Lựa chọn thị trường ngách không cần phải tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới mà chỉ cần có những sáng tạo phù hợp từ một sản phẩm đã có. Tuy nhiên, trước thị trường ngách đầy tiềm năng thì doanh nghiệp cần thận trọng trong việc đánh giá đặc điểm nhu cầu của thị trường.
Lựa chọn chiến lược: "Dẫn đầu hay theo gót?" là câu hỏi mang tính thời sự cao trong “thị trường 600” dự báo sẽ thu hút nhiều doanh nhân khởi nghiệp và “tái khởi nghiệp” quan tâm tại Diễn đàn Vietnam CEO Forum 2015 diễn ra vào ngày 24.9 tới.
Trong các chiến lược kinh doanh mang tính sống còn mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt trước những thách thức lớn về sự thay đổi của thị trường vào cuối năm nay sau khi Việt Nam chính thức gia nhập khối cộng đồng kinh tế chung ASEAN (gọi tắt là AEC), “dẫn đầu hay theo gót” là hai sự lựa chọn về chiến lược tối quan trọng mà các doanh nhân trẻ cần quan tâm trước thềm hội nhập.
Bà Trương Lý Hoàng Phi – Trưởng bộ phận Truyền thông và đối ngoại của Vietnam CEO Forum 2015 cho rằng mặc dù doanh nghiệp trong nước khởi nghiệp hay tái khởi nghiệp đều sẽ gặp nhiều trở ngại lớn khi phải đối đầu với những doanh nghiệp đã khá mạnh trong khu vực. Tuy nhiên, với thế mạnh về tính sáng tạo cao và thị trường lớn đầy tiềm năng, chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam vẫn tạo ra cho mình nhiều cơ hội bứt phá, đặc biệt là khi khai thác thị trường ngách.
Theo bà Phi, để dẫn đầu như Vinamilk thì tổng doanh thu trong năm 2014 đạt 34.977 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân khoảng 22% mỗi năm, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước trong 10 năm qua hơn 19.000 tỉ đồng. Do đó, doanh nghiệp cần xác định sản phẩm chủ lực cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng, đồng thời khai thác sâu hơn về tính sáng tạo và sự kiên trì, sức chịu đựng dẻo dai về mọi mặt trong kinh doanh vốn là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam.
Thế nhưng các “ông lớn” cũng đang khai thác khá thành công thị trường ngách. Theo đó, bài học dễ nhận biết đó là từ sản phẩm trà xanh C2 của Công ty TNHH URC Việt Nam đã chọn tiếp cận khách hàng bằng các phương pháp tương tự và đã phát triển cực nhanh. Có thời điểm C2 phát triển nóng, tăng trưởng đến 97%/năm. “Ngách” mà C2 chọn để tấn công thị trường là truyền thông mạnh cho chất lượng “chế biến từ 100% trà xanh Thái Nguyên”, một địa danh trồng trà nổi tiếng của Việt Nam.
“Đôi khi, doanh nghiệp lựa chọn thị trường ngách không cần phải tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới mà chỉ cần có những sáng tạo phù hợp từ một sản phẩm đã có, đồng thời có chiến dịch tiếp thị thu hút sự chú ý của người tiêu dùng”, bà Trương Lý Hoàng Phi gợi ý về chiến lược “theo gót” vốn dễ áp dụng hơn dành cho đa số doanh nghiệp khởi nghiệp và tái khởi nghiệp với quy mô vừa và nhỏ thay vì nỗ lực tập trung vào phần nhỏ của thị trường lớn.
Tuy nhiên, trước thị trường ngách đầy tiềm năng này thì doanh nghiệp cần thận trọng trong việc đánh giá đặc điểm nhu cầu của thị trường. Cần xem xét những điều mà doanh nghiệp đang hình dung về thị trường ngách có thực sự đúng đắn chưa. Điều này liên quan đến việc đánh giá tiềm năng của thị trường, cách tiếp cận của doanh nghiệp đối với khách hàng mục tiêu.
Nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm kiến thức, cập nhật các cơ hội và thách thức sắp tới cũng như học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tiễn về hội nhập của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, Vietnam CEO Forum 2015 cam kết mang đến cho người tham dự những thông tin bổ ích và thiết thực. Đồng thời, diễn đàn này còn là cầu nối đối thoại song phương giữa CEO với đại diện các ban ngành chính phủ.
Được biết, Vietnam CEO Forum 2015 có sự hiện diện của ông Hà Hùng Cường – Bộ trưởng Bộ Tư Pháp và ông Trần Tuấn Anh – Thứ trưởng Bộ Công Thương để cùng thảo luận về chủ đề chính của chương trình “CEO 3.0 – Khởi đầu sứ mệnh Tư duy 90 hay 600?” nhằm tìm ra tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và Chính phủ trong công cuộc đổi mới để hội nhập.
Phan Diệu