Trong báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam đứng thứ 67 trong 141 nền kinh tế năm nay, mức tăng 10 bậc của Việt Nam là nhiều nhất và cũng là duy nhất trên thế giới lần này.

Việt Nam tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu

Bùi Trí Lâm | 09/10/2019, 13:41

Trong báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam đứng thứ 67 trong 141 nền kinh tế năm nay, mức tăng 10 bậc của Việt Nam là nhiều nhất và cũng là duy nhất trên thế giới lần này.

Trong "Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019", WEFđã ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của một số nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và thương mại đang khiến kinh tế thế giới trở nên bất ổn, và có thể làm giảm tốc thương mại toàn cầu.

WEF xếp hạng Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh thứ 67 thế giới trong năm 2019, với 61,5 điểm - tăng 10 bậc và tăng 3,5 điểm so với năm 2018. WEF cho rằng Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài để trở thành một trung tâm thương mại của khu vực.

Xét về các hạng mục chính, Việt Nam xếp hạng khá cao về chỉ số Market Size (Quy mô thị trường) - đứng thứ 26. Các chỉ số còn lại giao động từ hạng 41 đến hạng 93. Về các chỉ số thành phần, Việt Nam nằm trong nhóm có nguy cơ khủng bố thấp nhất thế giới và lạm phát ổn định nhất thế giới. Cả hai hạng mục này Việt Nam đạt trọn vẹn 100 điểm.

Trong 12 trụ cột của WEF, Việt Nam được đánh giá cao nhất tại Sức khỏe, với 81 điểm, đứng thứ 71. Thấp nhất là Năng lực Sáng tạo, chỉ được 37 điểm, đứng thứ 76. Dù vậy, lĩnh vực này đã có cải thiện so với năm ngoái. Nhìn chung, gần như tất cả lĩnh vực của Việt Nam đều tăng điểm.

Vị trí 67 cũng là vị trí cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay trên bảng xếp hạng của WEF. Mặt khác, Việt Nam cũng là quốc gia được đánh giá có mức tăng cao nhất trên thế giới trong năm nay.

Trong báo cáo của WEF năm nay, Mỹ đã mất ngôi nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới và nhường lại cho Singapore. Hai quốc gia này được chấm điểm lần lượt 84,8 và 83,7.

"Đảo quốc Sư tử" đã vượt Mỹ để đạt vị trí dẫn đầu trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ, do các "trận chiến thuế quan" giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã khiến lưu thông thương mại chuyển hướng qua các cảng biển ở Singapore.

Ngoài ra, nước này cũng đứng đầu danh sách về cơ sở hạ tầng, bao gồm chất lượng đường sá và hiệu quả của các cảng và sân bay. Chỉ số hệ thống tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô của Singapore cũng tăng xếp hạng. Mặc dù vậy, báo cáo của WEF cũng chỉ ra rằng "để trở thành trung tâm đổi mới toàn cầu, Singapore sẽ cần thúc đẩy tinh thần kinh doanh và cải thiện hơn nữa nền tảng kỹ năng của mình".

Mỹ rơi xuống vị trí thứ hai trong báo cáo của WEF - từ 85,6 điểm trong năm 2018 xuống 83,7 điểm trong năm 2019. Sự trượt dốc của Mỹ được cho là có một phần nguyên nhân liên quan những căng thẳng về thuế quan và các chính sách thương mại giữa nước này và các nước khác. WEF nhận định rằng Mỹ "vẫn là một cường quốc đổi mới" và nền kinh tế cạnh tranh thứ hai thế giới, mặc dù một số dấu hiệu rắc rối đã xuất hiện.

Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng 4 điểm để giành vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, với số điểm 83,1. Trong khi đó, Hà Lan và Thụy Sĩ lần lượt đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 5.

Top 10 chủ yếu là các đại diện châu Âu, Hà Lan và Thụy Sĩ còn có Đức (7), Thụy Điển (8), Anh (9) và Đan Mạch (10). Còn lại là ba nền kinh tế châu Á, ngoài Singapore và Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản đứng thứ 6. Đông Á -Thái Bình Dương vì vậy là khu vực cạnh tranh nhất thế giới, theo sau là châu Âu và Bắc Mỹ.

Báo cáo của WEF được công bố thường niên, kể từ năm 1979. WEF xếp hạng các nền kinh tế thông qua 103 tiêu chí được chia thành 12 cột trụ. Các cột trụ này được chia vào 4 nhóm chính, gồm Môi trường Thuận lợi (Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Sự phổ cập công nghệ thông tin -viễn thông, Ổn định vĩ mô), Thị trường (Sản phẩm, Lao động, Hệ thống Tài chính, Quy mô thị trường), Nhân lực (Sức khỏe, Kỹ năng) và Hệ sinh thái Đột phá sáng tạo (Sự năng động trong kinh doanh, Khả năng đột phá). Với mỗi trụ cột, WEF sử dụng thang điểm 100 để đánh giá nền kinh tế đó đã tiến gần mức trạng thái cạnh tranh lý tưởng hay mới sơ khai.

Liên tục từ năm 2014 tới nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tiếp nối các Nghị quyết ngày, đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01.01.2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Một trong những mục tiêu được đặt ra tại Nghị quyết là nâng vị trí Việt Nam trong bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh - GCI 4.0 của WEF tăng 5 - 10 bậc; riêng trong năm 2019 tăng 3-5 bậc.

Lam Thanh
Bài liên quan
Bộ Tư pháp Mỹ: Google phải bán Chrome để khôi phục sự cạnh tranh trong tìm kiếm trực tuyến
Google phải bán trình duyệt Chrome, chia sẻ dữ liệu và kết quả tìm kiếm với các đối thủ cạnh tranh và thực hiện các biện pháp khác, gồm cả việc có thể bán Android, để chấm dứt tình trạng độc quyền của mình trong tìm kiếm trực tuyến, các công tố viên trình bày với một thẩm phán hôm 20.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu