Cả nước có gần 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Việt Nam là quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á và số lượng vốn công bố đầu tư vào lĩnh vực này tăng cao.
Chính phủ vừa gửi báo cáo về tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa 14 và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa 13 trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH-CN).
Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo
Theo báo cáo, cả nước có gần 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Một số ngành đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như công nghệ giáo dục, công nghệ tài chính, hay trong các lĩnh vực truyền thống như du lịch, bất động sản.
Số vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên tiếp tăng trưởng cao (đạt xấp xỉ 1 tỉ USD liên tiếp trong năm 2019, 2020, tăng gấp 3 lần so với năm 2017), đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo.
Cả nước hiện có hơn 200 không gian làm việc chung, 84 cơ sở ươm tạo, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 208 quỹ đầu tư mạo hiểm với 40 quỹ đầu tư nội địa, 3 kỳ lân công nghệ với tổng vốn đầu tư mạo hiểm 494 triệu USD, khoảng 138 trường đại học, học viện, cao đẳng tổ chức những hoạt động về khởi nghiệp sáng tạo (trong đó có 43 trường đã thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ nhằm hỗ trợ khởi nghiệp lâu dài).
Ngoài ra, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) với mục tiêu kết nối và khai thác nguồn lực trong nước, quốc tế cho khởi nghiệp ĐMST; thí điểm, nhân rộng mô hình khu dịch vụ tập trung hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, không gian khởi nghiệp ĐMST.
Khó thu hút chuyên gia người Việt ở nước ngoài
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 134/2020/QH14 vẫn còn khó khăn, vướng mắc do nhận thức về hoạt động đặc thù của KH-CN; nhận thức về tính rủi ro, độ trễ cũng như tầm quan trọng của KH-CN và ĐMST đối với sự phát triển KT-XH ở các cấp các ngành còn hạn chế.
Trong đó, chính sách, pháp luật về KH-CN và ĐMST hiện hành còn chồng chéo, thiếu đồng bộ với các chính sách trong các lĩnh vực khác, chưa phù hợp với đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
“Việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài tham gia vào các hoạt động KH-CN trong nước còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai”, báo cáo nêu.
Báo cáo cũng cho biết thị trường KH-CN còn chậm phát triển, thể chế, chính sách phát triển thị trường KH-CN còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa khuyến khích “đầu tư mạo hiểm” vào các dự án KH-CN; chưa tạo ra sự gắn kết, vận hành theo cơ chế “đặt hàng” giữa doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu KH-CN.
Hầu hết các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc chính phủ chưa có những chiến lược thay đổi mạnh về việc sắp xếp lại tổ chức KH-CN công lập thuộc thẩm quyền quản lý.
Nhiều tổ chức KH-CN trong nhiều ngành, lĩnh vực còn thiếu tự chủ trong hoạt động, phụ thuộc vào cơ chế hỗ trợ của nhà nước. Việc thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KH-CN công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KH-CN về “độ trễ”, “tính rủi ro”; chưa tạo điều kiện cho các tổ chức KH-CN công lập tự chủ toàn diện.
Đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH-CN
Báo cáo của Chính phủ cho hay rằng để khắc phục, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế nêu trên, ngoài tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thì cần tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Trong đó, cần hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH-CN. Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH-CN để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội.
Chính phủ cũng đề nghị nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các rào cản trong chính sách, pháp luật về kinh tế, tài chính, đầu tư, đấu thầu... với pháp luật KH-CN theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15.
Bộ KH-CN được giao phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng, hoàn thiện Nghị định số 70/2018/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản hình thành trong nhiệm vụ KH-CN sử dụng vốn nhà nước, nhằm thúc đẩy chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào đời sống.
Ngoài ra, cần đổi mới tư duy về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH-CN công lập phù hợp với thông lệ quốc tế; xây dựng Nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH-CN công lập, phù hợp với đặc thù của hoạt động KH-CN, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, trọng dụng các nhà khoa học, chuyên gia giỏi trong nước và nước ngoài.
Nội dung nữa, là tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh đổi mới công nghệ, coi đây là một trong những giải pháp trọng tâm để mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành và cả nền kinh tế có thể nâng cao năng suất lao động.