Theo kế hoạch, chiều 29.4, HĐXX TAND TP.Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết đối với cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng 9 bị cáo khác trong vụ án Sabeco.

Vụ Sabeco: Cổ đông của Sabeco Pearl mong muốn điều gì?

Nhã Thanh | 29/04/2021, 11:43

Theo kế hoạch, chiều 29.4, HĐXX TAND TP.Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết đối với cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng 9 bị cáo khác trong vụ án Sabeco.

"Tha thiết được thực hiện dự án"

Năm 2012, Chính phủ ban hành nghị quyết tiếp tục chỉ đạo: “Việc thoái vốn đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước là một nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp. Từ nay đến năm 2015, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch và bảo toàn mức cao nhất phần vốn tài sản của nhà nước”.

Tuy nhiên, cáo trạng của Viện KSND Tối cao xác định bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương), Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) và bị can Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) đã không thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ mà tiếp tục chỉ đạo Sabeco thực hiện đầu tư dự án bất động sản – không phải ngành nghề kinh doanh chính.

Bên cạnh đó, các bị cáo còn chỉ đạo Sabeco tiến hành liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư dự án và chuyển giao quyền sử dụng khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) cho liên doanh không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá.

vu-sabeco-co-dong-cua-sabeco-pearl-mong-muon-dieu-gi.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: N.A

Theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Tổng công ty Sabeco đã thực hiện các thủ tục giải thể Công ty Sabeco Land. Sau đó, bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco ký báo cáo số 10/2014BC-BPQLVNN báo cáo Bộ Công Thương và đề xuất cho Tổng công ty Sabeco hợp tác với Công ty Attland, Công ty Hà An, Công ty CP Đầu tư Mê Linh thành lập Công ty CP để triển khai dự án với các phương án cụ thể. Trong đó có nội dung: “Sabeco sẽ chuyển giao quyền sử dụng khu đất cho Công ty CP để triển khai dự án tại 2-4-6 Hai Bà Trưng”.

Sau đó, tháng 11.2014, Sabeco và các nhà đầu tư ký hợp đồng nguyên tắc về việc đầu tư; tháng 2.2015, ký hợp đồng hợp tác đầu tư thành lập Công ty CP đầu tư Sabeco Pearl (Công ty Sabeco Pearl) để triển khai dự án.

Tại phiên tòa, đại diện Công ty CP Đầu tư Mê Linh cho biết tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng chưa xây dựng bất kỳ công trình nào; dù rất muốn xây dựng nhưng khi được CQĐT đề nghị giữ nguyên hiện trạng, phía công ty đã thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo đại diện của Công ty CP Đầu tư Mê Linh, công ty là bên thứ ba ngay tình, các cổ đông hiện tại tham gia vào công ty từ tháng 4.2017 – là khoảng thời gian sau khi hành vi của các bị cáo đã hoàn thành; mặc dù dự án bị ngưng trệ nhiều năm, công ty cũng bị thiệt hại nhưng phía công ty tha thiết được tiếp tục thực hiện dự án.

“Nếu được các cơ quan Nhà nước xem xét, chúng tôi sẵn sàng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính để phát triển dự án theo quy định của pháp luật”, đại diện Công ty Mê Linh trình bày.

vks.jpg
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa - Ảnh: N.A

VKS: Cho Sabeco Pearl thuê đất là sai quy định

Theo VKS, Sabeco chưa đủ điều kiện thực hiện quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và Công ty Sabeco Pearl không phải là đối tượng được thuê đất trong vụ án này.

VKS phân tích rằng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng không thuộc diện phải di dời do ô nhiễm. Việc các bị cáo cố tình tham mưu đề xuất áp dụng quy định tại Quyết định số 86/2010 của Thủ tướng Chính phủ để cho Sabeco Pearl thuê đất là không đúng đối tượng.

Tại bản Kết luận giám định của Bộ Tài chính (ngày 28.6.2019), kết luận: “Việc xử lý nhà đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng không thuộc trường hợp thực hiện theo quy định tại Quyết định số 86/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl không thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất của Quyết định số 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước”.

Bên cạnh đó, theo VKS, Sabeco là doanh nghiệp nhà nước (tính đến hết tháng 6.2015), là đối tượng đã được xử lý khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng Sabeco chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất để được chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa đủ điều kiện thực hiện quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất…

Tại bản Kết luận giám định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (ngày 14.8.2019) kết luận: “Theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc UBND TP.HCM cho Sabeco Pearl thuê đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng thay cho Sabeco là không đúng quy định”.

Để thực hiện đúng quy định của pháp luật đất đai, theo Kết luận giám định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi Tổng công ty Sabeco thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với khu đất trên (nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất, nộp tiền lệ phí trước bạ), được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tổng công ty Sabeco mới được góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào vốn điều lệ Công ty Sabeco Pearl.

Trong phần luận tội, VKS đề nghị HĐXX yêu cầu UBND TP.HCM hủy bỏ, thu hồi các quyết định giao đất trái pháp luật, giải quyết cho bên thứ ba ngay tình; đồng thời không đề nghị cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng các bị cáo phải bồi thường.

Bài liên quan
Vụ Sabeco: VKS đề nghị xử phạt cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng 10 – 11 năm tù
VKS đề nghị Tòa xử phạt từ 10 - 11 năm tù đối Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ Sabeco: Cổ đông của Sabeco Pearl mong muốn điều gì?