Theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam cập nhật đến đầu giờ sáng nay, 25.2.2020, toàn thế giới ghi nhận 80.147 người mắc, 2.699 người tử vong do Covid-19, trong đó riêng lục địa Trung Quốc là 2.663 người, Iran 12 người, Hàn Quốc 8 người, Ý 7 người.
Số ca tử vong còn lại được ghi nhận tại Hồng Kông: 2 người, Đài Loan: 1 người, Phillippines: 1 người, Nhật Bản: 1 người, Pháp: 1 người, Tàu Diamond Princess: 3 người.
Covid-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Dịch đã lan ra 31 tỉnh thành của Trung Quốc. Đến nay, 37 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.
Phía dưới là tình hình tại Trung Quốc:
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 24.2 tuyên bố, thế giới cần nỗ lực hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 chết người và cần phải chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch.
Phát biểu với phóng viên tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Ghebreyesus cho biết, tới nay, WHO vẫn chưa coi sự bùng phát dịch Covid-19, khiến hơn 2.600 người tử vong, là một đại dịch, song các quốc gia cần "nỗ lực hết mình để chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch" mà không nên "sợ hãi."
Theo WHO, dịch bệnh vẫn chưa vượt quá tầm kiểm soát trên toàn cầu hay gây ra số ca tử vong lớn, hiện còn "quá sớm" để nói về một đại dịch.
Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn phát biểu của ông Ghebreyesus tại cuộc họp báo cho biết WHO quan ngại sâu sắc về sự gia tăng đột ngột số ca nhiễm virus SARS-CoV-2tại Italy, Iran và Hàn Quốc.
Tổng giám đốc WHO cho biết hiện có 2.074 trường hợp nhiễm Covid-19 tại 28 quốc gia (không bao gồm Trung Quốc) và ghi nhận 23 trường hợp tử vong.
Theo đó, WHO khuyến cáo mỗi quốc gia phải tự đánh giá tình hình theo bối cảnh của từng nước, và WHO cũng sẽ làm như vậy thông qua việc giám sát 24/24. ông nhấn mạnh cần thống nhất kiềm chế dịch bệnh.
Số người chết vì coronavirus tại Ý tiếp tục tăng
Tính đến thời điểm này, số ca nhiễm mới Covid-19 tại Ý tăng lên hơn 220 trường hợp với 7 người thiệt mạng, biến nước này trở thành quốc gia có số ca nhiễm nhiều thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Các ca dương tính với COVID-19 được ghi nhận chủ yếu tập trung tại hai vùng phía bắc Ý là Lombardy và Veneto. (Xem chi tiết tại đây)
Quốc hội Hàn Quốc đã quyết định tạm thời đóng cửa trụ sở từ chiều 24.2. Hiện các nhân viên y tế đang khử trùng hai tòa nhà chính tại trụ sở Quốc hội Hàn Quốc. Khu vực này sẽ được cách ly đến ít nhất hết ngày 26.2. Đây có thể là lần đầu tiên tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc bị đóng cửa vì tình huống khẩn cấp.
Quyết định trên được các nghị sĩ đảng Dân chủ cầm quyền và đảng Tương lai Thống nhất (UFP) đối lập của Hàn Quốc thống nhất hôm 24.2 sau khi có ít nhất 3 nhà lập pháp - trong đó có lãnh đạo phe UFP tại quốc hội Shim Jae-chul và 2 người khác - tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ông Shim sau đó được xét nghiệm và đang chờ kết quả. (Xem chi tiết tại đây)
Oman xác nhận hai trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên
Ngày 24/2, Bộ Y tế Oman thông báo đã ghi nhận hai trường hợp lây nhiễm COVID-19 đầu tiên tại nước này. Các ca nhiễm mới nhất là hai phụ nữ người Oman từng tới Iran. Hiện cả hai đều đang trong tình trạng ổn định.
Cho đến nay, các ca lây nhiễm COVID-19 tại khu vực Trung Đông đều có liên quan đến Iran. Những quốc gia như Kuwait, Oman, Iraq, Bahrain... đều có các bệnh nhân là người Iran hoặc từng đến nước này.
Nhiều nước láng giềng đã cấm nhập cảnh và đóng cửa biên giới trên bộ với Iran, trong khi một số quốc gia khác đình chỉ các tuyến đường bay tới nước Cộng hòa Hồi giáo.
Hong Kong nâng mức cảnh báo đỏ đối với du lịch Hàn Quốc
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gia tăng tại Hàn Quốc, tối 24/2, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong đã nâng cảnh báo du lịch Hàn Quốc lên mức Đỏ và khuyến cáo người dân không nên đến Hàn Quốc vào lúc này. Tất cả các tour du lịch đến Hàn Quốc sẽ bị hủy đến ngày 15/3.
Kể từ 6 giờ sáng 25/2, cấm tất cả du khách nước ngoài đến từ Hàn Quốc hoặc trong vòng 14 ngày từng đi qua Hàn Quốc nhập cảnh Hong Kong. Cục trưởng Cục Y tế và Vệ sinh thực phẩm Hong Kong Trần Khởi Thủy (Sophia Chan) cho biết, kể từ ngày mai (25/2), người Hong Kong trở về từ Hàn Quốc sẽ bị giảm sát y tế trong 14 ngày. Những người Hong Kong trở về từ vùng dịch Daegu và Cheongdo sẽ phải đến Trung tâm kiểm dịch chỉ định để cách ly trong 14 ngày.
Tối 24/2 có 4 chuyến bay từ sân bay quốc tế Incheon đến Hong Kong, tất cả hành khách sẽ được kiểm tra sức khỏe và giám sát y tế tại sân bay.
Cảnh sát Nga truy tìm người Trung Quốc nhằm chặn nguy cơ lây dịch Covid-19
Theo hãng tinAPngày 23.2 (giờ Mỹ), chính quyền Moscow cũng cho phép sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để tìm những người Trung Quốc bị nghi trốn thời hạn cách ly bắt buộc 14 ngày sau khi họ nhập cảnh vào Nga.
Nỗ lực nhận diện công dân Trung Quốc trên các phương tiện vận chuyển công cộng được áp dụng ở các chuyến xe buýt, xe điện ngầm ở Moscow, theo giới truyền thông Nga cho biết.
Nhân viên xe điện ngầm được lệnh chặn hành khách Trung Quốc, yêu cầu họ trả lời vào bản câu hỏi về lý do họ ở Nga và họ đã chịu cách ly 14 ngày hay chưa. Bản câu hỏi cũng yêu cầu người Trung Quốc báo cáo tình hình sức khỏe cùng địa chỉ tạm chú của họ.
Công ty xe điện ngầm Metro Moscow xác nhận với AP rằng hệ thống metro của họ “tích cực giám sát các trạm” và có bộ quy định cách tiếp đón người “vừa từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trở về”. (Xem chi tiết tại đây)
T.H