Vinalines dự kiến thu về ít nhất 16,1 tỉ đồng nếu bán thành công 13.440.239 cổ phiếu VST của Công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart).
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo việc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Công ty TNHH MTV (Vinalines - MVN) đưa 13.440.239 cổ phiếu VST của CTCP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart) ra bán đấu giá với giá khởi điểm là 1.200 đồng/cổ phiếu.
Số cổ phần mang ra đấu giá chiếm 22,03% vốn điều lệ của Vitranschart. Trong khi đó Vinalines hiện là cổ đông mẹ nắm giữ tổng cộng 35,4 triệu cổ phần tương ứng 58% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Vitranschart.
Theo đó, mức giá khởi điểm sẽ là 1.200 đồng/cổ phần. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào 8 giờ 30 phút ngày 5.12 tới tại HNX. Trong khi ngày hôm nay (8.11), mã cổ phiếu VST được giao dịch với giá là 700 đồng/cổ phiếu. Dự kiến nếu số cổ phần lần này được bán ra thành công sẽ thu về được ít nhất 16,1 tỉ đồng.
Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam tiền thân là Công ty Vận tải biển Miền Nam Việt Nam, được thành lập năm 1975. Ngành nghề kinh doanh chính là: vận tải đường biển, đường thủy, đường bộ đa phương thức; khai thác cảng biển, cảng sông; kinh doanh kho, bãi; dịch vụ logistic...
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm nay, Vitranschart lỗ đến 182 tỉ đồng. Theo đó, lỗ luỹ kế của doanh nghiệp này lên đến 1.485 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 860 tỉ đồng. Đáng chú ý, Vitranschart có tổng tài sản là 1.367 tỉ đồng, nhưng nợ phải trả lên đến 2.228 tỉ đồng, vượt 63% tổng tài sản.
Vitranschart đã lỗ 5 năm liên tiếp kể từ 2012 đến năm 2017. Năm 2018 sẽ là năm thứ 6 đơn vị này tiếp tục thua lỗ khi Vitranschart đặt mục tiêu kinh doanh lỗ 302,2 tỉ đồng.
Chia sẻ tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vào tháng 8 vừa qua, Vinalines cho biết dự kiến sẽ có 6-7 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển cũng sẽ được Vinalines thoái vốn.
Chủ tịch HĐTV Vinalines - Lê Anh Sơn cho biết, một số công ty như Công ty CP Vận tải biển Việt Nam, Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Cảng Cái Lân, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông với những nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục do lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, Vinalines sẽ sớm có kế hoạch thoái vốn trong thời gian tới.
Chủ tịch Vinalines cũng khẳng định: "Những doanh nghiệp mang tới kết quả thua lỗ trên báo cáo tài chính, chúng tôi sẽ thoái vốn hết. Chỉ giữ lại những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích trong hoạt động chuỗi của chúng tôi".
Tuyết Nhung