Tội phạm về tham nhũng, chức vụ giảm nhưng đã khởi tố nhiều vụ án về tham nhũng gây thiệt hại đặc biệt lớn và nhiều bị can từng giữ chức vụ cao.

Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí: Tội phạm về tham nhũng, chức vụ giảm

Lam Thanh | 12/01/2021, 12:30

Tội phạm về tham nhũng, chức vụ giảm nhưng đã khởi tố nhiều vụ án về tham nhũng gây thiệt hại đặc biệt lớn và nhiều bị can từng giữ chức vụ cao.

Tại phiên họp thứ 52 diễn ra vào sáng 12.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

kiem-sat-1.jpg
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí - Ảnh: VPQH

Báo cáo về tình hình tội phạm, tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại phiên họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 375.884 vụ, tăng 1,2% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13.

“Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường tăng, nhiều vụ xảy ra trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đầu tư công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; tội phạm về tham nhũng, chức vụ giảm nhưng đã khởi tố nhiều vụ án về tham nhũng gây thiệt hại đặc biệt lớn và nhiều bị can từng giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước.

Phát hiện, khởi tố nhiều vụ án đan xen giữa tội phạm hình sự và tội phạm xâm phạm quản lý kinh tế; tội phạm sử dụng công nghệ cao có xu hướng tăng, nhất là các hành vi lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng internet; tội phạm về ma túy tăng nhiều nhất, số vụ có tính chất, quy mô lớn ngày càng nhiều.

Tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại và khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng, nhiều vụ khiếu kiện hành chính phức tạp, liên quan đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách kinh tế của Nhà nước”, ông Trí nói.

Ông Lê Minh Trí cho hay, trong nhiệm kỳ, toàn ngành kiểm sát đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; ban hành hơn 220.000 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh; trực tiếp kiểm sát gần 4.900 cuộc tại cơ quan điều tra…

Qua kiểm sát, đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, tăng 64%. Viện Kiểm sát trực tiếp quyết định khởi tố gần 150 vụ án, tăng 07%; hủy hơn 700 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án,...

Viện Kiểm sát đã trực tiếp lấy lời khai hơn 223.000 người bị bắt, tạm giữ; ban hành hơn 300.000 yêu cầu điều tra, tăng gần 70%; trực tiếp hỏi cung gần 200.000 bị can.

Quyết định không phê chuẩn trên 600 lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tăng gần 20%; trên 800 quyết định gia hạn tạm giữ, tăng gần 70%; trên 1.300 lệnh tạm giam, tăng gần 40%; trên 1.100 lệnh bắt bị can để tạm giam, tăng gần 50%. Viện Kiểm sát hủy bỏ gần 3.000 quyết định tạm giữ và yêu cầu bắt tạm giam trên 300 bị can...

Còn xảy ra một số trường hợp án oan

Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan và một số tồn tại cần có lộ trình, thời gian để khắc phục nên vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đáp ứng yêu cầu Quốc hội hoặc có chỉ tiêu không thể thực hiện.

Cụ thể là còn có trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam sau phải trả tự do không xử lý hình sự; còn để xảy ra một số trường hợp oan; trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vi phạm tố tụng; chất lượng kháng nghị các vụ án hành chính còn thấp; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội...

Theo ông Trí, những hạn chế, tồn tại trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do các vụ việc tăng thêm nhiều trong tất cả các lĩnh vực, nhiều nhiệm vụ tăng thêm theo quy định của pháp luật nhưng các đơn vị đều phải cắt giảm biên chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với đó, một số quy định mới của pháp luật nhận thức chưa thống nhất nhưng chậm được hướng dẫn thực hiện; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ luật nghiệp vụ của một bộ phận lãnh đạo, Kiểm sát viên còn hạn chế; một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo; phương pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số đơn vị chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, ngành kiểm sát đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường chỉ đạo, giám sát các bộ, ngành hữu quan trong việc giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất những quy định pháp luật còn vướng mắc trong nhận thức giữa các cơ quan tư pháp.

Cùng với đó, quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng cơ chế, biện pháp hữu hiệu để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quyền kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát trong kiểm sát hoạt động tư pháp; trong việc xây dựng cơ chế, chính sách về cán bộ, tạo điều kiện xây dựng đội ngũ công chức ngành kiểm sát đủ bản lĩnh, năng lực đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội; tập trung giám sát những vấn đề mang tính vĩ mô, chiến lược của các vùng, miền, bộ, ngành, của đất nước, nội dung vấn đề thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri; hạn chế những chất vấn mang tính sự vụ, cá biệt tại các kỳ họp của Quốc hội.

Phần đánh giá nguyên nhân chủ quan chưa sâu sắc

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Tuy nhiên, phần đánh giá về nguyên nhân chủ quan trong các báo cáo chưa thật sự sâu sắc, cần được đánh giá đầy đủ hơn.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao triển khai các giải pháp quyết liệt, hạn chế đến mức thấp nhất việc làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm; chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp tiếp tục tăng cường kiểm sát chặt chẽ, thường xuyên việc tạm đình chỉ điều tra, định kỳ hằng năm rà soát các trường hợp tạm đình chỉ điều tra, nhất là các vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự để yêu cầu phục hồi điều tra khi có căn cứ.

kiem-sat.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - Ảnh: VPQH

Đồng thời, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có các giải pháp khắc phục những hạn chế trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, các vụ án hành chính và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, bảo đảm chỉ tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; bảo đảm tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đạt chỉ tiêu của Quốc hội; tăng cường phát hiện tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị báo cáo cần làm rõ hơn vấn đề tranh tụng tại Phiên tòa, vai trò của Luật sư trong việc tham gia sớm vào các vụ án. Bên cạnh đó, cần báo cáo rõ nét hơn về việc điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án về xâm hại trẻ em.

Bài liên quan
Tham nhũng có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện
Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện; vụ, việc được phát hiện, xử lý chưa tương xứng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
4 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí: Tội phạm về tham nhũng, chức vụ giảm