Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo biến thể COVID-19 ba đột biến rất dễ lây lan ở Ấn Độ là "đáng lo ngại".

WHO cảnh báo biến thể COVID-19 ở Ấn Độ là 'mối lo ngại toàn cầu'

Hoàng Vũ | 11/05/2021, 10:59

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo biến thể COVID-19 ba đột biến rất dễ lây lan ở Ấn Độ là "đáng lo ngại".

"Có một số thông tin cho thấy biến chủng B.1.617 ở Ấn Độ dễ lây lan hơn. Vì vậy, chúng tôi xếp biến chủng này vào nhóm biến chủng đáng lo ngại toàn cầu.

Mặc dù có sự gia tăng khả năng lây truyền qua một số nghiên cứu sơ bộ, nhưng chúng tôi cần thêm nhiều thông tin về biến thể vi rút này, cần thực hiện thêm việc giải trình tự gen có mục tiêu", bà Maria Van Kerkove, người đứng đầu nhóm đặc trách COVID-19 của WHO, cho biết trong cuộc họp báo hôm 10.5

Bên cạnh đó, quan chức WHO cũng đề cập đến các nghiên cứu trước đó cho thấy biến chủng B.1.617 có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc xin. Tuy nhiên, theo bà Van Kerkove, dựa vào dữ liệu cho tới thời điểm hiện tại, các vắc xin COVID-19 hiện nay vẫn có hiệu quả đối với biến chủng này.

kerkhove.jpeg
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove - Ảnh: AFP

Theo WHO, một biến thể có thể được gán nhãn là "đáng lo ngại" nếu được xác định là dễ lây lan hơn, gây chết người hoặc kháng các loại vắc xin và phương pháp điều trị hiện tại.

Như vậy biến chủng B.1.617 ở Ấn Độ chính thức được xếp vào nhóm "đáng lo ngại" cùng với 3 biến thể khác gồm: B.1.1.7 - được phát hiện lần đầu tiên ở Anh, B.1.351 được phát hiện lần đầu ở Nam Phi và biến thể P.1 được phát hiện lần đầu ở Brazil. Các biến chủng này được cho là nguyên nhân chính đằng sau đợt bùng phát dịch nghiêm trọng ở nhiều nước trên thế giới kể từ cuối năm ngoái đến nay.

Sự xuất hiện của biến chủng B.1.617 được cho là nguyên nhân chính làm bùng phát làn sóng COVID-19 nghiêm trọng chưa từng có ở Ấn Độ. B.1.617 hiện đã lan ra ít nhất 21 quốc gia khác.

Mặc dù thay đổi đánh giá mức độ nghiêm trọng của biến chủng B.1.617 từ "được quan tâm" sang "đáng lo ngại", song WHO nhấn mạnh không có bất cứ khuyến nghị thay đổi nào đối với công tác tiêm chủng vấc xin, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị COVID-19. Tổ chức Y tế thế giới hối thúc mọi người dân trong độ tuổi cho phép tiếp tục tiêm vắc xin ngừa COVID-19 để ngăn chặn vi rút lây lan. 

"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các biến chủng đáng lo ngại toàn cầu và chúng ta phải làm mọi thứ có thể để ngăn chặn đà lây lan của COVID-19", bà Van Kerkhove nhấn mạnh.

WHO lên án ngoại giao vắc xin

Trả lời phóng viên tại trụ sở WHO ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 10.5, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết "Ngoại giao vắc xin không phải là hợp tác".

Người đứng đầu WHO chỉ trích động thái mà ông gọi là "thủ đoạn địa chính trị" của các nước vào thời điểm đáng lẽ phải đề cao "hợp tác minh bạch".

"Chúng ta không thể đánh bại đại dịch COVID-19 thông qua cạnh tranh. Nếu các bạn cạnh tranh về tài nguyên hoặc lợi thế địa chính trị thì vi rút sẽ có lời thế", ông Tedros cho hay.

tedros.jpeg
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: AFP

Tuyên bố trên được đưa ra khi ông Tedros trả lời câu hỏi về cáo buộc các quốc gia như Trung Quốc, Nga tài trợ lượng lớn vắc xin COVID-19 sản xuất trong nước cho các nước đang cấp thiết tiêm chủng, đổi lấy quyền tiếp cận thị trường và ảnh hưởng.

Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, toàn cầu đang chứng kiến ca mắc COVID-19 mới chững lại song vẫn ở mức cao "không thể chấp nhận được". Ông chỉ ra rằng thế giới ghi nhận hơn 5,4 triệu ca nhiễm mới và gần 90.000 ca tử vong chỉ trong tuần trước, trong đó số lượng này tăng mạnh tại Ấn Độ.

Việc triển khai chương trình tiêm chủng nhanh chóng cho phép một số quốc gia giàu có bắt đầu thực hiện các bước hướng tới bình thường. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh vẫn gia tăng ở nhiều quốc gia và mối lo ngại bất bình đẳng vắc xin toàn cầu ngày càng tăng.

Tổng giám đốc WHO lưu ý "các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp chiếm 47% dân số thế giới, nhưng chỉ nhận được 17% lượng vắc xin trên thế giới". "Giảm bớt sự mất cân bằng toàn cầu này là một phần thiết yếu”, ông Tedros nói.

Ngoài ra, ông Tedros cũng nhấn mạnh rằng ngay cả các quốc gia có khả năng tiếp cận vắc xin rộng rãi và dịch bệnh dường như đang giảm cũng cần phải cảnh giác.

"Trong năm qua, nhiều quốc gia trải qua xu hướng giảm ca nhiễm mới và tử vong nên nới lỏng các biện pháp xã hội và y tế công cộng quá nhanh, khiến người dân đã mất cảnh giác và đánh mất những thắng lợi mà chúng ta khó khăn lắm mới giành được", ông nói.

Theo số liệu của Worldometers tính đến thời điểm hiện tại, toàn thế giới ghi nhận gần 160 triệu người nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 137 triệu người đã hồi phục và 3,3 triệu người tử vong. 

Mỹ vẫn là nước dẫn đầu về số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới với hơn 33,5 triệu ca nhiễm. Trong khi đó, tâm điểm dịch trên thế giới vẫn là Ấn Độ. Hiện quốc gia Nam Á này ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 đứng thứ hai thế giới về tổng số ca nhiễm với gần 23 triệu ca. Brazil, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt đứng thứ 3, 4 và 5 về số ca mắc COVID-19.




Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WHO cảnh báo biến thể COVID-19 ở Ấn Độ là 'mối lo ngại toàn cầu'