Việt Nam có nên để bị nỗi ám ảnh với nguy cơ mất an ninh lương thực tiếp tục chi phối nữa hay không và vì sao chúng ta lại quá ám ảnh với nguy cơ mất an ninh lương thực đến vậy?

Việt Nam cần gạt bỏ ám ảnh về nguy cơ mất an ninh lương thực

Một Thế Giới | 22/03/2016, 08:43

Việt Nam có nên để bị nỗi ám ảnh với nguy cơ mất an ninh lương thực tiếp tục chi phối nữa hay không và vì sao chúng ta lại quá ám ảnh với nguy cơ mất an ninh lương thực đến vậy?

Câu chuyện nóng nhất trong nền kinh tế Việt Nam những ngày gần đây là cuộc tranh luận trong lĩnh vực nông nghiệp về việc cải tổ cơ cấu nền nông nghiệp quốc gia, khi mà tình trạng hạn hán và xâm mặn kỷ lục đang diễn ra tại đồng bằng sông Cửu Long.
Ở một khía cạnh, đó là một thảm họa thiên tai (và cả nhân tai nữa) đáng buồn đối với nền nông nghiệp và xã hội Việt Nam; nhưng ở một khía cạnh khác nó lại đặt ra một cách bức thiết nhất câu hỏi mà chúng ta đã lờ đi trong nhiều năm qua: Liệu Việt Nam có nên tiếp tục xem lúa là cây trồng chủ đạo trong nền nông nghiệp nữa hay không. Nói cách khác, Việt Nam có nên để bị nỗi ám ảnh với nguy cơ mất an ninh lương thực tiếp tục chi phối nữa hay không và vì sao chúng ta lại quá ám ảnh với nguy cơ mất an ninh lương thực đến vậy?
Vấn đề chuyển đổi cây trồng chủ đạo từ cây lúa sang các giống cây trồng khác có năng suất và giá trị cao hơn đã được nhắc đến từ lâu; nhưng chưa bao giờ nó được đặt ra một cách bức thiết như ở thời điểm hiện tại. 
Việc hạn hán và xâm mặn diễn ra trên diện rộng và nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm trở lại đây khiến cho tất cả người Việt Nam, đặc biệt là người dân đồng bằng sông Cửu Long, nhận ra rằng: tiếp tục trồng lúa trên phần lớn diện tích của các tỉnh Nam Bộ như trước đây là điều không thể. Để tiếp tục trồng lúa trên phần lớn diện tích đồng bằng sông Cửu Long như trước, Việt Nam có thể sẽ phải tiêu tốn hàng tỷ USD xây dựng hệ thống hồ chứa nước ngọt và các công trình đê chống xâm mặn trên khắp Nam Bộ và đó chắc chắn sẽ là sự lãng phí to lớn. 
Việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và cơ cấu nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long là điều không thể trì hoãn, tuy nhiên nó vẫn bị cản trở bởi một lý do dường như quá cũ: An ninh lương thực.
Theo đó, ngay cả khi tình hình ngập mặn đang tàn phá ngành nông nghiệp của 8/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và yêu cầu về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để thích nghi với điều kiện mới để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán và xâm mặn trở nên cấp bách hơn, thì trong bản báo trước Quốc Hội khóa XIII, con số diện tích trồng lúa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng và cơ cấu nuôi trồng vẫn được xem là khá hạn chế. Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, đến năm 2020 diện tích trồng lúa trên cả nước sẽ giảm 52.040 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước sẽ giảm 92.950 ha.
Như vậy, cả nước sẽ vẫn còn khoảng 3.760.390 ha diện tích đất trồng lúa, trong đó có 400.000 ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng không được làm mất các điều kiện phù hợp để khi cần vẫn có thể trồng lúa trở lại. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, với diện tích 3.760.390 ha nếu thâm canh vẫn có thể đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai, kể cả khi dân số Việt Nam tăng lên 120 triệu người trong những năm sắp tới. 
Nói cách khác, vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cơ cấu trong nền nông nghiệp Việt Nam sẽ vẫn ưu tiên đặt mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia lên hàng đầu, thay vì các yếu tố về kinh tế như năng suất hay giá trị gia tăng.
Nếu đứng trên góc nhìn từ nước ngoài, thật khó hiểu vì sao Việt Nam lại quá chú trọng đến vấn đề an ninh lương thực, thậm chí có thể coi như một sự ám ảnh đến nỗi nó có thể chi phối bất cứ một đề xuất cải tổ nền nông nghiệp nào. Hiện tại, Việt Nam là một trong số những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, trung bình mỗi năm xuất khẩu tới 6-7 triệu tấn gạo. Rõ ràng, chúng ta không những không phải lo về an ninh lương thực, mà còn là một trong số các quốc gia có nhiều điều kiện nhất để cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị khi mà số thóc gạo dư thừa hàng năm thuộc diện cao nhất thế giới. 
Với số thóc dư thừa để dành cho xuất khẩu lên tới 6-7 triệu tấn mỗi năm thì con số 100.000 ha đất nông nghiệp được phép chuyển đổi mục đích sử dụng vẫn là quá thấp để có thể chạm đến mức độ đe dọa an ninh lương thực quốc gia.
Chưa kể, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc cố gắng đảm bảo an ninh lương thực như một yêu cầu cao nhất cùa Việt Nam là không thực tế. Rất nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới có dân số lớn hơn Việt Nam và đồng nghĩa với việc các nước này có nhiều lý do hơn để lo lắng về tình trạng mất an ninh lương thức hơn Việt Nam, nhưng họ vẫn dành đất cho phát triển kinh tế và sẵn sàng nhập khẩu lương thực. 
Điển hình là Trung Quốc, với dân số 1,4 tỷ người và luôn thường trực với nỗi lo mất an ninh lương thực, nước này vẫn sẵn sàng chấp nhận quá trình đô thị hóa ồ ạt mà phần lớn là sử dụng đất nông nghiệp và nhập khẩu thóc gạo lên tới 4 triệu tấn mỗi năm. Một trường hợp khác là Malaysia đã chuyển đổi mạnh mẽ cây trồng từ lúa gạo sang cây cọ để lấy dầu có giá trị cao hơn lúa nhiều lần và sẵn sàng nhập khẩu 1,1 triệu tấn gạo mỗi năm. Đây được xem là xu hướng đang được nhiều quốc gia chuyên sản xuất lúa gạo muốn đi theo, như là Thái Lan. 
Sở dĩ các nước như Trung Quốc hay Malaysia sẵn sàng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng gia tăng giá trị và sẵn sàng đối mặt với tình trạng thiếu an ninh lương thực là vì họ hiểu rằng, có thể đi mua gạo với giá rẻ và dành đất cho các mục tiêu kinh tế có giá trị lớn hơn. Họ cũng chẳng cần lo lắng về việc phụ thuộc vấn đề an ninh lương thực của mình vào nước ngoài thông qua việc nhập khẩu gạo, vì đó là điều bình thường trong một thế giới đang ngày càng toàn cầu hóa mạnh hơn.
Vì thế, Việt Nam không có lý do gì chấp nhận thiệt thòi để tiếp tục giữ vai trò cứu tinh của nền an ninh lương thực toàn cầu bằng cách tiếp tục trồng lúa để đảm bảo nguồn nhập khẩu gạo cho các quốc gia khác cả. 
Trên thực tế, ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm hơn đến vấn đề phát triển lương thực, như Ấn Độ đã vượt mặt Thái Lan để trở thành nhà xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới. Trên thực tế, khi mà vấn đề an ninh lương thực ngày càng nóng lên thì sản lượng lúa gạo và lương thực sản xuất ra trên khắp thế giới cũng sẽ nhiều hơn. Việt Nam hoàn toàn có thể không cần lo lắng về việc ai sẽ giữ vai trò đảm bảo nguồn cung cấp lương thực toàn cầu để tập trung tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, như Malaysia đã làm.
Hơn nữa, việc quá bị ám ảnh bởi nguy cơ mất an ninh lương thực đang đem lại những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. 
Trước hết, nó cản trở nghiêm trọng quá trình đô thị hóa và chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực như công nghiệp và dịch vụ. Vì nếu diện tích đất trồng lúa không giảm hoặc giảm không đáng kể thì nó vẫn sẽ thu hút một lượng lao động quá lớn tại khu vực này. Hiện tại số lao động Việt Nam trong nông nghiệp vẫn chiếm tới hơn 60% lao động trên cả nước. 
Thứ hai, nó sẽ gây ra tình trạng lãng phí khổng lồ mà vấn đề hạn hán và xâm mặn tại đồng bằng sông Cửu Long là một ví dụ. Nếu diện tích đất trồng lúa được phép chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và chăn nuôi quá thấp sẽ đồng nghĩa với việc số tiền mà Việt Nam phải bỏ ra để cải tạo tình trạng xâm mặn ở Nam Bộ sẽ tăng gấp nhiều lần, vì diện tích cần cải tạo và phòng chống xâm mặn sẽ lớn hơn.
Hiện tại, sự lãng phí nguồn lực ghê gớm nhất ở Việt Nam chính là trong ngành nông nghiệp. Tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam hàng năm chỉ đạt 2-3 tỷ USD - một con số quá thấp trong vấn đề sử dụng gần 4 triệu ha đất trồng lúa trên cả nước. Trong khi đó chúng ta vẫn phải nhập khẩu tới 1,5 tỷ USD ngô mỗi năm vì diện tích đất trồng ngô quá thấp, không đủ phục vụ nhu cầu của ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đó mới chỉ là một ví dụ nhỏ cho những hậu quả nghiêm trọng mà chúng ta đang phải trả giá chỉ vì một nỗi lo không có nhiều căn cứ mang tên “an ninh lương thực”.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, The Saigon Times, Tintucnongnghiep, Thanhnien)

Bài liên quan
Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao: Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine
Chiều 21.11, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam cần gạt bỏ ám ảnh về nguy cơ mất an ninh lương thực