Sau quyết định tăng thuế của Bộ Công thương, không chỉ giá thép trên thị trường tăng giá mà cổ phiếu ngành thép những ngày gần đây cũng tăng khá mạnh.
Theo đó, cổ phiếu DNY (Công ty cổ phần thép Dana- Ý) đã tăng 300 đồng, lên 5.300 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, mã HPG (Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát) đã tăng 1.500 đồng lên 29.300 đồng/cổ phiếu.
Mã VIS ( Công ty cổ phần thép Việt Ý) cũng tăng từ 6.400 đồng tăng lên 7.100 đồng/cổ phiếu. TIS (Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên) từ 5.200 đồng lên 7.200 đồng/cổ phiếu. POM (Công ty cổ phần thép Pomina) tăng 200 đồng lên 6.700 đồng/cổ phiếu.
Theo đánh giá của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các doanh nghiệp ngành thép đang được hưởng lợi sau quyết định áp thuế của Bộ Công thương. Tuy nhiên, chỉ những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng tự chủ phôi thép như HPG, VIS, POM, TIS, DNY, POM mới được hưởng lợi do giảm bớt lo ngại về phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, những doanh nghiệp không sở hữu nhà máy phôi và phải mua ngoài toàn bộ như VGS (Công ty cổ phần ống thép Việt Đức) sẽ bị thiệt hại đầu tiên khi thuế nhập khẩu phôi tăng lên. Còn các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ như HSG (Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen), TLG (Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long), NKG (Công ty cổ phần thép Nam Kim), HLA (Công ty cổ phần Hữu Thiên Á Châu) sẽ không được hưởng lợi gì từ quyết định này.
Mặc dù vậy, Công ty chứng khoán VCBS cho rằng sự phục hồi mạnh mẽ trong ngắn hạn của giá quặng sắt cũng như thép thành phẩm chưa phản ánh đúng cung cầu trên thị trường lúc này.
Theo VCBS, lượng tồn kho thép của Trung Quốc lúc này còn khoảng 500 triệu tấn. Bất chấp việc Trung Quốc đã cắt giảm 1,8 triệu nhân công ngành thép và giảm sản lượng than cốc 500 nghìn tấn/năm nhưng lượng tồn kho còn quá lớn để hấp thụ hết trên thị trường trong năm nay.
Chưa kể, việc phục hồi của giá quặng sắt được cho là kết quả của hoạt động đầu cơ sau giai đoạn giảm sâu chứ không hẳn đến từ nguồn cầu tăng mạnh trên thế giới. VCBS nhận định việc quặng sắt phục hồi sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất quặng đẩy mạnh nguồn cung để nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho.
Với những yếu tố trên, VCBS nói rằng, không nên kỳ vọng quá nhiều vào “sóng lớn” từ cổ phiếu ngành thép. Rủi ro ngắn hạn có thể sẽ gia tăng, nhất là trong bối cảnh cổ phiếu thép cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhịp hồi phục mạnh từ đầu năm và áp lực điều chỉnh đang khá lớn.
Trong một diễn biến khác, ngày 16.3, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đã đưa ra một số ý kiến lưu ý các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh phôi thép và thép dài xây dựng.
Theo VSA, sau một thời gian dài giảm sút, thị trường nguyên liệu thép thế giới có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhận định việc tăng trưởng trở lại chưa có dấu hiệu chắc chắn.
Thêm vào đó, tác động tâm lý của các nhà thương mại muốn tích trữ để đầu cơ. VSA dự đoán giá thép sẽ tăng do việc áp thuế tự vệ thương mại đối với phôi thép và thép dài theo quyết định áp thuế thép nhập khẩu của Bộ Công Thương.
Do đó, VSA khuyến nghị các doanh nghiệp xuất phôi và thép dài trong nước ổn định, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường thép trong nước. Đồng thời, có kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý, đẩy mạnh sản xuất phôi thép và thép dài, cung cấp đủ nhu cầu trong nước với chất lượng và giá cả cạnh tranh phù hợp với biến động thị trường giá thép thế giới.
VSA cũng cho biết, nhu cầu thực tế về phôi thép và thép xây dựng trong nước tiếp tục tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2015, đầu năm 2016. Trong 2 tháng đầu năm 2016, tổng bán hàng thép các loại tăng hơn 100%, trong đó thép xây dựng tăng 56,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo chu kỳ kinh doanh hàng năm, dự báo nhu cầu thép xây dựng sẽ tiếp tục tăng trong 2 tháng tới do đang trong mùa khô, thích hợp cho việc xây dựng.
Phan Diệu