Cục Thuế TP.Hà Nội kỳ vọng sau khi sáp nhập một số chi cục thuế sẽ nâng cao được hiệu lực quản lý thuế trên địa bàn.
Trước việc Cục Thuế TP.Hà Nội tiến hành sáp nhập một số chi cục thuế trên địa bản, báo Một Thế Giới đã phỏng vấn ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.Hà Nội về những nội dung đáng lưu ý.
Thưa ông, đâu là những mục tiêu hướng đến khi Cục Thuế TP.Hà Nội chủ động sắp xếp, thu gọn đầu mối các chi cục thuế?
Mục đích lần sắp xếp này của Cục Thuế là nhằm hướng đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế trên địa bàn, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó là tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ công chức.
Những tồn tại, hạn chế nào được ông kỳ vọng là sẽ được giải quyết triệt để qua lần sáp nhập này?
Đầu tiên, bộ máy tổ chức sẽ được thu gọn, đảm bảo không bị dàn trải trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có. Cụ thể, khi sáp nhập 2 chi cục thuế với nhau, các bộ phận cùng thực hiện 1 chức năng sẽ giảm xuống còn 1 bộ phận. Tuy nhiên, số người sẽ tăng lên, do vậy khi sắp xếp sẽ vừa giảm được số lượng chi cục vừa giảm được số đội thuế thuộc chi cục mà vẫn đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Tiếp theo là khi sắp xếp bộ máy sẽ tiến hành rà soát, lựa chọn nhân sự có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc trong tình hình mới, các trường hợp không đáp ứng được yêu cầu công việc sẽ được bố trí công việc phù hợp hoặc thực hiện chế độ tinh giản biên chế theo quy định.
Và cuối cùng là thống nhất mô hình tổ chức đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng Đảng với nhiệm vụ chính trị của Cục Thuế; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt, chặt chẽ của Cục Thuế theo ngành dọc để lãnh đạo các chi cục thuế.
Việc sáp nhập một số chi cục thuế lần này có gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?
Trước hết, đó là công tác phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, cũng như các sở ban ngành của Thành phố trong việc quản lý thu ngân sách nhà nước, hạch toán kế toán ngân sách, báo cáo, quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn theo cơ chế “một cửa” liên thông theo quy định của pháp luật (đăng ký kinh doanh, đăng ký thu của tổ chức, hộ kinh doanh trên địa bàn, tiếp nhận hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, đăng ký ô tô, xe máy, thu lệ phí trước bạ đối với tài sản khác…).
Do đó, phải xây dựng được quy chế phối hợp trong lãnh đạo chỉ đạo giữa cơ quan thuế với chính quyền địa phương trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Có như vậy mới tranh thủ được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý thuế.
Vấn đề tiếp theo là khi thay đổi về tổ chức sẽ tác động trực tiếp đến con người. Do đó, Cục Thuế TP.Hà Nội xác định phải làm tốt công tác tư tưởng để đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ cơ quan khi tiến hành tổ chức lại chi cục thuế. Cục Thuế xác định việc sắp xếp bộ máy tổ chức và nhân sự các chi cục thuế khu vực phải đảm bảo rõ ràng, công khai minh bạch, theo nguyên tắc, tiêu chí rõ ràng nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cán bộ công chức.
Kế đến là khi tiến hành sáp nhập thì khối lượng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, trang thiết bị công nghệ thông tin, dữ liệu quản lý thuế, tài sản trang thiết bị làm việc, hồ sơ lưu trữ… phải chuyển đổi, bàn giao lớn nhưng phải đảm bảo tính bảo mật, an toàn, tiết kiệm.
Tất nhiên khi sáp nhập sẽ có sự thay đổi các quy trình nghiệp vụ liên quan đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, kế toán thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế…; các quy trình nghiệm vụ có liên thông với các cơ quan có liên quan như kho bạc nhà nước, tài chính cấp huyện, cơ quan địa chính, cơ quan công an… để phù hợp với mô hình tổ chức mới chi cục thuế khu vực. Do đó, bước đầu sẽ có sự ảnh hưởng nhất định đến cơ quan thuế và người nộp thuế.
Cảm ơn ông!
PV thực hiện