ ở các khu vực tranh chấp trên thế giới. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Washington hỗ trợ trong nhiều tháng qua để tăng cường khả năng phòng không của đất nước mình.

Theo hãng thông tấn AP, các quan chức Mỹ đã xác nhận thỏa thuận này và dự kiến sẽ sớm có thông báo chính thức. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng hiệu quả của hệ thống này là hạn chế và nó có thể không phải là nhân tố thay đổi cục diện cuộc chiến tại Ukraine.

patriot-2.png
Hệ thống tên lửa Patriot được triển khai tại Ba Lan - Ảnh: AP

Hệ thống Patriot là gì?

Patriot là hệ thống tên lửa dẫn đường đất đối không được Mỹ triển khai lần đầu tiên vào những năm 1980 và có thể nhắm mục tiêu máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Mỗi khẩu đội Patriot gồm một radar phát hiện và theo dõi mục tiêu, các hệ thống máy tính, thiết bị phát điện, trạm điều khiển và tối đa 8 xe chở đạn kiêm bệ phóng, mỗi xe mang theo 4 đạn tên lửa.

Các khẩu đội Patriot thường xuyên được triển khai trên khắp thế giới. Ngoài ra, Patriot cũng được vận hành hoặc mua bởi Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Israel, Ả Rập Saudi, Kuwait, Đài Loan, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, Romania, Thụy Điển, Ba Lan và Bahrain.

Tom Karako, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ cho biết, hệ thống Patriot “là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa được vận hành rộng rãi, đáng tin cậy và đã được chứng minh”, và khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo có thể giúp bảo vệ Ukraine trước các tên lửa đạn đạo từ phía Nga.

Chi phí và nhân lực cho Patriot

Trong những năm qua, hệ thống và tên lửa Patriot đã liên tục được cải tiến và sửa đổi. Tên lửa đánh chặn hiện tại của hệ thống Patriot có giá khoảng 4 triệu USD và các bệ phóng có giá khoảng 10 triệu USD mỗi chiếc, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết trong báo cáo phòng thủ tên lửa hồi tháng 7. Với mức giá đó, việc dùng Patriot để bắn hạ các máy bay không người lái mà phía Nga và sử dụng ở Ukraine là không hiệu quả hoặc tối ưu về chi phí.

Mark Cancian, một cựu đại tá của Thủy quân lục chiến Mỹ và cố vấn cấp cao tại CSIS, cho biết: “Bắn một tên lửa trị giá hàng triệu USD vào một máy bay không người lái trị giá khoảng 50.000 USD là một đề xuất thất bại”.

Bên cạnh đó, một khẩu đội Patriot có thể cần tới 90 binh sĩ để vận hành và bảo trì. Mỹ đã miễn cưỡng cung cấp hệ thống phức tạp này vì việc cử lực lượng đến Ukraine để vận hành Patriot rất khó khăn. Ngoài ra, xuất hiện nhiều lo ngại rằng việc triển khai hệ thống này sẽ khiêu khích Nga, hoặc nguy cơ tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu bên trong nước Nga, làm leo thang xung đột hơn nữa.

Theo giới chức Mỹ, nhờ những lời khẩn cầu từ nhà lãnh đạo Zelensky cùng thiệt hại nghiêm trọng cơ sở hạ tầng dân sự tại Ukraine, Mỹ cuối cùng đã vượt qua sự dè dặt trong việc cung cấp Patriot cho Kyiv.

Tuy nhiên, quân đội Mỹ sẽ phải huấn luyện lực lượng Ukraine cách sử dụng và bảo trì hệ thống phức tạp này. Washington trước đó huấn luyện quân đội Ukraine về các hệ thống vũ khí khác, bao gồm Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS.

Khả năng của hệ thống Patriot

Theo các chuyên gia quân sự, hệ thống Patriot chỉ giúp Ukraine phòng thủ ở phạm vi hạn chế. Một cựu quan chức quân sự Mỹ cấp cao có kiến thức về Patriot cho AP biết hệ thống này sẽ chỉ có hiệu quả chống lại các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và thể hiện một thông điệp mạnh mẽ về sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng “nó sẽ không thay đổi cục diện cuộc chiến”.

Quan chức giấu tên này lưu ý rằng một khẩu đội Patriot có tầm bắn xa nhưng chỉ có thể bao phủ một khu vực hạn chế. Chẳng hạn, Patriots có thể bảo vệ hiệu quả một căn cứ quân sự nhỏ, nhưng không thể bảo vệ hoàn toàn một thành phố lớn như Kyiv và Mỹ chỉ có thể cung cấp để bảo vệ cho một phần của thành phố.

Raytheon, nhà sản xuất Patriot, cho biết hệ thống này đã tham gia vào 150 vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo kể từ năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của Patriot đã nhiều lần bị nghi ngờ. Năm 2018, thành công của Ả Rập Saudi trong việc sử dụng Patriot chống lại tên lửa do phiến quân Houthi bắn ở Yemen đã bị nghi ngờ khi xuất hiện các video về sự cố của hệ thống.

Bài liên quan
Thị trường chủ lực Mỹ có phải là 'điểm sáng' cho con tôm Việt Nam?
Liệu thị trường chủ lực như Mỹ có phải là điểm sáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm không khi mặt hàng này dù có cơ hội so với đối thủ cạnh tranh nhưng vẫn còn khó về giá cả, giữ thị phần, các rào cản thương mại, biến động thị trường...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc Mỹ giao Patriot cho Ukraine có giúp lật ngược tình thế hay chỉ mang tính ‘biểu tượng’?